MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

PwC: Các công ty hàng tiêu dùng và bán lẻ cảm thấy áp lực về vốn lưu động

24-11-2018 - 11:33 AM | Doanh nghiệp

Một trong những điểm quan trọng nhất mà nghiên cứu đã chỉ ra, đó là các doanh nghiệp đang sử dụng các yếu tố của vốn lưu động làm đòn bẩy tăng doanh thu nhưng không thể chuyển đổi lợi nhuận thành tiền.

Các công ty hàng tiêu dùng và bán lẻ Việt Nam nên tận dụng các yếu tố vốn lưu động cho sự tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh, Công ty tư vấn - kiểm toán PwC Việt Nam đặt vấn đề.

Ghi nhận tại nghiên cứu chuyên về hiệu quả sử dụng vốn lưu động tại Việt Nam của PwC cho thấy một số xu hướng đáng chú ý trong ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ tại Việt Nam, đặc biệt trong các quy trình kinh doanh liên quan đến việc nhận và thực hiện các yêu cầu của khách hàng đối với hàng hóa hoặc dịch vụ (còn gọi chung là "quản lý bán hàng và kênh phân phối") và quy trình sản xuất, từ dự báo nhu cầu và kế hoạch sản xuất, đến việc vận chuyển hàng hóa và kiểm soát hàng tồn kho (còn gọi là "quản lý hàng tồn kho").

Một trong những điểm quan trọng nhất mà nghiên cứu đã chỉ ra, đó là các doanh nghiệp đang sử dụng các yếu tố của vốn lưu động làm đòn bẩy tăng doanh thu nhưng không thể chuyển đổi lợi nhuận thành tiền.

Cơ hội tăng trưởng nhanh chóng

Hạ hồi phân giải vấn đề, cính đến năm 2017, giá trị thị trường hàng tiêu dùng của Việt Nam đạt mức 120 tỷ USD, ghi nhận tốc độ tăng trưởng hàng năm gần 10% trong giai đoạn 2012-2017, theo báo cáo "Hàng tiêu dùng và Bán lẻ Việt Nam - quý 1/2019" của BMI. Báo cáo cũng cho rằng Việt Nam sẽ là một trong những thị trường hàng tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất trong các nền kinh tế mới nổi của châu Á - Thái Bình Dương, cùng với Indonesia, Ấn Độ, Philippines và Trung Quốc, với mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn từ nay đến năm 2022.

Điều này là do mức tiêu dùng cá nhân tăng lên song song với nền kinh tế tăng trưởng. Tỷ lệ thất nghiệp thấp và lương tối thiểu gia tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng.

Các chuyên gia của PwC lưu ý rằng bên cạnh các yếu tố vĩ mô thì thị hiếu thay đổi của người tiêu dùng đang định hình lại cách thức kinh doanh của các doanh nghiệp hàng tiêu dùng và bán lẻ. Điển hình là tỷ lệ sử dụng di động và internet cao đang thúc đẩy các hoạt động thương mại điện tử, thể hiện ở sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa những "người khổng lồ" trong lĩnh vực này. Việc tìm nguồn cung ứng và gia công hàng hóa ở các nước trong khu vực cũng đang trở nên ngày càng phổ biến hơn.

Tại sao các công ty hàng tiêu dùng và bán lẻ nên tập trung vào quản lý vốn lưu động?

Để thích ứng với sự biến động của thế giới và với thị hiếu tiêu dùng số hóa ngày một nhiều - khiến người tiêu dùng ít còn trung thành với một sản phẩm, các công ty cần đầu tư đổi mới cách tiếp cận khách hàng, tạo ra các nền tảng vững chắc để thúc đẩy sự tăng trưởng trong tương lai.

Giải phóng tiền mặt và quản lý vốn lưu động cần trở thành yếu tố ưu tiên, cần thiết cho sự phát triển của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhận thức của một số doanh nghiệp về vốn lưu động còn bị giới hạn vào các khoản mục trên bảng cân đối kế toán và nguồn tiền bị tắc nghẽn.

Sự sụp đổ gần đây của một số chuỗi bán lẻ như Toys "R" Us, Sears, Rockport… đã cho thấy sự cần thiết phải quản lý chặt chẽ hơn các rủi ro của khách hàng, cũng như các trình tự thanh toán. Quản lý hàng tồn kho tốt hơn cũng sẽ tăng khả năng thích ứng nhanh chóng của các công ty trước nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng.

"Trong các dự án mà PwC đã tư vấn, chúng tôi thấy rất nhiều trường hợp các công ty tham vọng mở rộng với tốc độ theo cấp số nhân nhưng cuối cùng lại cạn kiệt tiền mặt và phải đấu tranh cho sự sống còn. Tăng trưởng doanh thu đi cùng với sự tăng trưởng của lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh là điều doanh nghiệp cần làm để phát triển vững bền," ông Johnathan Ooi, Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ Tư vấn, Công ty PwC Việt Nam chia sẻ.

Nói về hiệu quả hoạt động hiện tại của các doanh nghiệp Việt Nam, PwC ghi nhận ba xu hướng chính trong hiệu quả sử dụng vốn lưu động của các công ty hàng tiêu dùng và bán lẻ, bao gồm:

(1) Năm tỷ USD bị mắc kẹt trong vốn lưu động, trong đó chủ yếu là hàng tồn kho.

Trong năm tài chính 2017 (FY17), 3,4 tỷ USD là tổng số tiền mặt bị mắc kẹt trong vốn lưu động của các công ty hoạt động trong ngành hàng tiêu dùng, 1,9 tỷ USD là lượng tiền mặt bị mắc kẹt trong ngành bán lẻ. Lượng tiền này đã tăng trung bình 15% mỗi năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm hơn 40% vốn lưu động.

PwC: Các công ty hàng tiêu dùng và bán lẻ cảm thấy áp lực về vốn lưu động - Ảnh 1.

(2) Vốn lưu động của ngành hàng tiêu dùng liên tục tăng, ngành bán lẻ có cải thiện trong quản lý chu kỳ tiền mặt.

Hiệu quả vốn lưu động của một công ty thường được đo lường bằng chu kỳ tiền mặt (C2C), hay số ngày trung bình mà một công ty cần để chuyển đổi nguyên vật liệu đầu vào thành tiền.

Đối với ngành hàng tiêu dùng, C2C kéo dài thêm 30 ngày trong bốn năm qua. Điều này chủ yếu là do quản lý chưa hiệu quả đối với các chu kỳ hàng tồn kho và chu kỳ phải thu khách hàng.

Mặt khác, trong lĩnh vực bán lẻ, C2C đã được rút ngắn 11 ngày từ FY13 đến FY17 do những cải thiện trong quản lý hàng tồn kho, và kéo dài thời hạn thanh toán với nhà cung cấp.

Trong số các công ty hàng tiêu dùng được nghiên cứu, chưa đầy 50% các công ty có khả năng rút ngắn C2C trong giai đoạn FY13-FY17. Trong khi đó, tỷ lệ này đối với ngành bán lẻ là gần 60%.

(3) Hiệu quả sử dụng vốn lưu động của ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam còn nhiều hạn chế so với các khu vực địa lý khác, trong khi ngành bán lẻ đạt được kết quả tốt.

C2C được xác định bằng phương pháp lấy tổng chu kỳ phải thu khách hàng (DSO) và chu kỳ hàng tồn kho (DIO) trừ đi chu kỳ phải trả người bán (DPO)

Trong năm tài chính 2017, ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam có C2C cao nhất so với cả các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực và toàn cầu. Các doanh nghiệp hàng tiêu dùng tại Việt Nam tụt hậu so với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực và toàn cầu về việc quản lý khoản phải thu khách hàng và hàng tồn kho, cũng như khoản phải trả người bán.

Ngược lại, Việt Nam là một trong những quốc gia có C2C của ngành bán lẻ ngắn nhất, chỉ sau Úc, Mỹ và Canada trong năm tài chính 2017.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên