MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO của Kinh Đô, Maximark và Gốm sứ Minh Long trải lòng về khủng hoảng

10-10-2012 - 21:07 PM |

Tổng giám đốc của Kinh Đô, bà chủ của hệ thống Maximark và CEO Gốm sứ Minh Long chia sẻ những trăn trở của giới kinh doanh trong thời kỳ kinh tế khó khăn.

Thống kê trong năm 2012 cho thấy 30% doanh nghiệp Việt Nam đang trên bờ vực phá sản với khối nợ xấu gần 10 tỷ USD đang đè nặng lên khả năng phục hồi của nền kinh tế. Ông/bà đón nhận những thông tin này với tâm thế như thế nào? Sự kỳ diệu của tăng trưởng Việt Nam liệu đã mất?

- Ông Trần Lệ Nguyên: Kinh tế thế giới suy thoái ảnh hưởng nhiều đến châu Á và Việt Nam cũng không tránh khỏi điều đó.
 
Hệ quả có thể thấy là số lượng các doanh nghiệp đóng cửa, phá sản ngày càng nhiều. Những doanh nghiệp còn lại cũng gặp nhiều khó khăn... Trước tình hình khó khăn chung này, chúng tôi xác định chỉ đầu tư vào ngành chính của mình.
 
Thời gian qua, chúng tôi đầu tư đa ngành nhưng hiện tại chúng tôi đã thoái vốn 1 số khoản đầu tư và tập trung vào lĩnh vực cốt lõi của mình là thực phẩm.
 
Dù những ngành hàng chính của công ty vẫn phát triển nhưng trong điều kiện này, chúng tôi phải tìm mọi cách để tiết giảm chi phí giá thành, sản xuất ra nhiều sản phẩm mới mang tính sáng tạo và khác biệt cũng như tăng cường bán hàng bằng nhiều hình thức.
 
Một trong những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng là đẩy mạnh tham gia các hội chợ thế giới nhiều hơn để tăng xuất khẩu.

Ông Trần Lệ Nguyên

 - Trong khi nền kinh tế thế giới cũng đang lao đao vì tình hình suy thoái thì chúng ta cũng không thể kỳ vọng rằng trong một tương lai gần kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng trở lại như cũ. Thưa bà Hồng, bà dự trù cho dự báo này như thế nào?

- Bà Nguyễn Ánh Hồng: Trong một thời gian dài, kinh tế Việt Nam phát triển khá nhanh, kéo theo đó là sự ra đời ồ ạt của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thành lập doanh nghiệp thì dễ nhưng tồn tại được hay không còn tùy thuộc vào nội lực của từng doanh nghiệp.
 
Và không phải đến khủng hoảng mới có chuyện doanh nghiệp đóng cửa, phá sản, mà ngay cả khi kinh tế phát triển cực thịnh điều này vẫn diễn ra. Nhưng trong thời điểm kinh tế khó khăn, điều này bộc lộ rõ hơn mà thôi.
 
Tôi nghĩ, chúng ta đã đi đến giai đoạn cuối của cuộc khủng hoảng kinh tế và theo quy luật: sau thoái trào sẽ đến thời hồi phục. Vì vậy, tôi tin, nền kinh tế đất nước sẽ nhanh chóng hồi phục.
 
- Ông Lý Ngọc Minh: Năm 2009, khủng hoảng kinh tế xảy ra, tôi đoán câu chuyện sẽ dẫn tới như hôm nay nên Minh Long đã có sự chuẩn bị, nhất là đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp tình hình.
 
Tuy hiện nay Minh Long không nợ nhiều ngân hàng, nhưng trước thông tin các doanh nghiệp nợ xấu với con số lên tới gần 10 tỷ USD, tôi cũng lo vì nếu tình hình kéo dài, nhiều doanh nghiệp, trong đó có mình cũng sẽ có nguy cơ bị nợ.

- Nếu được nói ngắn gọn thì những khó khăn này do nguyên nhân nào gây ra? Vấn đề lớn nhất doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt là gì? Liệu có phải do yếu kém nội tại của Việt Nam, mà cơ bản nhất là các chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hay nội tại yếu kém của doanh nghiệp?

- Ông Lý Ngọc Minh: Trước hết là do chính doanh nghiệp đã có những chiến lược kinh doanh cũng như đầu tư không đúng, tràn lan, không có tiêu điểm rõ ràng.
 
