MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Chính phủ sẽ tìm cách gỡ khó về lãi suất cho dự án cao tốc Trung Lương – Cần Thơ

Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ GTVT tìm cách tháo gỡ khó khăn về lãi suất…

Đây là thông tin được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra khi đi kiểm tra công trường và làm việc với Bộ GTVT, chủ đầu tư, đơn vị thi công tuyến cao tốc Trung Lương – Cần Thơ, chiều 23/9.

Báo cáo Phó Thủ tướng về tình hình thực hiện dự án, đại diện chủ đầu tư cho biết, nhà đầu tư đã nộp đủ vốn chủ sở hữu 1.542 tỷ đồng và đã giải ngân chủ yếu cho các công tác giải phóng mặt bằng, quản lý dự án.... Hợp đồng vốn tín dụng hạn mức 6.850 tỷ đồng đã ký với các ngân hàng như VietinBank, BIDV, AgriBank, VPBank.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự án đã huy động được 445 trên 958 tỷ đồng giá trị hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CII.

Về công tác giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp dự án đã chuyển cho địa phương 1.345 tỷ đồng, tương đương 99,7%, kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng cho 3.000 hộ dân trên diện tích 458 ha. Địa phương đã bàn giao 49,3 km, tương đương 96% mặt bằng.

Đơn vị này cũng cho biết đã thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công và tạm duyệt dự toán của 21/21 gói thầu và đang triển khai thi công 19/21 gói thầu.

Bên cạnh đó, công tác lựa chọn nhà thầu cho 20/21 gói thầu đã hoàn thành. Lũy kế giá trị đã thực hiện đến nay khoảng 610 tỷ đồng, đạt 11,67%, chậm khoảng 14 - 15% so với kế hoạch.

Đại diện nhà đầu tư cũng cho biết hiện dự án cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc, trong đó, lớn nhất là về lãi suất vốn vay. Nhà đầu tư đã ký kết hợp đồng tín dụng với mức vay 6.850 tỷ đồng, áp dụng trần lãi suất theo Thông tư 75 ngày 21/7/2017 của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, lãi suất tính theo thông tư là khoảng 6,77%/năm trong khi lãi suất trung bình thực tế của 3 ngân hàng thương mại là khoảng 10,83%. Điều này dẫn đến sự chênh lệch rất lớn giữa lãi suất tính toán trong dự án và lãi suất vay thực tế, nhà đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, tiến độ thi công bị cầm chừng.

Mặt khác, Dự án đã thi công khoảng 1,3 triệu m3 cát, còn cần khoảng 6,5 triệu m3 để đắp nền. Dự kiến, khi đẩy nhanh tiến độ thi công, dự án có thể sẽ thiếu nguồn cát.

Phó Thủ tướng khẳng định, Dự án Trung Lương - Mỹ Thuận là dự án đầu tư trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, tiến tới nối đến tỉnh Cà Mau. Đây là tuyến đường trục dọc khu vực các tỉnh Tây Nam Bộ, có vai trò vô cùng quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuyến đường đi vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng giảm áp lực và nguy cơ ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1.

Theo đó, Phó Thủ tướng cho biết mục tiêu đặt ra cho Bộ GTVT, chủ  đầu tư, nhà thầu, đơn vị thi công là hoàn thành tuyến đường đúng tiến độ vào năm 2020. Tuy nhiên thời gian qua, việc đầu tư tuyến đường đang có dấu hiệu chậm tiến độ, xuất hiện các khó khăn, vướng mắc.

Phó Thủ tướng cho biết để đẩy nhanh tiến độ dự án, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ GTVT tìm cách tháo gỡ khó khăn về lãi suất cho phù hợp với thực tế, tính toán chính xác, đầy đủ, trình Chính phủ xử lý.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị UBND các địa phương trong khu vực tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ về nguồn cung cấp vật liệu cát cho dự án này và các dự án trọng điểm ngành GTVT khác trên địa bàn vùng Tây Nam Bộ. 

Ông cũng yêu cầu UBND Tiền Giang phối hợp với doanh nghiệp dự án đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trong tháng 10/2018, đáp ứng tiến độ thi công các hạng mục công trình.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên