MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Reuters: Trung Quốc rút lại hầu hết cam kết đưa ra với Mỹ

08-05-2019 - 17:37 PM | Tài chính quốc tế

Bức điện ngoại giao từ Bắc Kinh tới Washington vào cuối ngày 3/5 gồm những thay đổi có tính hệ thống với gần 150 trang dự thảo thỏa thuận thương mại, động thái có thể xóa bỏ nỗ lực đàm phán nhiều tháng liền giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tài liệu gần 150 trang có lỗ hổng khi Trung Quốc thay đổi, làm xói mòn các yêu cầu then chốt từ Mỹ, Reuters dẫn các nguồn thạo tin nói.

Trong cả 7 chương của dự thảo, Trung Quốc đã xóa các cam kết về thay đổi luật pháp liên quan tài sản trí tuệ, bí mật thương mại, ép buộc chuyển giao công nghệ… – biện pháp nhằm giải quyết căn nguyên khiến Mỹ bắt đầu cuộc chiến thương mại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó phản ứng trên Twitter, thông báo sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 10/5, dọa áp thêm thuế với 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Việc loại bỏ những từ ngữ pháp lý mang tính ràng buộc trong dự thảo đã tác động trực tiếp đến ưu tiên hàng đầu của đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Ông Lighthizer coi việc thay đổi luật pháp Trung Quốc là quan trọng để xác thực những cam kết, sau nhiều năm Washington cho rằng Bắc Kinh chỉ “hứa suông”.

“Điều đó làm xói mòn kiến trúc lõi của thỏa thuận”, một nguồn thạo tin tại Washington nói.

Nhà Trắng, văn phòng đại diện thương mại Mỹ và Bộ Tài chính Mỹ chưa có bình luận.

Reuters: Trung Quốc rút lại hầu hết cam kết đưa ra với Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm nay cho biết giải quyết bất đồng về thương mại là “một quá trình đàm phán” và Trung Quốc “không tránh né các vấn đề”. Ông Cảnh đề nghị chuyển các câu hỏi liên quan sang Bộ Thương mại Trung Quốc.

Một nguồn tin thuộc lĩnh vực tư nhân tiết lộ vòng đàm phán gần đây nhất diễn ra rất tệ bởi “Trung Quốc trở nên tham lam”.

“Trung Quốc rút lui trong hàng chục vấn đề… Đàm phán rất tệ và điều bất ngờ thực sự là phải tới ngày 5/5 ông Trump mới phản ứng. Trung Quốc dường như đang tính toán sai lầm”.

Nhà đầu tư và giới phân tích đặt câu hỏi liệu dòng tweet của ông Trump có phải chiến lược gây sức ép để Trung Quốc nhượng bộ thêm. Các nguồn tin nói việc điều chỉnh văn bản là nghiêm trọng và phản ứng từ ông Trump không phải chiến lược thương lượng.

Phía Trung Quốc nói họ không thể can thiệp vào luật pháp, gọi các thay đổi như yêu cầu là “rất lớn”, một nguồn tin nói.

Theo một quan chức Trung Quốc, sửa luật tại Trung Quốc đòi hỏi một quy trình riêng, không thể triển khai nhanh. Người này cho rằng những yêu cầu từ Mỹ đang ngày càng “khó nghe” và lộ trình hướng đến thỏa thuận ngày càng thu hẹp.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ tới Washington vào ngày 9/5, bắt đầu vòng đàm phán tiếp theo dài hai ngày.

Giới chức Mỹ hiện không có nhiều hy vọng về việc ông Lưu sẽ mang đến những đề nghị giúp tiến trình đàm phán quay lại lộ trình, hai nguồn tin cho biết. Để tránh leo thang căng thẳng, ông Lưu cần hủy bỏ những thay đổi của Trung Quốc và chấp nhận chỉnh sửa luật. Trung Quốc cũng cần nhượng bộ hơn đối với lập trường từ Mỹ.

Theo Reuters

Theo Như Tâm

Người đồng hành

Trở lên trên