MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy chế đấu giá đường sắp "lên sóng"

11-07-2016 - 11:22 AM | Thị trường

Nguyên tắc đấu giá hạn ngạch thuế quan NK đường năm 2016 đã chính thức được Bộ Công Thương phê duyệt. Tuy nhiên, quy chế đấu giá như thế nào thì vẫn chưa được quyết định bởi Bộ Công Thương còn đang lấy ý kiến các bộ, ngành lần cuối trước khi ban hành.

Đấu giá 85.000 tấn đường

Dù chưa chính thức nhưng khi được hỏi về tính khả thi của quy chế đấu giá, ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA cho biết, bản dự thảo về quy chế đấu giá đã được thảo luận nhiều lần, nhìn chung đã đảm bảo được yếu tố công bằng giữa các DN, đem lại công bằng xã hội.

85.000 tấn đường (mã HS 1701) trong hạn ngạch thuế quan năm 2016 chính thức được NK theo phương thức đấu giá thông qua hội đồng đấu giá thí điểm từ ngày 29-6 đến hết ngày 31-12-2016.

Việc đấu giá hạn ngạch thuế quan NK đường được thực hiện thông qua Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan NK đường năm 2016. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản thực hiện theo quy định về pháp luật bán đấu giá phù hợp với tính chất tài sản bán đấu giá.

Không chỉ vậy, Thông tư 07/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về nguyên tắc đấu giá hạn ngạch thuế quan NK đường năm 2016 còn nêu rõ, tham gia đấu thầu là những thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện. Bên cạnh đó, những cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc NK đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2016 cũng được tham gia đấu thầu.

Đây là thông tin tốt đối với cộng đồng DN mía đường cũng như các DN chế biến sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất. Điều khiến cho DN mía đường phấn khởi là cơ chế “xin- cho” trong phân giao hạn ngạch đã được xóa bỏ. Bởi lẽ, cơ chế này đã tạo sự mất công bằng giữa các DN, thương nhân được NK đường theo hạn ngạch thuế quan với các công ty khác. Khi chuyển sang cơ chế đấu giá, cơ chế này sẽ tạo sự công bằng cho tất cả các công ty, thương nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực có liên quan đến mặt đường.

Còn với các DN sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất, đây cũng là dịp để DN được bổ sung nguồn đường được dự báo thiếu hụt, khắc phục khó khăn trong việc mua đường do giá cả liên tục tăng cao và không mua được đường với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng như đã phản ánh với Bộ Công Thương trước đó.

Có thể thấy, sự ra đời của cơ chế đấu giá là cả một cuộc đấu tranh của DN mía đường, trong đó có công lớn của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) sau nhiều năm kiên trì kiến nghị xóa bỏ cơ chế “xin- cho”. Như vậy, đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức đấu giá đường NK. DN đang đặt nhiều kỳ vọng cơ chế sẽ tạo sự công khai, minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích của người trồng mía, nhà máy đường, các DN sử dụng đường làm nguyên liệu chế biến sản phẩm và người tiêu dùng, đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế.

Chờ quy chế

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, dù đã có Thông tư song DN vẫn chưa thể thực hiện. Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Hải quan, bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 07, tuy nhiên, quy chế đấu giá cụ thể thì chưa được ban hành. Bởi lẽ, quy chế này sẽ do Chủ tịch Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan NK đường năm 2016 (gồm đại diện các Bộ: Công Thương, Tài chính, NN&PTNT, Tư pháp và do Lãnh đạo Bộ Công Thương làm Chủ tịch Hội đồng) ban hành. “Hiện Bộ Công Thương đang lấy ý kiến lần cuối cùng của các thành viên trong Hội đồng. Trong thời gian sớm nhất, Bộ Công Thương sẽ ban hành quy chế này”, bà Hà khẳng định.

Trên thực tế, trong dự thảo Thông tư quy định về nguyên tắc điều hành hạn ngạch thuế quan NK đường năm 2016, Bộ Công Thương có gửi kèm quy chế đấu giá thí điểm để lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Theo bản dự thảo này, mỗi thương nhân được quyền tham gia tối đa là 3 đơn đấu giá với 3 mức giá khác nhau và số lượng khác nhau nhưng tổng số lượng đăng ký của thương nhân không vượt quá 20.000 tấn; mỗi đơn đấu giá có số lượng đăng ký tối thiểu là 1.000 tấn. Số lượng và mức giá đăng ký cho mỗi đơn đấu giá chỉ được đăng ký có số lẻ đến đơn vị hàng trăm. Ngoài ra, thương nhân đấu giá phải nộp khoản tiền đặt cọc trước khi tham gia đấu giá. Số tiền ký quỹ, đặt cọc có giá trị tương đương với 10% giá trị theo giá khởi điểm của số lượng thương nhân đăng ký, nhưng không thấp hơn 20.000.000 đồng.

Về trình tự đấu giá, Hội đồng đấu giá quy định cách thức tổ chức đấu giá, giá khởi điểm cho quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan NK 1 tấn đường; thông báo mời đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan NK đường (đăng trên website của Bộ Công Thương và Báo Công Thương, Nông nghiệp, Tài chính trước 10 ngày từ khi chính thức mở đấu giá). Hội đồng thực hiện niêm yết việc tổ chức bán đấu giá tại trụ sở Bộ Công Thương (54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội) trước ngày mở phiên bán đấu giá 7 ngày.

Cũng theo bản dự thảo về quy chế đấu giá, sau khi nhận được thông báo kết quả trúng đấu giá, thương nhân phải nộp tiền mua quyền sử dụng hạn ngạch vào tài khoản của Bộ Công Thương. Số tiền đặt cọc được trừ vào tiền mua quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường của thương nhân. Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày công bố kết quả trúng đấu giá, thương nhân trúng đấu giá phải nộp chứng từ xác nhận đã trả tiền mua quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan NK đường về Bộ Công Thương (Cục XNK).

Theo Phan Thu

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên