MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó thủ tướng: “Cần tính toán lại phí BOT”

Dù doanh nghiệp đầu tư, nhưng đây chính là vốn gián tiếp của ngân sách vì người dân đóng phí...

Qua giám sát và kiến nghị của cử tri, có thể thấy tình trạng xây dựng các dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) trong lĩnh vực hạ tầng đang có nhiều mặt bất hợp lý.

Đây là phản ánh của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, khi thẩm tra sơ bộ tình hình thu chi ngân sách từ đầu năm đến nay, vào sáng 11/7.

Cần rà soát, chấn chỉnh phí BOT

Tại đây, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách phản ánh, nhiều tuyến đường duy nhất được các bộ, ngành cho phép thực hiện dự án BOT để tổ chức thu phí, mà người dân không có phương án lựa chọn.

Thực trạng này, theo cơ quan thẩm tra là đã gây bức xúc và tạo gánh nặng lớn cho người dân và doanh nghiệp, tăng chi phí cho sản xuất kinh doanh trong nước, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Đề nghị từ cơ quan thẩm tra là Chính phủ cần rà soát, chấn chỉnh nội dung này, đồng thời báo cáo Quốc hội việc triển khai thực hiện tất cả các dự án BOT.

Đồng thời, cần làm rõ những tồn tại, bất cập và hướng xử lý trong triển khai, quản lý, thu phí đối với các dự án BOT, nhất là các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông.

Trước đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng đề nghị Chính phủ thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức BOT, điều chỉnh hợp lý biểu phí sử dụng dịch vụ, để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Cuối phiên thảo luận, đề cập đến phí BOT, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, hiện nay có rất nhiều ý kiến về vấn đề này. Và Chính phủ đang tập trung yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải báo cáo, đánh giá tổng thể các dự án.

Dù doanh nghiệp đầu tư, nhưng đây chính là vốn gián tiếp của ngân sách vì người dân đóng phí, nên cần tính toán lại để đảm bảo lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp, đặc biệt là của nhân dân, Phó thủ tướng nói.

Thu ngân sách 6 tháng: Chỉ doanh nghiệp Nhà nước không đạt

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, bằng 47% dự toán, dù vẫn tăng 6,1% so với cùng kỳ 2015.

Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phân tích, trong khi thu ngân sách từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước và thu từ khu vực công nghiệp - ngoài quốc doanh tăng 22,9%, thì thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước chỉ đạt 94,5%.

Bên cạnh giá dầu, khí giảm, thu cổ tức đạt thấp, một nguyên nhân được cơ quan thẩm tra đề cập là hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp Nhà nước trong một số lĩnh vực còn khó khăn.

Chẳng hạn, số thu từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giảm khoảng 14.000 tỷ đồng. Hay sản lượng than khai thác 6 tháng đầu năm giảm 40% đã làm giảm số thu nộp ngân sách của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.

Rồi giá sao su giảm mạnh (dự toán 53 triệu đồng/tấn, thực hiện bình quân ở mức 25 triệu đồng/tấn) cũng làm giảm số thu nộp ngân sách của Tập đoàn Cao su Việt Nam…

Nhưng, bên cạnh các nguyên nhân nói trên, cơ quan thẩm tra cho rằng còn do các nguyên nhân chủ quan và đề nghị Chính phủ báo cáo, phân tích làm rõ về nguyên nhân này.

Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng các kịch bản để quản lý, khai thác dầu thô trong nước theo diễn biến của giá dầu thế giới để tránh lãng phí tài nguyên đất nước trong điều kiện giá dầu thế giới giảm mạnh.

Theo Nguyên Vũ

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên