MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rắc rối lớn nhất của kinh tế Mỹ nằm ở những người như... Warren Buffett

28-06-2017 - 09:13 AM | Tài chính quốc tế

“Vấn đề thực sự, theo tôi chính là những người siêu giàu đã giàu lên nhanh đến mức không thể tin được”, Buffett phát biểu trên PBS Newshour.

Với tài sản ròng lên tới hơn 75 tỷ USD, hiện Warren Buffett là người giàu thứ hai thế giới theo bảng xếp hạng của Forbes. Là CEO của “cỗ máy đầu tư” Berkshire Hathaway, ông còn được mệnh danh là “Nhà tiên tri xứ Omaha”. Buffett được nhiều người ngưỡng mộ vì biệt tài chọn cổ phiếu và những khoản đầu tư xuất sắc đem lại mức lợi nhuận khổng lồ. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn mới nhất ông lại cho rằng những người như ông, nhóm 1% giàu nhất, lại chính là vấn đề mà nước Mỹ cần phải giải quyết để nền kinh tế lớn nhất thế giới tiến lên phía trước.

“Vấn đề thực sự, theo tôi chính là những người siêu giàu đã giàu lên nhanh đến mức không thể tin được”, Buffett phát biểu trên PBS Newshour.

“Nếu quay trở lại năm 1982, khi Forbes lần đầu tiên công bố danh sách 400 người giàu nhất thế giới, tổng tài sản của 400 người này chỉ ở mức 93 tỷ USD. Giờ con số đã lên đến 2.400 tỷ USD, gấp gần 25 lần so với 35 năm trước.

Kể từ sau khi sụp đổ tháng 3/2009, thị trường chứng khoán Mỹ ở trong xu hướng tăng điểm với các chỉ số liên tiếp lập đỉnh mới. Trong khi đó nền kinh tế tăng trưởng gần 2%. Theo Buffett, dù thấp hơn mức 3% mà Tổng thống Donald Trump thường xuyên nhắc đến, đây là 1 con số khỏe mạnh đối với nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của nhiều người dân Mỹ sẽ được cải thiện.

“Đáng lẽ GDP bình quân đầu người sẽ tăng thêm 19.000 USD, tức là thu nhập của 1 gia đình có 4 người sẽ tăng thêm 76.000 USD. Con cái của bạn, cháu của bạn và các thế hệ sau sẽ sống tốt với mức tăng trưởng kinh tế 2%”.

Nhưng nhiều cá nhân lại đang mắc kẹt. “Nền kinh tế diễn biến tốt nhưng không phải mọi người Mỹ đều có thể sống tốt”, Buffett nói. Theo ông, một phần lý do là bởi tự động hóa và cách mạng số hóa đang diễn ra quá nhanh, khiến người lao động Mỹ không thích ứng kịp.

“Chúng ta luôn nhìn thấy thị trường lao động tiến hóa. Năm 1800, cần đến 80% lực lượng lao động mới có thể sản xuất đủ thực phẩm cung cấp cho cả nước. Giờ tỷ lệ giảm xuống mức dưới 3%. Thực tế là con người phải vận động theo những biến đổi của thị trường lao động để có thể thích nghi. Khi nền kinh tế tiến hóa, các nguồn lực sẽ được phân bổ lại. Nhưng nếu như người lao động bị loại khỏi lực lượng lao động vì các kỹ năng của họ không còn hợp thời, xã hội phải có trách nhiệm với họ, đào tạo lại họ để họ có thể quay trở lại”, Buffett nói.

Nền kinh tế hiện nay “không có lợi cho những công nhân thép ở Ohio”, và vấn đề đó phải được giải quyết, Buffett lấy ví dụ.

Buffett có thể trở thành người siêu giàu như ngày hôm nay là nhờ đầu tư vào thị trường chứng khoán – sở thích mà ông đã có từ khi còn rất trẻ. Ông mua cổ phiếu đầu tiên năm 11 tuổi và đã đầu tư được 75 năm. Ông khuyên mọi người cũng nên làm như vậy.

“Họ [người Mỹ] nên tiếp tục mua vào, mua vào và mua vào các cổ phiếu Mỹ. 30, 40 năm nữa, họ sẽ có nhiều tiền”, ông nói.

Để bù đắp sự chênh lệch giàu nghèo mà Buffett tự cho rằng ông đang được hưởng lợi, Buffett và người bạn thân thiết cũng là tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates đã cùng nhau lập ra Giving Pledge, sáng kiến mà theo đó những người tham gia sẽ cam kết cho đi ít nhất một nửa tài sản.

Thu Hương

CNBC

Trở lên trên