Thực tế, thời gian qua, các doanh nghiệp, cả khối nhà nước và tư nhân, nếu đầu tư một nghề và chí cốt đi theo nghề đó thì ít bị khó khăn hơn. Đầu tư trái ngành nghề thì dễ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát, chưa kể khi đầu tư quá lớn gặp lúc kinh tế khủng hoảng, tiền vốn rút về không kịp nên doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ bị phá sản.

- Ông Trần Lệ Nguyên: Khó khăn do từ cả hai phía, nội tại doanh nghiệp và cơ chế quản lý cũng ảnh hưởng một phần. So với nhiều nước trong khu vực thì Việt Nam đang trên đà phát triển. Bên cạnh đó, năng lực quản lý của doanh nghiệp hạn chế cũng là nguyên nhân đẩy giá sản phẩm tăng cao, không thể cạnh tranh được.

- Bà Nguyễn Ánh Hồng: Tôi nghĩ, vấn đề cần bàn là lãi suất ngân hàng. Trên thế giới chắc chỉ có lãi suất tại Việt Nam là cao không thể tưởng tượng được như vậy. Có những giai đoạn, lãi suất lên đến 25%.
 
Với mức lãi suất này, doanh nghiệp không có cách gì để tạo lợi nhuận để có thể trả lãi ngân hàng. Vay vốn với lãi suất cao mà sản xuất, kinh doanh khó khăn, hàng tồn kho chất đống thì doanh nghiệp phá sản là chuyện không thể tránh khỏi.
 
Hiện nay, lãi suất ngân hàng đã giảm nhưng vẫn còn quá cao so với tình hình thực tế chung của nền kinh tế. Và khó khăn nhất của doanh nghiệp vẫn nằm trong đồng vốn. Bởi vì, doanh nghiệp mạnh hay yếu đều thể hiện qua đồng vốn.
 
Cách đây khoảng 5 năm, khi muốn đầu tư, các doanh nghiệp đều nghĩ đến chuyện vay ngân hàng nhưng nay thì điều này đang khiến doanh nghiệp phải cân nhắc.
 

 Bà Nguyễn Ánh Hồng

- Là những doanh nhân thế hệ đầu tiên sau mở cửa, trải qua hơn 20 năm kinh doanh, ông/bà có coi thời điểm hiện nay là khó khăn nhất?

- Ông Trần Lệ Nguyên: Thật sự đây không phải là thời điểm khó khăn nhất. Mỗi thời điểm có những khó khăn riêng, nhưng trong khó khăn vẫn luôn có cơ hội. Hiện tại, chúng tôi tập trung cho ngành chính để vươn xa hơn.
 
Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay thì doanh nghiệp không nên đầu tư ngoài ngành vì rủi ro cao. Giai đoạn này cũng không nên đầu tư, phát triển nhà máy vì nếu phải vay ngân hàng thì doanh nghiệp phải chịu thêm gánh nặng lãi vay.
 
- Bà Nguyễn Ánh Hồng: Ngành kinh doanh bán lẻ như chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều. Đã có nhiều nhận định cho rằng, kinh tế khó khăn, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu nhưng trong thực tế kinh doanh, tôi thấy sức mua vẫn tốt.
 
Năm 2011, sức mua tại hệ thống của chúng tôi tăng đến 40%. Tôi nghĩ, trong thời điểm này, vấn đề quan trọng là làm sao lèo lái được doanh nghiệp của mình. Chẳng hạn, trong thời điểm này nhiều doanh nghiệp co cụm lại thì chúng tôi lại bung ra, nhập hàng về. Bởi tôi biết trong thời điểm này, những mặt hàng nào có thể bán được.
 
Tôi nghĩ, trong thời điểm này, bản thân mỗi doanh nghiệp phải biết sắp xếp, tính toán lại mọi thứ. Tính toán hay thì sẽ thoát, còn không hay sẽ rơi vào khó khăn thêm.

- Qua cuộc khủng hoảng, sự thiếu chuyên nghiệp của doanh nghiệp Việt Nam càng rõ nét. Doanh nghiệp sẽ phân chia mạnh mẽ hơn, chỉ những ai chuyên nghiệp và bài bản mới có thể tồn tại. Vấn đề nội lực của doanh nghiệp nên được nhìn nhận thế nào?

- Bà Nguyễn Ánh Hồng: Như tôi đã nói, doanh nghiệp mạnh hay yếu thể hiện qua đồng vốn tự có. Trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải dựa vào nguồn vốn từ các ngân hàng và vốn từ nước ngoài.
 
Mà một khi nội lực của mình không có, phải phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài thì rất khó để phát triển trường tồn. Bài học thấy rõ trong thời gian vừa qua là nhiều doanh nghiệp nhìn bề ngoài thấy to lớn, lộng lẫy nhưng đùng một cái bị vỡ nợ, phải đóng cửa.
 
- Ông Lý Ngọc Minh: Nội lực của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay rất yếu, nhất là yếu vốn. Thông thường, người ta có 7 vay 3, còn doanh nghiệp Việt Nam thì có 1 vay 10. Đó cũng là nguyên do khiến các doanh nghiệp khi gặp khủng hoảng rất dễ chới với.
 
Ngoài vốn, cái yếu khác nữa là kiến thức, kinh nghiệm và đầu ra thị trường. Điều này cũng dễ hiểu, là do các doanh nghiệp của ta còn khá non trẻ, lâu nhất cũng chỉ hơn bốn mươi năm, trong khi các doanh nghiệp nước ngoài có đến cả trăm năm.
 
Vậy nên, vấn đề quan trọng nhất là các doanh nghiệp không chỉ phải có chiến lược kinh doanh đúng đắn, rõ ràng, mà trong quá trình kinh doanh cần phải trau dồi , học hỏi để xây dựng cho mình một văn hóa công ty và một cung cách kinh doanh bài bản.
 
- Ông Trần Lệ Nguyên: Tôi cho rằng, vấn đề quản trị trong giai đoạn này rất quan trọng. Các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh.
 
Nếu nội lực doanh nghiệp không mạnh, quản trị công ty không tốt thì không thể bán được hàng, mà như vậy thì gánh nặng về chi phí tài chính sẽ càng đè nặng. Theo tôi, trong thời điểm này, các doanh nghiệp phải ngồi lại xem còn “không gian nào” để mình... tồn tại hay không.
 
Còn không gian thì mới nghiên cứu những biện pháp để giảm giá thành sản phẩm, nguồn tiêu thụ sản phẩm...

- Việt Nam không thiếu nhân tài và nguồn lực. Là những doanh nghiệp có tên tuổi của Việt Nam hiện nay, ông/bà trải nghiệm nhận định này như thế nào? Một câu hỏi dù cũ nhưng cũng xin được nhắc lại: Việt Nam nên phát huy nguồn lực này bằng cách nào?

- Ông Trần Lệ Nguyên: Việc phá sản, đóng cửa của nhiều công ty phản ánh khó khăn của nền kinh tế nhưng cũng là cơ hội cho những công ty có năng lực. Đây là dịp để những doanh nghiệp còn lại có nhiều cơ hội chọn lựa những cộng sự tốt hơn.
 
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp nên đào tạo, nâng cấp đội ngũ quản lý từ nội bộ. Để có những nhân sự giỏi, Kinh Đô tổ chức những khóa đào tạo thường xuyên để phát hiện và đào tạo nguồn nhân sự nòng cốt, thực hiện công tác kế thừa và phát triển tổ chức, đồng thời nâng cấp cán bộ quản lý hiện hữu phục vụ mục tiêu phát triển của Tập đoàn.
 
Thông thường, những cộng sự được đào tạo từ cơ sở đi lên sẽ gắn bó lâu dài với công ty. Bên cạnh đó, Kinh Đô đã thu hút đội ngũ nhân tải từ các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến hợp tác, nắm giữ các vị trí quản lý cấp cao và cấp trung tại Công ty.
 
Tại Kinh Đô, mọi người là một gia đình. Chúng tôi tạo không gian và trao quyền để mọi người cùng phối hợp và thực thi để đạt mục tiêu, chiến lược kinh doanh của Công ty cũng như tạo nền tảng để Kinh Đôphát triển vững mạnh trong tương lai.
 
- Ông Lý Ngọc Minh: Đúng là chúng ta rất dồi dào nguồn nhân lực, nhưng trình độ học lực lại không nhiều, thể lực, sức chịu đựng cũng kém...
 
Đây là điều rất đáng lo ngại vì hiện nay, nguồn nhân công giá rẻ của chúng ta đã không được các nhà đầu tư, các tập đoàn nước ngoài quan tâm, vì nếu chỉ có nguồn nhân lực giá rẻ mà không có tay nghề và trình độ thì cũng rất khó khăn cho các doanh nghiệp.
 
Để phát huy nguồn nhân lực thì trước hết ở phía Nhà nước phải thay đổi cách đào tạo. Chẳng hạn, ở các nước, nghề nào cũng có trường đào tạo và muốn đi làm nghề nào thì phải đi học hai năm chuyên nghề đó.
 
Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cũng phải tự đào tạo, và cách đào tạo, phát huy nguồn nhân tài tốt nhất mà Minh Long đã thực hiện thành công, là đào tạo từ dưới lên.
 
Cách đào tạo này tuy rất khó thực hiện vì đòi hỏi người lãnh đạo doanh nghiệp phải có thời gian rất dài, rất sâu sát nhân viên mới có thể phát hiện ra hạt giống để ươm mầm, sau đó phải có thời gian đào tạo, uốn nắn.
 
Tuy nhiên, khi đã làm đươc điều này thì chính những hạt giống này sẽ là những nhân tài, là người làm việc lâu dài với công ty hơn vì họ đã có thời gian gắn bó cũng như hiểu rõ văn hóa công ty.

- Bà Nguyễn Ánh Hồng: Bản chất của người Việt là rất thông minh và nhạy bén nhưng một khi không được đào tạo, huấn luyện đúng thì sẽ bị lệch. Tôi nghĩ, quan trọng là làm sao để phát huy được khả năng sáng tạo của giới trẻ. Đó là điều cần phải quan tâm.

Ông Lý Ngọc Minh- ông chủ gốm sứ Minh Long

- Giữa lúc khó khăn như vậy, vẫn có doanh nhân Việt Nam nhận giải thưởng về tinh thần lập nghiệp, bản lĩnh vươn lên của doanh nhân Việt Nam. Nếu có một thông điệp từ hình ảnh này thì ông/bà sẽ gửi thông điệp gì từ chính doanh nghiệp của mình?

- Ông Lý Ngọc Minh: Từ bé, nhìn những mặt hàng sứ của Nhật, tôi đã có hoài bão lớn lên mình sẽ làm được không thua kém như thế, ước mơ đó đeo đuổi tôi mãi. Khi đọc những cuốn sách của Nguyễn Hiến Lê, tôi học được rất nhiều những tấm gương và cảm thấy rất ngưỡng mộ những nhân vật tuy bình thường, thậm chí bị tàn tật, câm điếc mà vẫn thực hiện thành công hoài bão, ước mơ của mình.

Từ hoài bão ấp ủ học hỏi từ những tấm gương này, một lần được đi cùng cha đến triển lãm gốm sứ, tận mắt chiêm ngưỡng những sản phẩm của chú Siêu, là người đã làm một cuộc “cách mạng” khi trình làng những cái chén giống như của Nhật Bản, tôi đã có động lực để thực hiện hoài bão.
 
Và trên con đường thực hiện giấc mơ, tôi đã vượt qua biết bao gian khó. Hầu như chặng đường nào, chiến lược nào tôi đưa ra thực hiện cũng gặp trắc trở, khó khăn.

Chia sẻ điều này, tôi muốn gửi thông điệp: Càng khó khăn, càng phải giữ vững tinh thần, ý chí để tỉnh táo tìm cách vượt khó. Mà muốn làm được điều này thì trước hết anh phải có đam mê, hoài bão với công việc của mình. Và trên hết phải có kiến thức, liên tục trau dồi, học hỏi từ những cái nhỏ nhất, từ bất cứ điều gì quanh mình.

- Ông Trần Lệ Nguyên: Tôi vẫn thường chia sẻ, làm lãnh đạo doanh nghiệp phải say men như cầu thủ bóng đá. Say men chiến thắng với niềm đam mê và truyền văn hóa công ty đến cộng sự. Doanh nghiệp phát triển được không phải do một cá nhân nào làm nên mà phải có sự đồng lòng của nhiều người.
 
Tôi nghĩ rằng, một doanh nghiệp cũng như một đội bóng, các cầu thủ phải có sự phối hợp với nhau mới có thể thành công. Người lãnh đạo giỏi là người biết điều phối, gắn kết đội ngũ cộng sự của mình.
 
Và hơn ai hết, họ phải biết cách sử dụng người tài, có tầm nhìn chiến lược và nhạy bén nắm bắt cơ hội. Trong thời điểm khó khăn thì người thuyền trưởng phải quyết định được, làm sao để trụ lại mới là điều quan trọng.

Doanh nhân Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, góp phần mang lại sức sống cho nền kinh tế Việt Nam, tạo công ăn việc làm, phát triển cộng đồng và xây dựng nền kinh tế đất nước. Ông/bà nghĩ sao khi nhiều nước, kể cả phương Tây, đang phải thực hiện nhiều chương trình nuôi dưỡng và phát triển tinh thần doanh nhân?

- Bà Nguyễn Ánh Hồng: Tôi thấy đây là điều tốt cần phải học hỏi. Ở các nước, nếu anh có một kế hoạch tốt, một dự án tốt thì có thể tìm nguồn vốn hỗ trợ từ các ngân hàng, các tổ chức xã hội... Và một khi đã được hỗ trợ vốn thì doanh nhân có thể làm nên chuyện.
 
Vì theo tôi, một doanh nhân chỉ cần tìm được nguồn vốn và có khả năng quản lý thì có thể phát triển được doanh nghiệp. Đây chính là động lực để khuyến khích tinh thần lập nghiệp của doanh nhân.

- Ông Lý Ngọc Minh: Ông bà xưa có câu “Phi thương bất phú”. Vì vậy, một đất nước muốn phát triển mạnh thì phải có những doanh nhân trí tuệ, những doanh nghiệp hùng mạnh.

Vậy nên, nuôi dưỡng tinh thần doanh nhân, giải quyết bài toán kinh tế để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đủ sức mạnh vươn ra thương trường trong và ngoài nước là điều vô cùng quan trọng và phải ưu tiên thực hiện càng sớm càng tốt.

- Hơn 20 năm kinh doanh, điều gì là tâm đắc nhất đối với ông/bà? Điều gì phiền lòng và khiến ông/bà suy nghĩ nhiều nhất?

- Ông Lý Ngọc Minh: Tôi vẫn chờ đợi và đặt ra mục tiêu cho những điều tâm đắc hơn. Còn điều khiến tôi phải suy nghĩ nhiều nhất là chính sách, luật khi đưa ra ban hành thì chưa sâu sát, chưa thấu hiểu những thiệt hại, khó khăn cho doanh nghiệp, chưa cho doanh nghiệp lộ trình để chuẩn bị.

- Bà Nguyễn Ánh Hồng: Đến thời điểm này, điều tôi tâm đắc nhất là đã vượt qua rất nhiều khó khăn và hiện nay tôi vẫn tiếp tục cố gắng để vượt qua những khó khăn khác.
 
 Quan trọng hơn, thương hiệu Maximark đã được người tiêu dùng yêu thích. Điều lo lắng nhất của tôi là chưa tìm được người kế nghiệp để có thể tiếp bước sự nghiệp mình đã bỏ công gầy dựng.
 
- Ông Trần Lệ Nguyên: Với tôi, điều quan trọng nhất là sự trường tồn của thương hiệu Kinh Đô. Gần 20 năm gầy dựng và phát triển Kinh Đô, điều tôi tâm đắc và trân trọng nhất là có được đội ngũ nhân viên, cộng sự tốt, luôn gắn bó với Công ty.
 
Tôi vẫn luôn trăn trở làm sao để đưa Công ty vươn xa hơn nữa. Gần đây, chúng tôi đặt mục tiêu là đa dạng hóa sản phẩm trong ngành. Trong thời gian tới, người tiêu dùng không chỉ biết đến Kinh Đô qua các sản phẩm bánh kẹo mà còn là mì gói, dầu ăn, sữa và gia vị... Đương nhiên, mỗi ngành hàng mới sẽ có những khó khăn nhất định.
Để thực hiện được mục tiêu này, chúng tôi đang đẩy mạnh phát triển kênh phân phối và liên doanh, liên kết với các đối tác trong ngành. Từ những liên doanh, liên kết này mình có thể học hỏi kinh nghiệm, công nghệ, kỹ thuật, quản trị, quản lý... từ đối tác.
 
 Ngoài liên kết với Ezaki Glico, một doanh nghiệp bánh kẹo lớn của Nhật, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ còn liên kết với nhiều đối tác khác nữa.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn

duchai

Trở lên trên