MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Nội chiến' trong gia đình nữ doanh nhân nổi tiếng miền Tây

12-05-2012 - 12:05 PM |

Bà Hoàng Thị Kim Anh từ bán buôn tôm tép đã trở thành doanh nhân thành đạt, nổi tiếng ở miền Tây, nhưng những ngày cuối đời lại phải chứng kiến cảnh “nội chiến” giữa các con.


Sau một thời gian dài thụ lý hồ sơ vụ kiện giành quyền sở hữu giữa các thành viên trong gia đình bà Kim Anh, cuối cùng TAND tỉnh Sóc Trăng cũng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vào ngày 11/5, khi người mẹ Hoàng Thị Kim Anh cả đời tần tảo nuôi các con đã trút hơi thở sau cùng cách nay khoảng hai tháng.

Theo hồ sơ vụ kiện, con bà Kim Anh là Đỗ Ngọc Quí - Chủ tịch Hồi đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Kim Anh - đã khởi kiện đòi xác lập quyền sở hữu Công ty Kim Anh cho cá nhân ông. Doanh nhân này còn bác tư cách thành viên của mẹ với bốn anh chị em được bà Kim Anh sinh ra, nuôi nấng từ ngày còn tần tảo với nghề “hàng tôm hàng cá”.

Kinh doanh giỏi, ngoại giao tốt nên hàng chục năm qua bà Kim Anh với các con mở rộng quy mô sản xuất thủy sản xuất khẩu, đầu tư nhà hàng khách sạn... Chính sự đoàn kết, không một thành viên nào nằm ngoài hệ thống công ty nên thương hiệu Kim Anh trở nên nổi tiếng ở miền Tây. Những người bạn của bà Kim Anh kể rằng, người phụ nữ tài ba này khởi sự bằng việc mua bán tôm tép ở chợ Sóc Trăng vào những năm trước giải phóng. Với sự tần tảo sớm hôm, tích cóp vốn liếng nên khi Sóc Trăng chia tỉnh (20 năm trước), bà Kim Anh mở Doanh nghiệp Kim Anh rồi nâng lên Công ty TNHH Kim Anh vào năm 1994.

Những giấy tờ liên quan đến việc kinh doanh cho thấy người mẹ góp vốn 30,75%. Các con của bà Kim Anh là Dương Việt Trung góp vốn 10,46%, em trai cùng mẹ khác cha với ông Trung là Đỗ Ngọc Quí hùn 36,39%, Đỗ Ngọc Tài góp 11%, Đỗ Thị Ngọc Sương 10,46% và Đỗ Ngọc Tươi 0,94%. Ban đầu vốn điều lệ của công ty chỉ khoảng 2 tỷ đồng nhưng hai lần tăng vốn lên trên 113 tỷ đồng.

Vậy mà “đùng một cái”, ông Quí cho rằng việc mẹ với anh chị em của mình có tên trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ là do ông... nhờ đứng tên dùm để thành lập doanh nghiệp cho thuận lợi. Mẹ đã qua đời, anh em ông Quí (bị đơn) khẳng định việc góp vốn làm thành viên sáng lập là có thật.

Đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng cho rằng luật không quy định tỷ lệ vốn góp của các thành viên. Vì vậy, nếu ông Quí nói mọi người “đứng tên dùm” thì tại sao không ghi 1% hoặc con số tối thiểu mà lại chia ra rành mạch từng con số cụ thể. Do đó, cơ quan công tố mong hội đồng xét xử quan tâm đến điều này.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Ngọc Tài cho rằng nếu anh của ông đưa ra lý do mượn tên để thành lập công ty sao không đưa tên vợ ông Quí vào mà đưa tên mẹ với anh em ruột vào danh sách thành viên góp vốn và sáng lập. "Nếu công ty làm ăn thua lỗ thì chủ nợ đòi tiền các thành viên góp vốn hay chỉ đòi ông Quí. Lỡ như Công ty Kim Anh có dấu hiệu lừa đảo thì ai sẽ chịu trách nhiệm khi chúng tôi là những thành viên góp vốn thật sự. Ông Quí nói chuyện như trẻ con làm mẹ giận đến chết vậy mà không biết hối cải", ông Tài bức xúc.

Theo dự kiến, ngày 16/5 TAND tỉnh Sóc Trăng sẽ tuyên án vụ “nồi da xáo thịt” này.

Theo HỒNG DÂN

 Infonet

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên