img
Phó tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng: “Chúng tôi vẫn nuôi giấc mơ vào châu Âu” - Ảnh 1.

Phó tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng: “Chúng tôi vẫn nuôi giấc mơ vào châu Âu” - Ảnh 2.

Năm 2006, khi mới kinh doanh di động được 3 năm và chưa giữ vị thế số 1 ở Việt Nam nhưng Viettel đã đi tìm cơ hội đầu tư ra nước ngoài trong khi viễn thông trong nước vẫn còn là mảnh đất màu mỡ. Lúc đó ban lãnh đạo Viettel nghĩ gì về khả năng thành công khi không có kinh nghiệm gì và tiềm lực cũng chưa mạnh?

Chúng tôi nghĩ rằng, thị trường nào rồi cũng đến lúc bão hòa và nếu muốn phát triển tiếp thì cần tìm ra thị trường mới. Đây là bài học của những ông lớn di động thế giới như Vodafone hay Telefónica. Tại Việt Nam, Viettel chưa phải là số 1 lúc đó nhưng đã thấy cơ hội thành công nên cần chuẩn bị cho bước phát triển tiếp theo. Năm 2006, chúng tôi cũng nhận được một cơ hội tìm hiểu đầu tư tại Campuchia nên sang nghiên cứu thị trường đầu tiên dù lúc đó chưa hình thành rõ ràng chiến lược về kinh doanh ở nước ngoài. Còn sau khi đi rồi chúng tôi nhận thức được rõ ràng hơn nhiều lợi ích của việc ra toàn cầu.  

Phó tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng: “Chúng tôi vẫn nuôi giấc mơ vào châu Âu” - Ảnh 3.

Cụ thể những lợi ích đó là gì?

Đầu tiên là khả năng cạnh tranh. Hơn 10 năm trước, cạnh tranh trên thị trường viễn thông di động ở Việt Nam chưa mạnh lắm. Chúng tôi nghe tiếng các ông lớn thế giới như Vodafone, Telefónica, Oranges, Claro hay Milicom… chứ không nghĩ sau này Viettel sẽ cạnh tranh sòng phẳng với họ ở thị trường nước ngoài. Việc kinh doanh tại các thị trường nước ngoài và cạnh tranh với những công ty hàng đầu thế giới giúp Viettel học  được rất nhiều và có thêm kinh nghiệm để về gây dựng tại thị trường Việt Nam.

Nhờ việc mở rộng đầu tư ra nhiều quốc gia, việc mua thiết bị cũng trở nên dễ dàng và rẻ hơn rất nhiều so với trước bởi chúng tôi đặt mua với số lượng rất lớn để lắp đặt cho tất cả các thị trường của mình. Điều này trở thành một lợi thế của Viettel trong kinh doanh khi mà chi phí đầu tư thấp hơn các doanh nghiệp khác.

Phó tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng: “Chúng tôi vẫn nuôi giấc mơ vào châu Âu” - Ảnh 4.

Ngoài ra, sau thời gian dài đầu tư, chúng tôi nhận thấy thị trường nước ngoài chính là môi trường đào tạo tốt nhất. Trong giai đoạn đầu, chúng tôi nhận thấy những cán bộ được gửi sang làm việc tại Campuchia đều trở về với phong thái chững chạc và tự tin hơn rất nhiều. Việc tự bươn trải giúp các lãnh đạo trẻ tin tưởng vào bản thân cũng như có khả năng lãnh đạo tốt hơn. Sự trưởng thành từ đi thị trường nước ngoài giúp Viettel có được nhiều lãnh đạo trẻ có năng lực.

Một lợi ích khác đó là Viettel cũng giúp nâng cao hình ảnh của Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt ở các quốc gia mà chúng tôi đến đầu tư. Nếu các bạn đến Lào, Campuchia, Haiti, Mozambique, Burundi… thì có thể thấy rõ điều này. Việc tạo dựng dự án kinh doanh, mối quan hệ hữu hảo với các nước bạn cũng phục vụ cho mục tiêu bảo vệ tổ quốc từ xa.

Lợi ích cũng rất quan trọng mà chúng tôi nhận ra, đó là thị trường chính là yếu tố quyết định sự thành công trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất. Với việc đầu tư ra 10 nước, chúng tôi có một thị trường hơn 200 triệu dân. Bởi vậy, chúng tôi tự tin bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất.  

 


Sau Lào, Campuchia, tại sao Viettel vẫn quyết đầu tư vào Haiti - quốc gia nhỏ bé nằm ở bên kia địa cầu, lại vừa trải qua thảm họa động đất khủng khiếp nhất lịch sử khiến 80% cơ sở hạ tầng bị phá hủy và hơn 300.000 người chết?

Haiti là một thị trường đặc biệt. Thực ra, trước đó, chúng tôi muốn đầu tư vào Cuba nhưng phía bạn chưa sẵn sàng mở cửa viễn thông. Tuy nhiên, Cuba rất thân với các nước trong vùng Caribe nên đóng vai trò cầu nối trong việc dẫn Viettel tới Haiti. Lúc đó, quốc gia 10 triệu dân này chỉ có 2 nhà mạng và một nhà mạng sắp bị thôn tính.

Với kinh nghiệm của mình, khi đầu tư vào một thị trường, chúng tôi luôn sẵn sàng đối phó với ít nhất 3 công ty viễn thông. Ở Haiit lúc ấy chỉ có 2. Như vậy, mức độ cạnh tranh ở Haiti quá thuận lợi. Bên cạnh đó, thành công ở các nước Đông Dương giúp chúng tôi tự tin hơn.

Tuy nhiên, Haiti vẫn được coi là thuốc thử vì nằm ngoài khu vực châu Á. Chúng tôi cũng hay nói đùa với nhau rằng thị trường này đánh dấu sự áp sát của Viettel với nước Mỹ. Trên thực tế, việc gần Mỹ lại tạo thuận lợi cho cơ hội phát triển của Viettel vì kinh tế Haiti phụ thuộc nhiều vào lượng kiều hối mà 2 triệu người di cư gửi về và họ gọi điện về nước cũng rất nhiều.

Ngoài ra, chính phủ Haiti cũng sang Việt Nam, đề nghị giúp đỡ và rất mong muốn Viettel đầu tư. Sau trận động đất lịch sử phá huỷ gần như toàn bộ cơ sở hạ tầng của Haiti, chính phủ nước này khẩn thiết mong phía Việt Nam giúp đỡ để khôi phục cơ sở hạ tầng viễn thông. Vì thế, chúng tôi lại càng quyết tâm hơn. Thực tế sau đó cho thấy, chúng tôi có lãi rất nhanh ở thị trường này dù trước đó mọi người đều cho rằng Haiti quá khó khăn.

Khi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, ông đưa ra những điều kiện đặc biệt gì để thuyết phục chính phủ các nước cấp giấy phép đầu tư?

Đầu tiên và quan trọng nhất, chúng tôi chứng minh với chính phủ quốc gia muốn xin giấy phép là sự có mặt của Viettel sẽ giúp nâng tầm nền viễn thông của họ, chứ không chỉ với mục đích kinh doanh. Bao giờ chúng tôi cũng cam kết phủ sóng 95% dân số bao gồm cả các vùng sâu, vùng xa nghèo nàn, lạc hậu, với công nghệ cao (triển khai cáp quang, băng rộng chứ không dùng viba) nhằm đảm bảo tốc độ đường truyền cũng như chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, Viettel cũng triển khai nhiều chương trình xã hội về giáo dục, y tế hỗ trợ người dân địa phương hoặc giúp xây dựng chính phủ điện tử… những cái mà bất kỳ Chính phủ nào cũng cần trong hoạt động điều hành và giúp an sinh xã hội.

Khi chúng tôi khai trương ở Mozambique, nước này có luôn hơn 20.000 km cáp quang, lập tức đứng thứ 3 trong khu vực. Tại Campuchia, trước khi Viettel vào đầu tư, cả đất nước có 600 km cáp quang nhưng chỉ sau một năm, chúng tôi đã xây dựng 15.000 km cáp quang.  

Phó tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng: “Chúng tôi vẫn nuôi giấc mơ vào châu Âu” - Ảnh 6.

Phó tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng: “Chúng tôi vẫn nuôi giấc mơ vào châu Âu” - Ảnh 7.

Tại Peru, đất nước có nền kinh tế cũng như viễn thông phát triển hơn rất nhiều so với Việt Nam thì Viettel dùng cách gì để nhận được giấy phép bởi đâu thể "nâng tầm nền viễn thông" như đã làm ở các nước nghèo?

Ở Peru, chúng tôi có sự may mắn. Hai nhà mạng lớn nhất đã kinh doanh ở quốc gia Nam Mỹ hàng chục năm là Telefónica và Claro nhưng không chịu phủ sóng di động tại vùng sâu, vùng xa. Chính phủ Peru ra đề bài thầu cho giấy phép viễn thông miễn phí với điều kiện quan trọng là phải cam kết phủ sóng vùng sâu vùng xa. Chúng tôi tham gia đấu thầu và giành thắng lợi vì cái này là sở trường của Viettel.

