MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy hoạch ki ốt bám đường trăm tỷ giữa Thủ đô

29-11-2017 - 15:13 PM | Bất động sản

Tại Hà Nội và nhiều thành phố lớn, dù bỏ ra khoản kinh phí rất lớn để mở đường, nhưng chính quyền lại cho các cửa hàng nhỏ lẻ trái phép tồn tại hướng thẳng ra đường, thậm chí hợp thức hoá các của hàng này...

Hợp thức hoá ki ốt bám đường

Tuyến đường Nguyễn Hoàng dài hơn 1,5 km, tổng mức đầu tư hơn 180 tỷ đồng, thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), nối từ đường Phạm Hùng ra đường Lê Đức Thọ.

Tuy nhiên, đi dọc con đường hiện nay hầu hết là những toà nhà riêng lẻ bám đường, thậm chí hình thành nên cả một dãy cửa hàng luộm thuộm, nhếch nhác. Điển hình nhất là đoạn từ số nhà 5 đến số nhà 59. Trên đoạn đường hơn 200 m dài này đang tồn tại hãng dãy ki ốt bán thực phẩm, cơm, phở, bia hơi xen kẽ với các cửa hàng thu mua phế liệu, bình ắc quy, rửa xe… Trước dãy quán này, xe máy dựng kín vỉa hè và ô tô đỗ dưới lòng gây cản trở giao thông.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, cán bộ địa chính phường Mỹ Đình 2 (nơi có tuyến đường đi qua), xác nhận: Dãy ki ốt này được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, có diện tích 1.200 m2. Tuy nhiên, theo ông này, các vi phạm tồn tại từ trước khi đường Nguyễn Hoàng hình thành và theo quy định hiện nay, phường chỉ có trách nhiệm giữ nguyên hiện trạng. Phường đã làm tròn trách nhiệm, không để phát sinh thêm.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số người dân khu vực, vị trí mọc lên các ki ốt hiện nay vốn là cánh đồng và một số chuồng nuôi lợn, gà. "Khi tuyến đường hình thành, các chủ các cửa hàng dựng bảng quảng cáo phía trước, phía sau xây tường, lợp mái tôn rầm rộ, cấp tập nhưng lãnh đạo phường không cho xử lý" - ông Nguyễn Thái Lâm - một hộ dân tại khu vực này nói.


Lòng đường Nguyễn Hoàng trở thành nơi sửa xe ô tô. Ảnh Sỹ Lực

Lòng đường Nguyễn Hoàng trở thành nơi sửa xe ô tô. Ảnh Sỹ Lực

Phóng viên đã đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 2, song hơn 1 tuần ông Lâm không có ý kiến phản hồi. Về phản ánh cán bộ lãnh đạo phường cũng có người nhà vi phạm, đại diện phường Mỹ Đình 2 không phủ nhận, đồng thời cho rằng: Nếu có trường hợp người nhà lãnh đạo vi phạm, theo quy định hiện hành, do cửa hàng tồn tại từ lâu nên các ki ốt này vẫn được tồn tại.

Cán bộ địa chính Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm, trong quy hoạch đang có hiệu lực, diện tích đất nông nghiệp có các cửa hàng vi phạm này dùng để xây dựng công viên. Tuy nhiên, mới đây, chính quyền có chủ trương xây dựng thành các cửa hàng bán thực phẩm sạch. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư, nguyên Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm đã gửi văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội và một số sở ngành liên quan cho xây dựng các cửa hàng bán thực phẩm sạch trên địa bàn quận, trong đó có vị trí tại lô đất 1.200 m2 đất nông nghiệp có vi phạm trên.

Sau đó, lãnh đạo Sở Tài Nguyên và môi trường làm đầu mối trình tiếp lãnh đạo thành phố xin chủ trương xây dựng các cửa hàng bám mặt đường mới được đầu tư với kinh phí hàng trăm tỷ này.

Trách nhiệm thuộc chính quyền địa phương

Ngoài tuyến đường Nguyễn Hoàng, tình trạng các cửa hàng, ki ốt mọc trái phép, bám các con đường mới mở diễn ra phổ biến tại nhiều tuyến phố mới mở của Hà Nội. Điển hình như tuyến phố Phạm Hùng – tuyến đường vành đai 3 của Hà Nội, trên chiều dài hàng km, các showroom ô tô, cửa hàng ăn uống mọc lên rất nhiều tại các dự án treo.

Tuyến mương Thái Hà dài khoảng 400m (chạy dọc theo đường Thái Hà từ Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đến đầu phố Hoàng Cầu, thuộc quận Đống Đa) sau khi được bê tông hoá mặt cống cũng đã trở thành khu phố buôn bán sầm uất. Đáng nói, hàng trăm cửa hàng kiên cố 2,3 tầng tại đây là thuộc diện sai phép nhưng đại diện chính quyền cho hay không thể xử lý vì đã tồn tại từ nhiệm kỳ trước.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Uỷ viên Ban Chấp hành Tổng hội Xây dựng, nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, việc để tồn tại các kiốt dọc các tuyến đường mới là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Việc quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đất công bám mặt đường mới xây dựng như Nguyễn Hoàng, theo ông Liêm chỉ là tầm nhìn ngắn hạn vì không đảm bảo mỹ quan và trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông.

Ông Liêm cho biết, đường đô thị hiện đại tại các nước phát triển hướng tới việc tạo các toà nhà chung cư quy mô, các công viên, siêu thị lớn chứ không phải là cách tạo ra các cửa hàng nhỏ lẻ, hướng thẳng, xung đột với đường giao thông.

Theo ông Liêm, nhiều nước trên thế giới đã làm đường đô thị theo hướng giải toả cả hai bên đường, sau đó kêu gọi nhà đầu tư đấu thầu, xây dựng các toà nhà cao ốc vừa đảm bảo việc tái định cư tại chỗ cho người dân tại khu vực, vừa tăng diện tích sử dụng, tạo bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại, giảm ùn tắc giao thông.

“Tổ chức như vậy, các cấp chính quyền sẽ vất vả hơn nhưng sẽ mang lại bộ mặt đô thị hiện đại, giảm ách tắc giao thông; việc lấy tiền từ dự án bất động sản hai bên làm đường để xây dựng 2 tuyến đường sẽ đủ để trang trải kinh phí làm đường. Làm như hiện nay tại Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác, Nhà nước tốn tiền nhưng chỉ có nhà dân nhỏ lẻ ở mặt đường hưởng lợi, bộ mặt đô thị không thể hiện đại và giao thông vẫn ách tắc” – ông Liêm nói.

Ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư, nguyên Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm đã gửi văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội và một số sở ngành liên quan cho xây dựng các cửa hàng bán thực phẩm sạch trên địa bàn quận, trong đó có vị trí tại lô đất 1.200 m2 đất nông nghiệp có vi phạm nêu trên. Sau đó, lãnh đạo Sở Tài Nguyên và môi trường làm đầu mối trình lãnh đạo thành phố xin chủ trương xây dựng các cửa hàng bám mặt đường mới được đầu tư với kinh phí hàng trăm tỷ.

Theo Sỹ Lực

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên