MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Pin Con Thỏ chuẩn bị lên sàn chứng khoán với “hành trang” doanh thu hàng trăm tỷ mỗi năm

Vốn điều lệ Pin Hà Nội hiện đạt 72,54 tỷ đồng, tương ứng 7,25 triệu cổ phiếu niêm yết. Trong đó có 3 cổ đông lớn là Chủ tịch HĐQT Phạm Văn Nghĩa (5,02%), Tập đoàn hóa chất Việt Nam (21%) và đối tác chiến lược GP Batteries International Limited (30%).

Mới đây, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã ra quyết định chấp thuận niêm yết 7,25 triệu cổ phiếu CTCP Pin Hà Nội (PHN).

Tiền thân Công ty cổ phần Pin Hà Nội là Nhà máy Pin Văn Điển, được thành lập từ đầu năm 1960. Đây là nhà máy đầu tiên và duy nhất ở miền Bắc lúc đó sản xuất và cung cấp pin phục vụ quốc phòng, an ninh và các mục đích khác của nền kinh tế quốc dân.

Trải qua gần 60 năm hoạt động, Pin Hà Nội đã từng bước phát triển và đi lên trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành Pin cả nước. Sản phẩm nổi bật nhất của Pin Hà Nội là thương hiệu "Pin Con Thỏ" đã gắn bó với lâu năm với đời sống người dân Việt Nam.

Hệ thống tiêu thụ sản phẩm của Công ty không ngừng được mở rộng. Hiện nay mạng lưới đại lý tiêu thụ sản phẩm nằm rải rác khắp ba miền Bắc – Trung – Nam. Pin Con Thỏ hiện chiếm khoảng 40% thị phần pin nội địa.

Đối thủ cạnh tranh của Công ty CP Pin Hà Nội chủ yếu từ phía CTCP Pin Ắc quy Miền Nam (PAC) và các sản phẩm khác từ Trung Quốc. Hiện thị trường chính của công ty là thị trường phía Bắc nên Công ty cũng phải chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn từ những sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc so với Pin Ắc quy Miền Nam.

30% doanh thu đến từ việc xuất khẩu

Vốn điều lệ Pin Hà Nội hiện đạt 72,54 tỷ đồng, tương ứng 7,25 triệu cổ phiếu niêm yết. Trong đó có 3 cổ đông lớn là Chủ tịch HĐQT Phạm Văn Nghĩa (5,02%), Tập đoàn hóa chất Việt Nam (21%) và đối tác chiến lược GP Batteries International Limited (30%). Năm 2011, GP Batteries International Limited đã chi ra 29,54 tỷ đồng (28.500 đồng/cp) để sở hữu 30% cổ phần Pin Hà Nội.

Pin Con Thỏ chuẩn bị lên sàn chứng khoán với “hành trang” doanh thu hàng trăm tỷ mỗi năm - Ảnh 1.

Về hoạt động kinh doanh, năm 2017, Pin Hà Nội đạt doanh thu thuần 337 tỷ đồng – tăng 13%; Lợi nhuận sau thuế gần 21 tỷ đồng – tăng 20% so với năm trước đó.

Tỷ lệ xuất khẩu hiện tại chiếm 30% tổng doanh thu của Công ty chủ yếu thông qua việc xuất khẩu cho tập đoàn pin quốc tế GP vào thị trường Ấn Độ và Brazin. Sản phẩm chủ yếu của Công ty bao gồm: Pin đại R20, Pin tiểu R6, Pin đũa R03, Pin trung R14, Pin cối R40, Pin tổ hợp BTO - 45V.

Pin Con Thỏ chuẩn bị lên sàn chứng khoán với “hành trang” doanh thu hàng trăm tỷ mỗi năm - Ảnh 2.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần Pin Hà Nội tăng hơn 20 tỷ đồng tương ứng với 8,21% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do tác động của quyết định tăng giá bán 8% tại thị trường nội địa từ tháng 12 năm 2017.

Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 11,97 tỷ đồng, giảm 5,5 tỷ đồng, tương ứng giảm 31,48% so với 9 tháng đầu năm 2017 chủ yếu do yếu tố chi phí nguyên liệu đầu vào (đặc biệt là kẽm thỏi) tăng mạnh. Cụ thể, giá mua kẽm trong năm 2017 là 61,85 triệu đồng/tấn trong khi giá kẽm trong năm 2018 là khoảng 68 triệu đồng/tấn dẫn đến chi phí kẽm thỏi đầu vào 9 tháng đầu năm 2018 tăng 7,3 tỷ so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2018, Pin Hà Nội đặt kế hoạch doanh thu thuần 355 tỷ đồng – tăng 5,35% nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ là 16,4 tỷ đồng – giảm gần 21% so với năm trước. Việc để kế hoạch lợi nhuận giảm là do diễn biến tăng giá của nguyên liệu sản xuất chính là kẽm. Tính đến thời điểm lập kế hoạch kinh doanh giá kẽm đã tăng khoảng 20% từ 2.800 lên 3.300 đồng.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên