MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PTT Trịnh Đình Dũng: Chúng ta may mắn là có nhiều xe máy…

12-08-2016 - 15:31 PM | Xã hội

“Chúng ta may mắn là có nhiều xe máy như vậy, nếu chuyển sang ô tô cá nhân thì không hiểu chúng ta có đi nổi trong TP này không?" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu vấn đề.

Ngày 11/8, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về một số vấn đề KT-XH, trong đó tập trung vào việc giải quyết hạ tầng giao thông.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định TP.HCM đang đối mặt với những thách thức chung của các nước đang phát triển vì phát triển chưa hài hòa, đều khắp.

Theo Phó thủ tướng, việc chấp nhận có những vùng đi trước để tạo đầu tàu đã mang lại động lực cho phát triển nhưng nó cũng khiến dân số cơ học của TP tăng nhanh và đè nặng lên hệ thống hạ tầng.

“Điều này gây áp lực lên hạ tầng xã hội, trường học, bệnh viện, nhà ở, nếu không có giải pháp tốt sẽ tạo ra những khu nhà ổ chuột mới. Như vậy sẽ mâu thuẫn với mục tiêu phát triển của đất nước là tiến bộ và công bằng xã hội” – Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng đây là là áp lực đặc biệt lên hạ tầng giao thông TP.HCM bởi người đông trong khi hệ thống giao thông công cộng phát triển chậm, các loại hình giao thông không cân đối, phương tiện cá nhân ngày càng tăng.

“Chúng ta may mắn là có nhiều xe máy như vậy, nếu chuyển sang ô tô cá nhân thì không hiểu chúng ta có đi nổi trong TP này không? Trong khi đó giao thông của chúng ta chủ yếu là giao thông bằng chứ chưa có nhiều giao thông không gian, giao thông ngầm rất hạn chế” – Phó thủ tướng cho hay.

Cũng theo Phó thủ tướng, thời gian qua TP.HCM đã tổ chức các giải pháp giao thông tương đối tốt trong điều kiện hiện tại.

“Nếu các đồng chí không làm mà để cho tự do, hoặc là giải pháp không phù hợp thì chắc chắn việc ách tắc của TP còn rất nặng nề” - Phó thủ tướng nói.

Tuy vậy thời gian tới Phó thủ tướng đề nghị TP.HCM tiếp tục chú trọng hơn nữa vào tổ chức giao thông, đặc biệt là hình thức bằng xe buýt nhanh, song song đó là hướng tới giảm phương tiện cá nhân.

“Nếu như chúng ta bây giờ nói cấm phương tiện cá nhân một lúc chắc chắn người dân sẽ phản đối nhưng chúng ta nói sẽ hạn chế dần ở những vùng lõi, nơi đi bộ thì người dân quen dần, đồng thời tăng phương tiện công cộng cho thuận lợi thì người ta không còn muốn đi xe cá nhân nữa” – Phó thủ tướng phân tích.

Trình bày thêm về vấn đề áp lực dân số lên hạ tầng, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, theo thống kê thì hiện dân số của TP là 8,5 triệu người nhưng số sinh sống thường xuyên lên tới 13 triệu và tăng rất nhanh, chính vì vậy hạ tầng không theo kịp mà trước hết là hạ tầng giao thông.

“Hiện nay số liệu của Công an TP cho thấy số phương tiện tại TP là gần 7,6 phương tiện giao thông, trong đó ô tô là gần 600 ngàn, còn lại là xe gắn máy. Như vậy đường xá làm sao chúng ta phát triển được?” – ông Phong thừa nhận.

Ông Phong cũng cho biết giải pháp là triển khai nhanh hệ thống giao thông công cộng. TP cũng coi đây là 1 trong 7 chương trình đột phá để tập trung giải quyết.


Cảnh kẹt xe tại xa lộ Hà Nội

Cảnh kẹt xe tại xa lộ Hà Nội

Cũng trong buổi làm việc này Phó thủ tướng đánh giá cao kết cấu hạ tầng của TP.HCM. Ông cho biết từ hồi còn làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chú ý đến điều này và thấy rằng TP thực hiện rất bài bản.

“Chúng ta ở đây thấy bình thường chứ nếu từ Hà Nội vào đây nhìn thì thấy rằng chúng ta làm rất là tốt, mà không phải chúng ta bây giờ mới làm, đó là cả một quá trình của nhiều thế hệ lãnh đạo TP mới làm ra được việc này” – Phó thủ tướng nhận định.

“Quy hoạch là do nhận thức của chúng ta nhưng trong quá trình thực hiện sẽ có những bất cập nên phải rà soát lại. Khung hạ tầng thay đổi rất khó, hết sức tốn kém nên phải chú ý làm tốt ngay từ đầu” – Phó thủ tướng đề nghị.

Từ đó ông nhấn mạnh TP phải kiểm soát hoạt động đầu tư xây dựng và các dự án đầu tư, trong đó có kiểm soát kỹ thuật, kinh tế, chống thất thoát lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư và đặc biệt là đánh giá tác động môi trường và quản lý về môi trường để hạn chế ô nhiễm.

“Chính phủ Nhật Bản và tập đoàn Toshin rất quan tâm đến việc xây dựng trung tâm thương mại ngầm để triển khai đồng bộ với tuyến metro số 1. TP cũng đã xin bổ sung nguồn vốn ODA cho dự án, vì chúng ta xem trung tâm thương mại ngầm là một bộ phận cấu thành nên tuyến metro số 1. Trong cuộc gặp vào sáng chủ nhật vừa qua cá nhân tôi có đề nghị với Bộ trưởng Bộ hạ tầng giao thông và du lịch của Nhật Bản là Chính phủ Nhật sẽ có 1 công hàm gửi qua Việt Nam để trên cơ sở đó thuận lợi cho việc báo cáo các bộ để triển khai nhanh”– Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Theo Nguyễn Cường

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên