MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Quay cuồng' giữa khủng hoảng luận tội, các kinh tế gia hàng đầu còn cho rằng thoả thuận của ông Trump với Trung Quốc hầu như 'không có ý nghĩa gì' đối với kinh tế Mỹ!

19-12-2019 - 14:28 PM | Tài chính quốc tế

Thiệt hại đến từ tình trạng căng thẳng giữa hai nền kinh tế đã đi rất xa, khó có thể giải quyết và đó cũng là hậu quả của tất cả những gì đã diễn ra, từ những loại chi phí kéo theo do thuế quan cho đến tâm lý không vững chắc trong lĩnh vực kinh doanh.

Bước vào chiến dịch tái tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã có trong tay một thoả thuận với lời hứa hẹn rằng Mỹ sẽ tăng gấp đôi lượng hàng hoá xuất khẩu sang Trung Quốc, với cam kết chi 200 tỷ USD trong 2 năm cho tất cả các mặt hàng từ máy bay cho đến sườn heo hay chân gà. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận đó là ngay cả khi lời hứa này được thực hiện, thì cũng không thể bù đắp cho những tác động tiêu cực, các loại chi phí đã ảnh hưởng đến nền kinh tế do chiến tranh thương mại gây ra. 

Thiệt hại đến từ tình trạng căng thẳng giữa hai nền kinh tế đã đi rất xa, khó có thể giải quyết và đó cũng là hậu quả của tất cả những gì đã diễn ra, từ những loại chi phí kéo theo do thuế quan cho đến tâm lý không vững chắc trong lĩnh vực kinh doanh.

Các nhà kinh tế tính toán tác động của thuế quan mà Mỹ áp dụng và các biện pháp trả đũa của Trung Quốc đã gây tổn hại về mặt kinh tế, khiến sản lượng giảm từ 0,3% đến 0,7% trong GDP của Mỹ trong năm nay. Tuy nhiên, kể cả khi thoả thuận thương mại giai đoạn 1 được thực hiện, thì nhiều chuyên gia vẫn cho rằng việc tác động của thuế quan vẫn diễn ra trong nhiều năm, khiến tâm lý không chắc chắn kéo dài và hàng tỷ USD thuế đang được áp dụng, sẽ gây áp lực cho đà tăng trưởng trong tương lai.

Một nghiên cứu của các chuyên gia đến từ Cục Dự trữ Liên bang (Fed) New York, Đại học Princeton và Columbia ước tính rằng hậu quả của phần lớn thuế quan vẫn ở đó, bất chấp thoả thuận giai đoạn 1 được ký kết, khi mỗi hộ gia đình Mỹ phải gánh 831 USD/năm, hay chi phí hàng năm đối với toàn bộ nền kinh tế Mỹ là hơn 106 tỷ USD. 

Bloomberg Economics ước tính, năm 2019, GDP của Mỹ đã mất 134 tỷ USD vì chiến tranh thương mại và sẽ tăng lên 316 tỷ USD vào cuối năm 2020. Những con số này sẽ xoá bỏ hoàn toàn những lợi ích từ việc Mỹ tăng sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Quay cuồng giữa khủng hoảng luận tội, các kinh tế gia hàng đầu còn cho rằng thoả thuận của ông Trump với Trung Quốc hầu như không có ý nghĩa gì đối với kinh tế Mỹ! - Ảnh 1.

Maurice Obstfeld, cựu kinh tế gia trưởng của IMF và thành viên ban cố vấn kinh tế của ông Obama, nhận định: "Việc Mỹ tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc đưa chúng ta trở lại 'vạch xuất phát'. Bởi vậy, bạn phải đặt câu hỏi rằng: 'Chúng ta đã đạt được những điều gì? Và điều đó liệu có đáng để đưa nền kinh tế đi qua tình trạng khó khăn đến vậy hay không?"

Dựa theo tính toán của các nhà kinh tế học, các loại chi phí không chỉ giữ nguyên ở mức đó mà có thể còn tăng lên theo nhiều năm, ngay cả khi các doanh nghiệp đã thích ứng với thuế quan hay chuỗi cung ứng được điều chỉnh, và thoả thuận ban đầu giúp xoa dịu lo ngại về những đợt nâng thuế trong tương lai.

IMF ước tính rằng thuế quan sẽ khiến GDP thực của Mỹ giảm sút trong mỗi năm cho đến năm 2023, khi GDP thực sẽ thấp hơn 0,5% so với khi thuế quan chưa được áp dụng. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ hồi đầu năm nay cũng có phân tích về trường hợp nếu thuế quan có hiệu lực vào năm 2029 và sản lượng kinh tế của Mỹ sẽ mất 0,1%.

Chính quyền ông Trump và những người mang quan điểm ủng hộ thì lập luận rằng họ đang ở trong một cuộc chiến lớn để giải quyết những bất bình đã tồn tại từ lâu của Mỹ đối với Trung Quốc, điều này sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và người lao động Mỹ. Họ chỉ ra, nền kinh tế Mỹ đang phát triển nhanh hơn so với những nơi khác và tiếp tục tạo ra nhiều việc làm, đây là minh chứng cho tác động tích cực từ chính sách thương mại của họ. 

Hơn nữa, ông Trump cũng nhiều lần phủ nhận về những tác động tiêu cực đến từ chính sách thương mại của mình, thay vào đó là đổ lỗi cho Fed và đồng USD mạnh là yếu tố ngăn cản đà phát triển mạnh của Mỹ.

Quay cuồng giữa khủng hoảng luận tội, các kinh tế gia hàng đầu còn cho rằng thoả thuận của ông Trump với Trung Quốc hầu như không có ý nghĩa gì đối với kinh tế Mỹ! - Ảnh 2.

Larry Kudlow, Cố vấn Kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng, mới đây cho biết dự kiến thoả thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc sẽ được ký kết vào đầu tháng 1 và Quốc hội sẽ xem xét để thông qua phiên bản mới của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) để giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng thêm 0,5%. Theo Nhà Trắng, ước tính của Kudlow đưa ra dựa trên sự kết hợp từ các phân tích độc lập và nội bộ, nhưng không nêu thêm chi tiết về tác động kinh tế từ thoả thuận với Trung Quốc hay trong trường hợp mâu thuẫn kinh tế ở quy mô rộng hơn.

Một thách thức đối với những người mang quan điểm phản đối chiến tranh thương mại của ông Trump là tác động tiêu cực đối với kinh tế Mỹ lại không được thể hiện nhiều, khi số liệu kinh tế khả quan, được thúc đẩy nhờ chi tiêu trong nước mạnh mẽ, để xoa dịu những ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành sản xuất và nông nghiệp.

Dẫu vậy, những tác động tiêu cực thực sự có diễn ra, theo Mark Zandi - kinh tế gia trưởng tại Moody's Analystics. Từ quý III/2018 đến cùng kỳ năm nay, Zandi ước tính GDP thực của Mỹ đã mất 0,4% vì những động thái về thương mại của ông Trump, tương đương 88 tỷ USD. Hơn nữa, nước Mỹ còn mất tới 340 nghìn việc làm do chiến tranh thương mại vì các khoản đầu tư sụt giảm và chi phí nhập khẩu cao hơn gây ra bởi thuế quan.

Zandi cho hay, sự không chắc chắn ảnh hưởng đến những quyết định về kinh doanh sẽ còn ở đó, và "còn tiếp tục gây áp lực cho đầu tư kinh doanh, số lượng việc làm, tăng trưởng tiền lương và sẽ gây hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế Mỹ."

Tham khảo Bloomberg

 

Giang Ng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên