MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Philippines - Đường tới thịnh vượng

28-08-2016 - 07:53 AM | Tài chính quốc tế

6 năm gần đây nhất là 6 năm của sự ổn định và tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu khu vực Đông Á. Tuy nhiên, với một vị Tổng thống mới, Philippines đang gặp nhiều thử thách.

Lấy 7.100 hòn đảo, thêm vào đó 100 triệu dân, cộng thêm một chút tham nhũng, một chút nghèo đói và một nền chính trị vẫn phảng phất nét phong kiến thì bạn sẽ có gì? Một số người nghĩ rằng đây chính là công thức sẽ tạo nên thảm họa. Nhưng Philippines đã chứng minh rằng thực tế không phải như vậy.

Kể từ khi nhà độc tai Ferdinand Marcos bị lật đổ năm 1986, đất nước này đã và vẫn đang trên con đường hướng tới thịnh vượng với một nền dân chủ khá phát triển. 6 năm gần đây nhất là 6 năm của sự ổn định và tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu khu vực Đông Á. Tuy nhiên, với một vị Tổng thống mới, đất nước này đang gặp nhiều thử thách.

Phép màu của ông Aquino

Sau nhiều năm là thuộc địa của Tây Ban Nha và Mỹ, cuối cùng thì Philippines đã có thể tự quyết định vận mệnh của mình sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc chấm dứt thời kỳ đất nước này bị Nhật đô hộ. Philippines phát triển theo chế độ dân chủ đa đảng, tạo dựng một nền chính trị tập trung vào cá nhân thay vì được lãnh đạo bởi những triều đại hùng mạnh như trước kia.

Cựu Tổng thống Benigno Aquino là con trai của cố Tổng thống Corazon Aquino – người đã lãnh đạo phong trào giải phóng lật đổ 21 năm thống trị của Marcos. Đó là 21 năm tàn bạo với khoảng 3.000 người bị giết và 35.000 người khác bị tra tấn trong khi người vợ Imelda có bộ sưu tập giày khổng lồ cùng bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật trị giá 25 triệu USD.

Dưới sự lãnh đạo của ông Aquino, chiến dịch chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt đồng thời kinh tế Philippines cũng phát triển vượt bậc nhờ đầu tư mạnh vào nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và giáo dục.

Với tốc độ tăng trưởng 6,5% trong 6 năm qua, Philippines được World Bank ca ngợi là “con hổ châu Á”. Ông Aquino được ví von là đã đặt dấu chấm hết cho tên gọi “người đàn ông ốm yếu của châu Á” mà Philippines có từ bao đời nay. Ông Aquino cũng giúp Philippines lần đầu tiên được các tổ chức xếp hạng ở mức nên đầu tư và có thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt.

Tuy vậy, 1/4 dân số vẫn sống trong cảnh nghèo đói, một phần là vì thường xuyên phải hứng chịu thiên tai mà điển hình là siêu bão Hải Yến năm 2013.


Philippines có tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với các nước châu Á

Philippines có tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với các nước châu Á

Thách thức cho tân Tổng thống

Rodrgio Duterte – vị thị trưởng trực tính của thành phố Davao – đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống hôm 9/5 nhờ chiến dịch tranh cử đánh vào sự phẫn nộ của dân chúng đối với thực trạng tham nhũng và tội phạm tràn lan. Người đàn ông 71 tuổi được dân chúng đặt biệt danh là “Kẻ trừng phạt” hay Duterte Harry vì phong cách mạnh mẽ và lời hứa sẽ dọn sạch tội phạm chỉ trong 6 tháng. Chính ông cũng gây nên sự bất bình với những phát ngôn ngông cuồng về các vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, sự ủng hộ dành cho ông không hề giảm bớt.

Chỉ trong 2 tháng đầu tiên của nhiệm kỳ, ông đã ra lệnh cho cảnh sát giết hơn 750 người được cho là buôn lậu ma túy. 1.100 người khác thiệt mạng trong những đợt càn quét không được thực hiện bởi cảnh sát. Khi các tổ chức nhân quyền lên tiếng, ông dọa sẽ rút khỏi Liên hợp quốc và vẫn sẽ tiếp tục chiến dịch của mình.

Duterte còn cho lãnh đạo đối lập lưu vong một ghế trong nội các và tuyên bố nhà độc tài Marcos nên được coi như một vị anh hùng. Ngoài ra những chính sách của tân Tổng thống Philippines còn bao gồm phục hồi án tử hình, nới lỏng giới hạn sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài và chuyển chính phủ sang mô hình chính phủ liên bang.

Nhân vật gây tranh cãi

Những người phản đối ông Duterte cho rằng ông là mối đe dọa lớn nhất kể từ thời Marcos, trong khi Tổng thống Philippines tuyên bố sẽ không chấp nhận bất kỳ động thái nào từ các nhà làm luật nếu họ muốn ngăn cản kế hoạch của ông.

Về đối ngoại, ông Duterte có những phát ngôn bất nhất về biển Đông khi nói sẽ hợp tác với Mỹ, Nhật Bản và Úc nhưng có lúc lại tuyên bố sẽ đàm phán trực tiếp với Trung Quốc. So với người tiền nhiệm, ông có thái độ dè dặt hơn với Mỹ - nước dưới thời ông Aquino là một đồng minh quân sự lớn của Philippines.

Ngoài ra, tắc đường, cơ sở hạ tầng giao thông xập xệ và tình trạng chảy máu chất xám là những thách thức mà ông Duterte phải đối mặt để có thể thực hiện lời hứa sẽ tiếp tục duy trì phép màu kinh tế mà ông Aquino đã đạt được.

Thu Hương

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên