MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội: Công chức yếu kém sẽ không còn đường ở lại

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, nhấn mạnh cần trao nhiều quyền hơn nữa cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập để họ làm tốt vai trò đánh giá năng lực viên chức.

"Vào Nhà nước" không còn để ổn định

Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức không tiếp tục quy định lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là công chức. Theo ông, điều này tác động như thế nào tới bộ máy chung?

Nghị quyết Trung ương yêu cầu không thực hiện chế độ công chức với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trừ đơn vị sự nghiệp công lập thực hiệm nhiệm vụ chính trị và quản lý nhà nướcnhư Đài truyền hình và các trường chính trị. Thời gian vừa qua, lãnh đạo những cơ quan này cũng không được tính trong tổng biên chế của đội ngũ công chức và cũng không được hưởng phụ cấp công chức.

Tôi cho rằng sự chuyển đổi như thế này là phù hợp với thực tiễnm,sẽ không xảy ra sự xáo trộn lớn nào. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là liên thông như thế nào giữa đội ngũ công chức và đội ngũ viên chức. Khi anh là công chức, anh có thể chuyển sang đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, tức là viên chức.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội: Công chức yếu kém sẽ không còn đường ở lại - Ảnh 1.

Chúng ta là một hệ thống chính trị nên có sự điều chuyển giữa khối sự nghiệp và khối cơ quan Nhà nước. Vì vậy, chúng ta phải làm sao để có quy định liên thông, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình luân chuyển, điều động cán bộtừ công chức sang viên chức và ngược lại một cách thông thoáng nhất, tạo điều kiện cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng.

Dự án luật ra đời nhằm một trong những mục tiêu quan trọng là xóa tình trạng "vào dễ, ra khó" trong các đơn vị công lập, tạo điều kiện để đơn vị công lập chọn viên chức phù hợp với vị trí làm việc, tạo động lực cạnh tranh để viên chức nâng cao trình độ, hoàn thành nhiệm vụ, chức trách.

Điều khoản này có gây tâm lý hoang mang khi nhiều người vẫn giữ tâm lý vào Nhà nước vì chỗ làm ổn định?

Khắc phục tình trạng "vào dễ, ra khó" là một trong những yêu cầu của Nghị quyết Trung ương. Đây là tâm lý cố hữu, tồn tại nhiều năm qua. Để giải quyết vấn đề này, cần có cơ chế hiệu quả để đánh giá công chức, viên chức. Nếu người đứng đầu của một cơ quan công lập tiến hành đánh giá thường xuyên, chúng ta sẽ có cơ chế để loại bỏ những công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Nghị quyết trung ương cũng có yêu cầu liên quan đến thực hiện hợp đồng có thời hạn với viên chức, trừ viên chức ở vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Những phương án mà Chính phủ đặt ra trong tờ trình dự án luật cũng có những ưu, nhược điểm.

Về ưu điểm, chúng khắc phục tâm lý "dễ vào khó ra"; nâng cao vai trò người đứng đầu và tạo ra cơ chế để loại bỏ những viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Về nhược điểm, chúng tạo ra tâm lý không ổn định cho người lao động.

Nếu thực hiện theo phương án hợp đồng có thời hạn tối đa 2 lần sau đó ký hợp đồng không thời hạn, yêu cầu đặt ra là làm sao nâng cao vai trò của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

Quốc hội sẽ xem xét quyết định từng phương án cụ thể nhưng mỗi phương án cũng cần có giải pháp để khắc phục yếu điểm.


Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội: Công chức yếu kém sẽ không còn đường ở lại - Ảnh 2.

Liệu như vậy có trao quá nhiều quyền cho lãnh đạo?

Hiện nay, người sử dụng viên chức có rất ít quyền. Việc thực hiện giám sát của Quốc hội đã nêu: liên quan đến quá trình đánh giá đội ngũ công chức vẫn còn tồn tại sự nể nang né tránh. Đánh giá không sát thì không thể nào có cơ chế loại bỏ những công chức không hoàn thành nhiệm vụ được. Tương tự như vậy với viên chức.

Quan điểm cho rằng người đứng đầu có quá nhiều quyền lực là không phù hợp. Trao quyền bao giờ cũng đi liền với việc kiểm tra, giám sát.

Nghỉ hưu không còn là hạ cánh an toàn

Xử lý ra sao với những công chức, viên chức chỉ còn vài năm nữa là nghỉ hưu nhưng không hoàn thành nhiệm vụ bởi những đòi hỏi mới của công việc,nhân dân trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin hiện nay?