Tại sao Viettel không chọn một quốc gia khác mà lại là Peru với mật độ điện thoại di động đã lớn hơn 100% và trình độ phát triển kinh tế cũng như dịch vụ viễn thông cũng cao hơn Việt Nam?

Thực ra, mục tiêu của chúng tôi là một quốc gia ở châu Âu nhưng hồ sơ dự thầu bị "loại ngay từ vòng gửi xe" vì không ai nghĩ rằng một quốc gia mới đi ra khỏi chiến tranh, thậm chí còn đang nhận viện trợ từ nước ngoài mà lại đi đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Bởi vậy, họ loại ngay từ đầu mà không cần xét đến những năng lực cạnh tranh viễn thông mà Viettel đã làm tại nhiều quốc gia khác.

Khi chọn Peru - quốc gia có GDP đạt 7.000 USD/người/năm, chúng tôi dự kiến đây sẽ là một bước đệm để vào lại thị trường châu Âu khi đã có kinh nghiệm kinh doanh ở một thị trường phát triển hơn Việt Nam. Hiện tại, chúng tôi nhắm tới một vài thị trường ở châu Âu.

Tại sao tại Peru thì Tập đoàn Viettel phải đứng ra đầu tư mà không phải là công ty con – Viettel Global như các thị trường khác?

Đó là yêu cầu của phía Peru. Những yêu cầu trong hồ sơ thầu để lấy giấy phép chỉ có Tập đoàn mới đáp ứng được chứ Viettel Global thì chưa đủ. Tuy nhiên, theo luật của Peru thì 5 năm sau Tập đoàn có thể chuyển lại cho Viettel Global.  

Phó tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng: “Chúng tôi vẫn nuôi giấc mơ vào châu Âu” - Ảnh 8.

Thương hiệu Bitel tại Peru là một phép thử của Viettel trước khi tìm cách trở lại châu Âu.

Kinh doanh ở một quốc gia giàu và phát triển hơn so với Việt Nam có gì khác biệt so với các quốc gia trước đó Viettel từng đầu tư?

Peru có hệ thống luật pháp chặt chẽ hơn rất nhiều so với Việt Nam. Nếu không cẩn thận, chúng tôi không chỉ bị phạt tiền mà còn có thể lâm vòng lao lý. Chính vì vậy, ngoài trình độ cá nhân, chúng tôi còn thuê thêm đội ngũ tư vấn là các luật sư người bản địa để kiểm soát hoạt động. Ngoài ra, Viettel cũng phải trả chi phí cao hơn nhân sự người bản địa.

Ví dụ, Peru có cơ quan chuyên trách, kết nối tới từng nhà mạng để kiểm tra chất lượng dịch vụ. Nếu chất lượng mạng kém hơn so với chỉ tiêu kỹ thuật hay việc bị quá nhiều khách hàng phàn nàn đều có thể dẫn tới những khoản phạt trị giá hàng trăm nghìn USD. Đối với những thuê bao trả trước không cung cấp đầy đủ thông tin, nhà mạng sẽ phải vô hiệu hoá nếu không kịp thời bổ sung trong 3 ngày…

Một người Việt muốn làm quản lý tại đây cũng cần có trình độ rất khác, mà tối thiểu là phải nói tiếng Anh thật tốt. Ở đây, có rất nhiều thứ mới mà chúng tôi phải làm quen dù đã đi đầu tư nước ngoài hơn 10 năm.

Phó tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng: “Chúng tôi vẫn nuôi giấc mơ vào châu Âu” - Ảnh 9.

Tại nhiều quốc gia Viettel tạo ra quy luật 1-2-3 về đầu tư nước ngoài (số 1 về hạ tầng khi khai trương, số 1 về thuê bao sau 2 năm và số 1 toàn diện cả về hạ tầng, thị phần, doanh thu sau 3 năm) nhưng bây giờ quy luật đó không còn đúng với các thị trường mới như Peru nữa. Vì sao vậy?

Khi đi đầu tư, kinh doanh, vấn đề quan trọng nhất là thị trường. Tôi không phủ nhận khả năng cá nhân nhưng thị trường và đối thủ là những yếu tố tác động rất quan trọng đến kết quả. Một số công ty từng rất thành công ở quốc gia này nhưng lại không thành công ở thị trường khác bởi sự cạnh tranh, biến hoá của đối thủ.

Ngoài ra, yếu tố sức khoẻ nền kinh tế, hoặc tình hình chính trị cũng đóng vai trò quan trọng. Cái nghèo ở châu Á được hiểu theo nghĩa là đủ ăn, đủ mặc nhưng cái nghèo ở châu Phi là không có cái mà ăn. Vì thế, không thể dùng chung một chiến lược cho hai thị trường.

Tại các thị trường mới mở, cạnh tranh rất khốc liệt và chúng tôi phải tính toán nhiều phương án, trong đó bao gồm kéo dài thời gian hoàn vốn sang 5 – 6 năm thay vì 1 – 2 năm như giai đoạn mới đi đầu tư nước ngoài, ở các thị trường gần như Lào, Campuchia. Các đối thủ ở thị trường mới ngày càng "khó chơi" hơn.

Phó tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng: “Chúng tôi vẫn nuôi giấc mơ vào châu Âu” - Ảnh 10.

Năm ngoái, chúng tôi đưa 2 thị trường lớn vào hoạt động là Burundi và Tanzania, trong đó quốc gia châu Phi có dân số 45 triệu người – đông dân nhất trong số các quốc gia mà Viettel từng đầu tư. Việc phải đầu tư trước một số tiền lớn cho cơ sở hạ tầng, kinh doanh mới ở bước khởi đầu khiến chi phí tăng vọt, doanh thu chưa có nhiều nên ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Tại Mozambique, dù kết quả kinh doanh rất tốt, Viettel đứng số 1 tại đây cả về thị phần và doanh thu nhưng đồng tiền của quốc gia này bị mất giá mạnh khiến các khoản thu quy đổi ra đôla bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, tại 5 thị trường, chúng tôi đầu tư để cung cấp dịch vụ 4G cũng khiến chi phí tăng cao trong khi doanh thu chưa thu về nhiều.

Những nhân tố trên làm ảnh hưởng chủ yếu tới lợi nhuận của Viettel Global năm 2015. Còn về cơ bản, các thị trường nước ngoài của Viettel vẫn phát triển tốt dù viễn thông thế giới gặp khó khăn, tăng trưởng đang chậm lại.


Trong bối cảnh thị trường thế giới khó khăn, Viettel có còn giữ mục tiêu trở thành 1 trong 10 nhà đầu tư nước ngoài về viễn thông lớn nhất thế giới và tiến vào châu Âu hay không?

Khó khăn là chung, công ty nào cũng phải đối mặt, còn chúng tôi vẫn phải tiếp tục chiến đấu và chiếm lĩnh thị trường chứ. Lúc này, tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng được coi là yếu tố then chốt để tồn tại và phát triển.

Tại Mozambique, mặc dù khó khăn nhưng Viettel vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng đưa thuê bao từ 4 triệu lên 7-8 triệu bởi đây là cơ hội phát triển mạnh khi các công ty khác đang bối rối (Viettel đang là nhà mạng số 1 tại đây). Khi đã chiếm thị phần thật lớn, doanh thu và lợi nhuận sẽ tăng rất mạnh khi các yếu tố vĩ mô tại quốc gia này ổn định trở lại. Với châu Âu, giấc mơ của chúng tôi không có gì thay đổi và đang chuẩn bị nhiều bước để có thể hiện thực hóa.

Còn xét về quy mô, trong nước, Viettel đang có hơn 55 triệu người dùng bật máy mỗi ngày;  con số người dùng ở tất cả các thị trường nước ngoài cũng cần đạt tối thiểu 50 triệu (hiện nay là hơn 26 triệu).

Viettel Global là công ty đại chúng nhưng công ty mẹ vẫn chiếm tới 98% vốn. Viettel có dự định huy động thêm nguồn lực từ các đối tác khác hay chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trong ngành?

Nếu có đối tác chiến lược nước ngoài, chúng tôi muốn tạo liên doanh tại chính quốc gia đó hơn là bán cổ phần của Viettel Global. Tuy nhiên, chúng tôi không loại trừ phương án này.

Viettel có kế hoạch bán công ty con ở nước ngoài hay không?   

Kinh doanh hay đầu tư nói chung có 2 cách để hoàn vốn là thu cổ tức hoặc bán toàn bộ hay một phần công ty. Và thông thường việc bán sẽ đem lại lợi nhuận lớn hơn rất nhiều cho nhà đầu tư. Chính vì vậy tôi nghĩ rằng việc này là hoàn toàn bình thường đối với mọi doanh nghiệp, tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại thì Viettel chưa bán công ty nào cả.

Phó tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng: “Chúng tôi vẫn nuôi giấc mơ vào châu Âu” - Ảnh 12.

Kal - Hoàng Ly
Kiên Trần - Nguyễn An
7pm
Theo Trí Thức Trẻ30/9/2016

Kal (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên