MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quý I: Khối ngoại sàn HoSE vẫn mua ròng mạnh 5.166 tỷ đồng, bùng nổ giao dịch thỏa thuận

Khối ngoại sàn HoSE mua ròng rất mạnh cổ phiếu MSN với giá trị lên đến 2.188 tỷ đồng, nhưng trong đó có đến 1.541 tỷ đồng là đến từ giao dịch thỏa thuận. CCQ ETF nội E1VFVN30 cũng được khối ngoại mua ròng mạnh với 1.498 tỷ đồng.

Thị trường bứt phá mạnh ngay trong quý đầu tiên của năm 2019 đặt biệt là thời gian sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Có thời điểm, VN-Index đã vượt qua được mốc kháng cự quan trọng 1.000 điểm. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của quý I/2019, VN-Index dừng ở mức 980,76 điểm, tăng 9,88% so với cuối năm trước. HNX-Index cũng tăng 3,08% lên 107,72 điểm.

Việc thị trường giao dịch tích cực phải kể đến sự đóng góp lớn từ giao dịch của khối ngoại. Trong quý I, khối ngoại vẫn mua ròng mạnh ở sàn HoSE nhưng lại bán ròng ở hai sàn còn lại là HNX và UPCoM. Tính trên toàn thị trường, khối ngoại thực hiện mua vào 1,29 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị mua vào đạt 49.564 tỷ đồng, trong khi bán ra 1,17 triệu cổ phiếu, trị giá 44.862 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 126,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt gần 4,702 tỷ đồng.

Quý I: Khối ngoại sàn HoSE vẫn mua ròng mạnh 5.166 tỷ đồng, bùng nổ giao dịch thỏa thuận - Ảnh 1.

Trên sàn HoSE, khối ngoại vẫn mua ròng mạnh với giá trị đạt 5.166 tỷ đồng, nhưng con số này đã giảm 55% so với quý IV/2018, tương ứng khối lượng mua ròng đạt 173 triệu cổ phiếu. Đáng chú ý, khối ngoại mua ròng 2.938 tỷ đồng thông qua phương thức thỏa thuận.

Quý I: Khối ngoại sàn HoSE vẫn mua ròng mạnh 5.166 tỷ đồng, bùng nổ giao dịch thỏa thuận - Ảnh 2.

Khối ngoại sàn HoSE mua ròng rất mạnh cổ phiếu MSN với giá trị lên đến 2.188 tỷ đồng, nhưng trong đó có đến 1.541 tỷ đồng là đến từ giao dịch thỏa thuận. CCQ ETF nội E1VFVN30 cũng được khối ngoại mua ròng mạnh với 1.498 tỷ đồng. Việc CCQ này được khối ngoại mua ròng phần nào tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư bởi trong lịch sử thị trường thường đi lên khi E1VFVN30 được khối ngoại mua ròng mạnh. Khối ngoại giao dịch CCQ ETF E1VFVN30 vẫn chủ yếu thông qua phương thức thỏa thuận với 1.120 tỷ đồng mua ròng.

VCB cũng là cái tên được khối ngoại gom mạnh ngay trong 3 tháng đầu năm với giá trị mua ròng đạt 1.185 tỷ đồng. Các mã HPG, MWG, CTG, VRE hay SSI... cũng nằm trong top mua ròng của khối ngoại sàn HoSE.

Trong khi đó, khối ngoại bán ròng mạnh mã VJC với giá trị đạt 1.388 tỷ đồng. Tiếp đến là DHG và VHM với giá trị bán ròng lần lượt 691 tỷ đồng và 471 tỷ đồng.

Quý I: Khối ngoại sàn HoSE vẫn mua ròng mạnh 5.166 tỷ đồng, bùng nổ giao dịch thỏa thuận - Ảnh 3.

Ở sàn HNX, khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng hơn 127 tỷ đồng (giảm khoảng 89% so với giá trị bán ròng của quý trước), tương ứng khối lượng đạt 11,5 triệu cổ phiếu.

Quý I: Khối ngoại sàn HoSE vẫn mua ròng mạnh 5.166 tỷ đồng, bùng nổ giao dịch thỏa thuận - Ảnh 4.

Khối ngoại sàn HNX tập trung mua ròng mạnh hai mã PVS và CDN, trong đó, PVS được mua ròng mạnh nhất với giá trị dạt 532 tỷ đồng. CDN đứng sau với giá trị là gần 397 tỷ đồng. Giao dịch của khối ngoại đối với CDN chủ yếu được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận vào phiên 22/3. Danh tính tổ chức thực hiện mua 19,83 triệu cổ phiếu CDN (20% vốn) là Wan Hai Lines - một trong những hãng vận tải biển lớn nhất thế giới - thông qua Wan Hai Lines (Singapore) Pte. Ltd.

Trong khi đó, VGC bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị đạt 906,6 tỷ đồng và đa phần lượng bán ra của khối ngoại đối với VGC được thực hiện trong hai phiên 26 và 27/2. Ngay sau đó, Thiết bị điện Gelex là công ty con thuộc sở hữu của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam – Gelex (Mã CK: GEX) thông báo mua vào 27 triệu cổ phiếu VGC (tỷ lệ 6,02% vốn) từ tay nhóm quỹ do Dragon Capital.

Các cổ phiếu bị khối ngoại sàn HNX bán ròng mạnh còn có SHS, NTP, TNG...

Còn tại sàn UPCoM, khối ngoại quay trở lại bán ròng hơn 337 tỷ đồng, tương ứng 34,9 triệu cổ phiếu.

Quý I: Khối ngoại sàn HoSE vẫn mua ròng mạnh 5.166 tỷ đồng, bùng nổ giao dịch thỏa thuận - Ảnh 5.

VTP dứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại trên UPCoM với 230 tỷ đồng. HVN cũng được mua ròng 147,4 tỷ đồng. Trong khi đió, IDC bị bán ròng mạnh nhất với giá trị hơn 608 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch này chủ yếu do nhóm Dragon Capital đã bán thỏa thuận ra bên ngoài trong phiên 22/2. Sau giao dịch này, nhóm quỹ Dragon Capital chỉ còn nắm giữ vỏn vẹn 992 nghìn cổ phiếu IDC, tương ứng tỷ lệ 0,33%.

Tiếp sau đó, BSR vẫn bị khối ngoại bán ròng mạnh với giá trị đạt 139 tỷ đồng.

Theo Bình An

Người đồng hành

Trở lên trên