Chúng ta có nhiều cơ chế. Thứ nhất là khuyến khích nghỉ hưu sớm. Chúng ta cũng có những khoản trợ cấp hỗ trợ một cách thỏa đáng. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ do hạn chế về công nghệ thông tin, công nghệ mới hay yêu cầu của công việc, của cử tri, của nhân dân ngày càng cao, cần có sự điều chuyển họ vào những vị trí việc làm cho phù hợp hơn.

Dự án luật mới bổ sung quy định xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu liệu có đi vào thực chất?

Đây là chủ chương hoàn toàn đúng. Tùy theo tính chất, mức độcủa hành vi vi phạm, bất kể công dân hay công chức, viên chức, đều có thể bị xử lý. Có thể là xử lý hành chính, bồi thường thiệt hại hoặc xử lý hình sự tùy vào mức độ sai trái. Đối với cán bộ công chức, viên chức đang đương nhiệm cũng có những quy định rõ ràng về xử lý hành chính,kỷ luật thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Với công chức, viên chức đã nghỉ hưu, chúng ta không thể xử lý như công chức, viên chức bình thường bởi bản chất họ không còn là công tác nữa. Chính vì thế, chúng ta không thể áp dụng hình thức xử lý kỷ luật đối với công chức đã nghỉ như với công chức đương nhiệm.

Tuy nhiên, một trong những hình thức xử lý kỷ luật mang tính răn đe cao nhất chính là đánh vào lợi ích thiết thực mà người đó được hưởng trong thời gian là công tác nhưng vi phạm. Nếu vi phạm vượt quá mức xử phạt hành chính thì có thể là xử lý hình sự. Xử lý hình sự công chức về hưu là điều chúng ta đã từng làm.

Thực tế, đối tượng công chức về hưu là rất rộng, đa dạng và từng công tác ở nhiều vị trí khác nhau. Chính vì vậy, khó đưa quy định chi tiết trong luật. Luật chỉ quy định nguyên tắc để sau đó giao Chính phủ quy định cụ thể căn cứ vào tình hình thực tiễn.

Một số quốc gia, người ta chọn cách đánh vào phần lương hưu của những người bị kỷ luật, có thể cắt lương hưu. Việt Nam có tính toán đến phương án này?

Ở Việt Nam, lương hưu liên quan đến vấn đề Bảo hiểm Xã hội. Trong thời gian lao động và công tác, họ có những đóng góp cho Bảo hiểm xã hội theo quy định. Đấy là vấn đề an sinh xã hội, mình không thể cắt được.

Buộc họ đền bù cho những lợi ích họ được hưởng trong quá trình họ làm sai thì sao?

Có thể phạt bằng tiền. Ví dụ một người là vụ trưởng 5 năm nhưng chỉ được phát hiện vi phạm sau khi đã về hưu. Trong5 năm đó, nếu người này được hưởng phụ cấp 1:1 thì bây giờ sẽ căn cứ vào đấy để phạt hành chính với tổng số tiền họ đã được hưởng.

Bài toán nhân tài

Chính sách thu hút nhân tài sẽ được hiện thực hóa ra sao trong bối cảnh lương nhà nước thấp và môi trường lại không thực sự cạnh tranh, thúc đẩy khả năng phát triển của cá nhân so với làm việc bên ngoài?

Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Doanh nghiệp năng động hơn thì đúng. Tuy nhiên, trong khối cơ quan Nhà nước, cũng rất cần người tài. Hiện nay, Luật đã có quy định. Chính phủ cũng đã cụ thể hóa bằng một số nghị định liên quan đến những lĩnh vực cụ thể, chẳng hạn như lĩnh vực Khoa học Công nghệ. Vấn đề đặt ra là các chính sách đó đã phù hợp chưa.

Ở đây, tôi cho vấn đề trọng dụng người tài sau khi thu hút được họ mới là quan trọng. Chúng ta cần sử dụng, trọng dụng, tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo cho người tài. Bên cạnh đó, cũng cần quy chế loại bỏ khi họ không đáp ứng được công việc.

Tuy nhiên, những chi tiết này không thể quy định cụ thể trong luật. Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc, còn lại giao cho Chính phủ nghiên cứu thực hiện.

Ngoài ra, một người có thể được đánh giá là tài giỏi trong lĩnh vực này nhưng không thể giỏi trong lĩnh vực khác. Vì vậy, chúng ta cần xác định rõ tuyển người nào ở trình độ nào, chuyên môn gì để có thể đáp ứng đòi hỏi của công việc. Cần có những tiêu chí để xác định người tài trong những lĩnh vực cụ thể.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên