MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PMI tháng 1 đạt 51,9 điểm, đứng thứ 2 trong khu vực

Thông báo mới nhất của Nikkei Market cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng 1/2017 chỉ đạt 51,9 điểm, thấp hơn 0,5 điểm so với tháng trước. Đây cũng là mức thấp của 3 tháng liên tiếp.

Đánh giá chung về tình hình sản xuất ASEAN trong tháng đầu tiên của năm 2017, Nikkei Market cho rằng đang trong tình trạng “đình trệ”.

Theo đó, các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất không thay đổi vào đầu năm 2017 với chỉ số PMI đạt 50 điểm, cao hơn so với mức 49,4 của tháng 12 năm ngoái.

“Dữ liệu kỳ gần nhất lần đầu tiên cho thấy PMI không còn nằm dưới ngưỡng không thay đổi kể từ tháng 9 năm ngoái. Cả sản lượng và tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng là những hỗ trợ chính cho chỉ số tổng hợp trong tháng 1. Cả hai chỉ số phụ nói trên đã tăng lần đầu tiên kể từ tháng 9/2016, mặc dù tốc độ tăng của từng chỉ số là nhỏ”, Nikkei Market cho biết.

Theo dữ liệu của từng quốc gia cho thấy đã có sự cải thiện phổ biến về các điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, điều này không đúng với là Malaysia (48,6 điểm) và Singapore (45 điểm), 2 quốc gia này tiếp tục có sự giảm sút.

Philippines vẫn là nước dẫn đầu về chỉ số PMI trong khu vực với 52,7 điểm nhưng tốc độ tăng đã chậm hơn đáng kể. Việt Nam dù mức tăng thấp nhất trong 3 tháng liên tiếp nhưng vẫn đứng thứ 2 trong khu vực. Kế tiếp là Myanmar (51,7 điểm) và Thái Lan (50,6 điểm).

“Myanmar có sự cải thiện tốt nhất về các điều kiện hoạt động sản xuất trong 12 tháng, mức tăng trưởng được duy trì ổn định ở Thái Lan và mức tăng trưởng nhẹ được ghi nhận ở Việt Nam”, Nikkei nhận xét.

Xem xét chi tiết hơn dữ liệu PMI của quốc gia, 5/7 quốc gia được khảo sát có sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng trong tháng, mặc dù mức độ tăng là khác nhau.

Trong khi đó, hai tham số này lại tiếp tục giảm ở Malaysia và Singapore. Theo Nikkei, nhu cầu đối với sản phẩm của ASEAN dường như là từ thị trường trong nước chứ không phải từ thị trường bên ngoài. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm tháng thứ tư liên tiếp, mặc dù tốc độ giảm chậm hơn một chút trong tháng 1.

Nhu cầu ở nước ngoài tiếp tục yếu kém tương đối mặc dù tỷ giá trong khu vực có sức cạnh tranh hơn. Nhu cầu yếu kém dẫn đến thiếu áp lực đối với năng lực sản xuất, như đã thể hiện qua thời kỳ giảm lượng công việc tồn đọng kéo dài tới 31 tháng.

Kéo theo đó, năng lực sản xuất dự phòng đã làm hạn chế tạo việc làm, với mức độ việc làm chỉ tăng nhẹ trong hầu hết các nền kinh tế được khảo sát. Trong khi đó, việc làm ở Indonesia đã giảm mạnh hơn. Áp lực chi phí đã mạnh lên trong tháng 1, với việc tăng giá đầu vào là mạnh nhất kể từ tháng 10/2015. Các đồng tiền trong khu vực yếu hơn cùng với giá hàng hóa trên thế giới cao hơn đã dẫn đến tăng giá.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên