MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PVN phải triển khai dự án lớn trước áp lực thiếu hụt năng lượng, doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn dư đất diễn?

08-04-2019 - 09:08 AM | Doanh nghiệp

Nếu năm qua hưởng lợi từ giá dầu tăng trưởng mạnh khiến nhóm doanh nghiệp trung nguồn ghi nhận lợi nhuận lớn, thì 2019 sẽ là thời kỳ doanh nghiệp thượng nguồn, khối lượng công việc sẽ được gia tăng trước áp lực thiếu hụt năng lượng nói chung và nguồn khí nói riêng từ năm 2022 bắt buộc Tập đoàn Dầu khí (PVN) triển khai dự án.

Thị trường dầu khí Việt Nam đang phải trải qua những khó khăn, thử thách đến từ những bất cập trong mô hình thị trường mà Việt Nam đang áp dụng. Trong đó, ngành dầu khí nước ta đang được xếp vào mô hình giao thoa giữa hai giai đoạn cạnh tranh khai thác độc quyền bán buôn và cạnh tranh bán buôn. Theo chuyên gia, ưu điểm của mô hình này là các quốc gia có thể dễ dàng quản lý chuỗi ngành năng lượng để làm đòn bẩy thực hiện các mục tiêu kinh tế.

Ngành dầu khí về cơ bản sẽ không quá triển vọng hơn so với năm 2018

Hiện tại, thị trường dầu khí Việt Nam nói riêng và ngành năng lượng Việt Nam nói chung đang gặp rất nhiều trở ngại để tiếp tục phát triển. Thực trạng, hầu hết các dự án trọng điểm của quốc gia trong năm 2018 vẫn tiếp tục bị hoãn và tạm dừng triển khai mặc dù đã được Bộ Công Thương và Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phát triển mỏ. Theo Chứng khoán Vietcombank (VCBS), chính phủ cần thực hiện những cải cách mới bao gồm:

(1) Hoàn thiện thể chế để thu hút đầu tư nước ngoài và lĩnh vực dầu khí. Trong đó, bộ luật dầu khí đặc biệt là điều khoản phân chia lợi nhuận chỉ dựa vào sản lượng khai thác nên được thay thế bằng chỉ số R-factor mà các quốc gia phát triển đang sử dụng. R-factor đại diện cho tổng hợp các yếu tố sản lượng khai thác, suất sinh lời của nhà đầu tư và giá dầu…

(2) Thay đổi cách thị trường vận hành theo mô hình thị trường cạnh tranh bán buôn, ngoài ra gia tăng phát triển mở rộng khối doanh nghiệp tư nhân tại thị trường bán lẻ - bán buôn và tiêu thụ điện.

Mặt khác, thị trường dầu khí hiện đang nằm ở giai đoạn giá dầu trong xu hướng tăng trở lại sau cuộc khủng hoảng giá dầu năm 2014. Các doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ dầu khí như Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (PVS), Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), Kết cấu Kim loại và lắp máy Dầu khí (PXS) sau khi trải qua giai đoạn khó khăn khi nhu cầu dịch vụ sụt giảm trong giai đoạn hậu khủng hoảng giá dầu năm 2015 đang phải đối mặt với tình trang cạnh tranh gay gắt trên thị trường cung cấp dịch vụ.

Dự báo, giá dầu thế giới sẽ tăng trở lại ở mức 72 USD/thùng trong năm 2019.

PVN phải triển khai dự án lớn trước áp lực thiếu hụt năng lượng, doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn dư đất diễn? - Ảnh 1.

Diễn biến giá dầu 5 năm qua.

Cuối cùng, thị trường sau khi đào thải một đại bộ phận các doanh nghiệp thua lỗ dẫn tới một loạt các doanh nghiệp mới thành lập trên nền các doanh nghiệp cũ do tình trạng cung dịch vu nhỏ hơn cầu. Các doanh nghiệp mới được đầu tư và thành lập với chi phí vốn nhỏ hơn so với các doanh nghiệp cũ giúp gia tăng năng lực cạnh tranh, đặc biệt là về giá dịch vụ. Từ đó, giá dịch vụ dựa trên cung - cầu thị trường được cân bằng ở một mức thấp hơn so với nền giá dịch vụ trước đây trong trường hợp ngang bằng giá dầu.

Với những luận điểm trên, giới phân tích đánh giá ngành dầu khí Việt Nam thời gian tới về cơ bản sẽ không quá triển vọng hơn so với năm 2018. Nếu năm qua hưởng lợi từ giá dầu tăng trưởng mạnh khiến nhóm doanh nghiệp trung nguồn ghi nhận lợi nhuận lớn, thì 2019 sẽ là thời kỳ doanh nghiệp có những triển vọng riêng tùy vào dự án cũng như quy mô và phân khúc hoạt động. Đặc biệt ở phân khúc thượng nguồn, khối lượng công việc sẽ được gia tăng trước áp lực thiếu hụt năng lượng nói chung và nguồn khí nói riêng từ năm 2022 bắt buộc Tập đoàn Dầu khí (PVN) triển khai dự án.

PVN phải triển khai dự án lớn trước áp lực thiếu hụt năng lượng, doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn dư đất diễn? - Ảnh 2.

Nguồn: VCBS tổng hợp.

Doanh nghiệp thượng nguồn dư đất diễn

Hạ hồi phân giải nhóm thượng nguồn, đầu tiên Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (PVS) dự kiến sẽ đảm nhận hoàn thành tái cơ cấu doanh nghiệp (loại bỏ mảng thăm dò địa chất - ROV giúp giảm gánh nặng lỗ); đi cùng với khối lượng công việc còn lại từ 2018, kỳ vọng doanh nghiệp tăng trưởng trong năm 2019.

Trong đó, PVS hiện là nhà thầu chính chế tạo Topside tại dự án Sao Vàng Đại Việt giai đoạn 1 (2018-2020), tham gia Đấu thầu EPC phần Nhà máy xử lý khí GPP2 tại dự án Nam Côn Sơn 2 – Gia đoạn 2 (2019-2022), là một trong hai ứng viên thầu dự án Block B – Giai đoạn 1 (2019-2021)… đồng thời tham gia thầu phụ tại một số dự án trọng điểm khác bao gồm Cá Voi Xanh (thầu phần chân dế Jacket và Topside 20.000 tấn), Kình Ngư Trắng (2019-2021)…

Về kinh doanh, PVS ghi nhận doanh thu hợp nhất quý 1/2019 đạt 3.800 tỷ, thực hiện đến 29% kế hoạch năm, tăng 12% so với thực hiện cùng kỳ năm 2018. Tương ứng lợi nhuận hợp nhất trước thuế 350 tỷ đồng, đạt đến 50% kế hoạch năm và tăng 18%.

Trên thị trường, cổ phiếu PVS cũng đã tăng mạnh, hiện giao dịch tại mức 22.400 đồng/cp, tăng gần 40% so với thị giá đầu năm nay. Thanh khoản cũng được cải thiện đáng kể.

PVN phải triển khai dự án lớn trước áp lực thiếu hụt năng lượng, doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn dư đất diễn? - Ảnh 3.

Giao dịch cổ phiếu PVS 6 tháng qua.

Hay Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu Khí (PVD) với khối lượng công việc và giá thuê giàn tăng nhẹ trong năm 2019 được kỳ vọng giúp doanh nghiệp cải thiện dòng tiền. Theo kế hoạch, PVD sẽ đấu thầu giàn TAD khoan khai thác 8 tháng cho dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt giai đoạn 1, đấu thầu giàn TAD khoan - khai thác cho Cá Rồng Đỏ… Hơn nữa, tính đến nay cả 4 giàn khoan tự nâng của PVD đều đang hoạt động với các hợp đồng dài hạn đến cuối năm 2019, Chứng khoán KIS Việt Nam kỳ vọng hiệu suất hoạt động của đội khoan sẽ đạt 94% trong 2019, cao hơn mức 86% của năm ngoái.

Tuy nhiên, PVD vẫn đang hoạt động dưới mức hòa vốn. Với nguồn cung giàn khoan lớn, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá hoạt động của PVD vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu giá dầu giảm.

Mặc dù vậy, PVD vẫn hoà chung nhịp tăng của nhóm cổ phiếu dầu khí từ đầu năm nay, hiện tăng lên mức 19.500 đồng/cp.

PVN phải triển khai dự án lớn trước áp lực thiếu hụt năng lượng, doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn dư đất diễn? - Ảnh 4.

Giao dịch cổ phiếu PVD 6 tháng qua.

Dự kiến triển khai vào quý 4 năm nay, Nam Côn Sơn 2 – GĐ cũng là động lực tăng trưởng chính của Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) thông qua cung ứng Bọc bảo ôn và chống ăn mòn 117km đường ống ngoài khơi, đặc biệt dự án theo lộ trình sẽ được triển khai gấp rút mà không chịu ảnh hưởng của giá dầu. Ngoài ra, PVB còn đảm nhận công việc tại một số dự án lớn khác như cung cấp Bọc bảo ôn và chống ăn mòn 20km đường ống tại dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt; 450km đường ống cho Block B – Giai đoạn 1; 30km đường ống cho Cá Rồng Đỏ…

Tương tự PVS, cổ phiếu PVB trên thị trường cũng sớm phản ánh kỳ vọng vào tình hình cải thiện thời gian tới với mức tăng 40% thị giá sau quý đầu năm, hiện giao dịch tại mức 20.800 đồng/cp.

PVN phải triển khai dự án lớn trước áp lực thiếu hụt năng lượng, doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn dư đất diễn? - Ảnh 5.

Giao dịch cổ phiếu PVB 6 tháng qua.

Cùng hoạt động trong nhóm thượng nguồn, giới phân tích kỳ vọng một triển vọng tích cực trong 2019-2020 cho Kết cấu Kim loại và lắp máy Dầu khí (PXS) đến từ dự án Long Sơn và Nhà giàn DK; trong đó điểm rơi lợi nhuận của doanh nghiệp vào quý 4/2019.

Chi tiết một số công việc PXS thời gian tới, Công ty sẽ tham gia thầu phụ Chân dế Jacket tại dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt giai đoạn 1, đấu thầu EPC phần Nhà máy xử lý khí GPP2 cho dự án Nam Côn Sơn 2, thầu chính dự án Kình Ngư Trắng, thầu phụ Chân đế ống ngầm cho Block B – giai đoạn 1…

PVN phải triển khai dự án lớn trước áp lực thiếu hụt năng lượng, doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn dư đất diễn? - Ảnh 6.

Giao dịch cổ phiếu PXS 6 tháng qua.

Túc Mạch

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên