MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Dự án ODA, địa phương nào làm kém thì chuyển sang địa phương khác

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội một số điều chỉnh để tận dụng nguồn vốn ODA như: Dự án ODA nào giải ngân tốt mà thiếu vốn thì điều vốn từ dự án bị chậm sang, địa phương nào làm kém thì chuyển sang địa phương khác tốt hơn.

Rà soát lại các chính sách về thuế

Sáng nay, các đại biểu Quốc hội đã có phiên thảo luận tại Tổ về tình hình kinh tế xã hội năm 2017 và các tháng đầu năm 2018.

Nhận xét về tình hình thu – chi ngân sách, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh) nhận định việc cơ cấu lại thu trong nước là điều đương nhiên. Tuy nhiên, việc thu trong nước với tỷ lệ động viên cần phải phù hợp, không quá năng lực doanh nghiệp, người dân. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí phải giữ ở mức 21 - 23% GDP. Các cơ quan chức năng phải tập trung chống thất thu cũng như chống xói mòn cơ sở thuế.

"Chúng tôi cũng chỉ đạo thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát được", Phó Thủ tướng nói và cho biết một trong những giải pháp là xây dựng quy định về hoá đơn điện tử.

Đối với Thuế tài sản đang được dư luận đặc biệt quan tâm, Phó Thủ tướng nói rằng Luật này chưa được Chính phủ chủ trương xây dựng. Tuy nhiên, Chính phủ đang làm việc với World Bank để "nghiên cứu kỹ lưỡng để biết bản chất".

Phó Thủ tướng Huệ cũng cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng, ông cũng phải làm việc với Bộ Tài chính về một luật sửa nhiều luật thuế.

"Chúng tôi yêu cầu Bộ Tài chính rà soát lại các vấn đề này, nhất là các vấn đề liên quan đến đời sống người dân như VAT", ông Huệ nói.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng còn thông tin rằng Bộ Tài chính sẽ rà soát lại các ưu đã về thuế nhằm thu hút cả FDI và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mạnh lên, giúp hai khối này kết nối với nhau. Hiện khối FDI và khối doanh nghiệp Việt đang có sự lệch pha cũng như kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc vào nước ngoài.

Tìm cách tận dụng ODA

Một vấn đề khác được Phó Thủ tướng trình bày tại buổi họp Tổ là nợ công. Nợ công hiện đang ở mức ổn định, Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt.

Giai đoạn 2011 – 2015, nợ công tăng 21,8%, trong khi đó, 2 năm trở lại đây, độ tăng chỉ là 9%. Chính phủ đã giảm triệt để việc bảo lãnh vốn vay. Các khoản vay về cho địa phương vay lại thì gắn trách nhiệm tăng cường cho địa phương, chuyển nợ ngoài nước thành nợ trong nước, chuyển nợ ngắn hạn thành nợ dài hạn.

Theo Phó Thủ tướng, bình quân trái phiếu Chính phủ năm 2011 là 3,95% năm, đến năm 2017, kỳ hạn là 17,5% năm. Lãi suất bình quân cũng giảm từ 12,01% trước đó về mức 5,98% hiện tại. Bên cạnh đó, nếu trước đây ngân hàng thương mại nắm 80% trái phiếu Chính phủ thì nay chỉ còn 54% do có sự tham gia của các công ty bảo hiểm.  

Ngoài ra, Phó Thủ tướng còn cho biết khả năng trả nợ của Chính phủ đã tốt hơn rất nhiều.

Nhắc lại ý kiến của nhiều đại biểu rằng cần tận dụng vốn ODA, Phó Thủ tướng cho biết muốn tăng ODA cần phải giảm đầu tư trong trái phiếu Chính phủ.

Theo đó, Chính phủ đã báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội một số điều chỉnh như: Dự án ODA nào giải ngân tốt mà thiếu vốn thì điều vốn từ dự án bị chậm sang, địa phương nào làm kém thì chuyển sang địa phương khác tốt hơn.

"Điều này nằm trong phạm vi thẩm quyền của Chính phủ và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội", Phó Thủ tướng nói.

Hiện nhu cầu vốn ODA là 135 nghìn tỷ, nếu giải ngân được thì phải điều chỉnh lại trái phiếu Chính phủ, nếu không giảm được thì sẽ khiến bội chi ngân sách sẽ tăng lên.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ đang rất quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công. "Chúng tôi muốn Quốc hội sửa Luật Đầu tư công vào kỳ họp cuối tháng. Chính phủ sẽ sửa 3 Nghị định đẩy nhanh đầu tư công lên", Phó Thủ tướng nói.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên