MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy định "thất thường", nhà đầu tư nước ngoài than khổ!

Nhà đầu tư nước ngoài muốn đối thoại với cơ quan nhà nước thì không biết vào “cửa” nào.

Một số chuyên gia phản ánh như trên tại Hội thảo "Giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư với Nhà nước: Các vấn đề pháp lý và thực tiễn" tổ chức tại TP HCM ngày 24-5.

Theo ông Nguyễn Thế Hà, đại diện Công ty Dịch vụ Cơ khí Hàng Hải PTSC, nước ta có khoảng 40 công ty đa quốc gia đầu tư và thực hiện các dự án dầu khí. Sự có mặt của nhà đầu tư nước ngoài kéo theo sự gia tăng tranh chấp đầu tư quốc tế.

Ở Việt Nam, nhà đầu tư đối mặt với tình trạng "thất thường" của không ít quy định pháp luật. Ông Hà dẫn chứng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và đối tác từng nhờ cơ quan trọng tài thương mại phán quyết vụ tranh chấp liên quan đến ưu đãi thuế. Đáng nói, sự việc khởi nguồn từ rắc rối trong một loạt văn bản pháp luật (luật dầu khí, văn bản do thủ tướng hay cơ quan thuế ban hành…).

Tương tự, tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú, Vụ pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, ghi nhận nhiều quốc gia đã và đang theo đuổi phương pháp "phòng bệnh hơn chữa bệnh" trong ứng xử với nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, nước ta chỉ tập trung vào giai đoạn tranh chấp đã phát sinh.

Ông Tú phản ánh quy trình giải quyết vẫn rất nhiêu khê. Đơn cử, nhà đầu tư muốn khiếu nại về quyết định hay hành vi hành chính của một cơ quan thì phải "gõ cửa" chính cơ quan đó hoặc cấp trên trực tiếp của họ. Quy trình, thủ tục thực hiện theo quy định về khiếu nại. Nếu nhà đầu tư tố cáo cán bộ, tập thể xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì tiến hành thủ tục theo quy định pháp luật về tố cáo. Song, khi nhà đầu tư không khiếu nại hay tố cáo mà mong muốn đối thoại với cơ quan nhà nước thì không biết vào "cửa" nào. Hiện cách giải quyết đơn thư không thuộc hình thức khiếu nại hoặc tố cáo chưa "xuất hiện" trong một quy định cụ thể nào ở Việt Nam.

Bàn về giải pháp khắc phục, ông Nguyễn Thế Hà cho hay nhiều nhà đầu tư đánh giá phương án tìm trợ giúp từ trọng tài quốc tế mang đến kết quả hợp lý.

Vì thế, cơ quan chức năng cần xây dựng khung pháp lý minh bạch về việc công nhận và tuân thủ phán quyết của tổ chức trung gian nước ngoài. Bên cạnh đó, nhà nước cần giảm thiểu tình trạng chính sách thay đổi, quy định điều chỉnh, bổ sung… để mang lại niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo pháp luật Việt Nam, tranh chấp đầu tư quốc tế là tranh chấp phát sinh từ việc nhà đầu tư nước ngoài kiện chính phủ Việt Nam hoặc cơ quan nhà nước, tổ chức được cơ quan nhà nước ủy quyền quản lý dựa trên cơ sở điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc các hợp đồng, thỏa thuận giữa nhà nước với nhà đầu tư nước ngoài.


Theo DI LÂM

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên