MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quyền Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng: Đầu tư ra nước ngoài phải có tâm thế như nàng dâu về nhà chồng

Trao đổi với đại diện Facebook, quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết khi tham gia vào thị trường nước ngoài, doanh nghiệp cần đầu tư trước để giúp nước sở tại phát triển, sau đấy mới thực hiện việc kinh doanh.

Cổng Thông tin điện tử bộ TTTT cho biết Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng vừa qua đã có buổi gặp với ông Simon Milner, Phó chủ tịch về Chính sách công tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Facebook, tại trụ sở Bộ.

Một trong những vấn đề trọng tâm được đưa ra là cách thức để sự thịnh vượng của Facebook tại thị trường Việt Nam song hành với sự thịnh vượng chung của của đất nước Việt Nam.

Chia sẻ câu chuyện cá nhân, ông Nguyễn Mạnh Hùng kể rằng khi còn làm ở Viettel, ông luôn tâm niệm khi tiến ra thị trường nước ngoài, phải giống cô dâu về nhà chồng. Nghĩa là cần tiếp nhận, thích nghi với văn hoá, nếp sống hàng ngày của gia đình chồng.

Doanh nghiệp cũng vậy, khi tham gia vào thị trường nước ngoài, cần phải đầu tư trước để giúp nước sở tại phát triển, sau đấy mới thực hiện việc kinh doanh.

"Nếu đất nước Việt Nam thịnh vượng, phát triển nhanh, xã hội ổn định, đó sẽ là môi trường tốt nhất để Facebook có thể phát triển", Quyền Bộ trưởng nói, "thực tế đã chứng minh điều này khi có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang làm ăn rất tốt tại Việt Nam. Facebook là doanh nghiệp đặc biệt do cách làm mới và tuổi đời còn rất trẻ, tuy nhiên điều này cũng không phải là ngoại lệ".

Việt Nam và Facebook cần hình thành một nhóm làm việc chung

Ông Hùng cho biết hiện Bộ TTTT nhận rất nhiều phàn này của các doanh nghiệp trong nước về vấn đề "bảo hộ ngược".

Nghĩa là khi các doanh nghiệp nước ngoài cùng lĩnh vực kinh doanh không tuân thủ quy định pháp luật, nó sẽ tạo ra một môi trường không bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Quyền Bộ trưởng nhận xét, một khi muốn hoạt động kinh doanh lâu dài, chắc chắn Facebook sẽ không muốn sự thiếu công bằng này xảy ra ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Dù là môi trường ảo hay hoạt động ở bất cứ đâu, mạng xã hội cũng liên quan đến văn hoá của từng đất nước. Do đó, bộ quy tắc ứng xử của Facebook trên phạm vi toàn cầu cũng phải tính đến các yếu tố về mặt văn hoá của nước sở tại.

Sự xuất hiện của fake news (tin tức giả mạo) và việc lợi dụng mạng xã hội của các tổ chức khủng bố đã ảnh hưởng rất nhiều đến xã hội. Giống với Google hay YouTube, hiện Facebook và Việt Nam đã hình thành nên một cơ chế phối hợp riêng. Tuy nhiên thực tế thời gian qua cho thấy, kết quả của hình thức hợp tác này vẫn còn hạn chế.

Vì vậy, Quyền Bộ trưởng đề nghị hình thành một nhóm làm việc chung để giải quyết những vấn đề còn tồn tại giữa Facebook và Việt Nam. Đây sẽ là kênh trao đổi thiết thực nhất để hai bên có thể hợp tác với nhau, vì sự phát triển của mỗi bên.

Facebook là "nàng dâu trưởng"

Trước đề nghị này từ lãnh đạo Bộ TT&TT, ông Simon Milner, với tư cách là người có thẩm quyền quyết định, cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để giải quyết triệt để các vấn đề còn tồn tại thông qua việc hình thành nhóm làm việc chung với Việt Nam.

Đại diện Facebook nói rằng ông rất thích hình ảnh nàng dâu về nhà chồng mà Quyền Bộ trưởng TT&TT lấy ví dụ.

Facebook hiện đang làm dâu ở rất nhiều quốc gia. "Ở một số nước chúng tôi chỉ là một trong các nàng dâu, nhưng ở đây chúng tôi là nàng dâu trưởng", vị Phó chủ tịch Facebook cho biết.

Nàng dâu trưởng của Việt Nam có nhiều điểm khác biệt, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ. Thông thường, khi về làm dâu, cô gái đó sẽ phải tôn trọng các yếu tố văn hoá, truyền thống của gia đình nhà chồng, nhưng đối với dâu trưởng, điều này lại càng khắt khe hơn. Nguyên nhân đây là tấm gương cho các nàng dâu đến sau. 

Theo ông Simon Milner, Facebook tạo ra các nhóm làm việc về chính sách nhằm mục đích kết nối với các chính phủ trên toàn cầu. Điều này là để Facebook hiểu rõ hơn mình đã làm đúng ở điểm nào và sai ở đâu. Vị Phó chủ tịch Facebook cho biết ông hiểu một cách sâu sắc và nghiêm túc đối với thông điệp mà Quyền Bộ trưởng đã chia sẻ.

Chia sẻ thêm, Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh Việt Nam đang sở hữu nguồn nhân lực rất tốt về lĩnh vực công nghệ, nếu Facebook tái đầu tư một phần lợi nhuận từ Việt Nam vào lĩnh vực nghiên cứu phát triển sẽ vừa tốt cho Facebook tại thị trường này, vừa hỗ trợ được Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.

Trong cuộc gặp trước đó với đại diện Facebook, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một số yêu cầu đối với Facebook về chặn lọc các thông tin xấu độc. Quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Facebook thực hiện xử lý các yêu cầu này sớm để thể hiện thiện chí với Chính phủ Việt Nam bằng những động thái ban đầu cụ thể.

"Nếu Facebook đến làm ăn kinh doanh và tuân thủ pháp luật, Việt Nam luôn chào đón và sẵn sàng hỗ trợ. Việt Nam và Facebook nên trở thành những người bạn của nhau, vì sự thịnh vượng của cả hai bên", ông khẳng định.

Vũ Hoà

Theo VGP, mic.gov

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên