MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Qũy bảo hiểm thất nghiệp kết dư hơn 79.000 tỷ đồng

Ước kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tính đến cuối năm 2018 là hơn 79.000 tỷ đồng, dự báo đến năm 2020, quỹ này vẫn đảm bảo an toàn...

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam được triển khai thực hiện từ năm 2009 và được giao cho hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai thực hiện.

Đánh giá về tình hình hình thực hiện chính sách này qua 10 năm, ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, số lượng người tham gia và đóng bảo hiểm thất nghiệp luôn tăng qua các năm, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cụ thể, nếu năm 2009 mới chỉ có gần 6 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì đến năm 2018 có hơn 12,6 triệu người tham gia. Tổng số tiền thu bảo hiểm thất nghiệp cũng không ngừng tăng qua các năm. Tính đến thời điểm năm 2018, bình quân tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp hằng tháng của người lao động là hơn 4,9 triệu đồng, tổng số tiền thu bảo hiểm thất nghiệp năm 2018 là hơn 15.500 tỷ đồng.

Cũng theo ông Trung, từ khi Luật Việc làm có hiệu lực, với việc thay đổi cách tính thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ tăng số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp giai đoạn 2015 - 2018 là khá ổn định, tỷ lệ bình quân là 12,5%.

Bên cạnh đó, do số người được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng dẫn đến tổng tiền chi cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp tăng. Chỉ tính riêng trong năm 2018, đã có hơn 763.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp; quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã chi trả hơn 7.500 tỷ đồng. Trong đó, chi cho trợ cấp thất nghiệp chiếm 92,8%, chi hỗ trợ học nghề chiếm 0,9%, chi bảo hiểm y tế chiếm 4,1% so với tổng chi cho các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Cũng theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, ước kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp tính đến cuối năm 2018 là hơn 79.000 tỷ đồng, dự báo đến năm 2020, Qũy bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn.

Ông Lê Quang Trung cho rằng, thời gian qua chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được thực hiện với phương châm 3 đúng "đúng đối tượng, đúng chế độ, đúng thời hạn". Nhờ vậy, đã có tác động tích cực, trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động và vấn đề an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã quy định một mức đóng đối với tất cả các chủ sử dụng lao động, không quy định mức đóng khác nhau giữa các loại hình doanh nghiệp, tạo sự chia sẻ giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, giữa người lao động trình độ cao, ít rủi ro với người lao động trình độ thấp và nguy cơ cao.

Khi người lao động bị mất việc, chủ doanh nghiệp không phải mất phí trợ cấp mất việc làm cho người lao động nên họ sẽ sử dụng nguồn lao động thoải mái hơn, tạo động lực phát triển sản xuất. Cũng nhờ có bảo hiểm thất nghiệp mà gánh nặng ngân sách của Nhà nước khi có thất nghiệp xảy ra được giảm bớt.

Để đạt hiệu quả việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tới, ông Trung cho biết, Luật Việc làm sẽ sớm được nghiên cứu, sửa đổi, trong đó chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm sẽ theo hướng chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả mà cần xây dựng các giải pháp phòng ngừa.

Từ đó, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của cả hai bên.


Theo Nhật Dương

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên