MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc hội không lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch nước và Bộ trưởng TT-TT tại kỳ họp thứ 6

Tổng thư ký Quốc hội chiều 18-10 cho biết tại kỳ họp thứ 6 khai mạc ngày 22-10 tới, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với tất cả các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn, trừ Chủ tịch nước và Bộ trưởng TT-TT do mới được bầu, phê chuẩn tại kỳ họp.

Chiều nay 18-10, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội , chủ nhiệm Văn phòng Quốc hộiđã chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIV.

Thông báo về dự kiến chương trình và nội dung của kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết Kỳ họp thứ 6 sẽ khai mạc vào sáng ngày 22-10 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Quốc hội không lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch nước và Bộ trưởng TT-TT tại kỳ họp thứ 6 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký Quốc hội, chủ trì buổi họp báo

Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 24 ngày (không kể ngày nghỉ); Quốc hội dự kiến họp phiên bế mạc vào ngày 21-11 tới.

Về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân và Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28-11-2014, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (trừ Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) mới được Quốc hội bầu). Danh sách lấy phiếu tín nhiệm là 48 người.

"Hoạt động này sẽ được tiến hành trước phiên họp chất vấn để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm (vì Quốc hội chỉ xem xét chất vấn một số Bộ trưởng có nội dung trong Nghị quyết chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến kỳ họp thứ 4)"- ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.

Về công tác nhân sự, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT-TT đối với ông Trương Minh Tuấn; phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT-TT mới.

Quốc hội cũng sẽ dành khoảng 9,5 ngày để xem xét, thông qua 9 dự án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.

Các dự án luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Dự kiến sẽ có 15 phiên họp thuộc nội dung của kỳ họp được tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi (chiếm khoảng 31,25% thời lượng của kỳ họp).

Ngoài những nội dung được phát thanh, truyền hình trực tiếp theo quy định của nội quy kỳ họp, dự kiến các phiên thảo luận ở hội trường về vấn đề: kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2018 cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Theo Văn Duẩn

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên