MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Reuters: Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình tư nhân hóa

Chính phủ đang hối thúc công tác thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước là tín hiệu lạc quan cho những nhà đầu tư, tổ chức mong muốn đầu tư vào Việt Nam.

Nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn tài chính đã hướng sự quan tâm vào Việt Nam trong 2 thập kỷ gần đây nhằm tìm kiếm cơ hội khi Chính phủ tiến hành thoái vốn tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu thuộc Nhà nước. Tuy nhiên, các tổ chức này đã phải thất vọng khi quá trình này chậm hơn dự kiến.

Đến nay, những tín hiệu lạc quan của quá trình thoái vốn và tư nhân hóa doanh nghiệp mới bắt đầu xuất hiện rõ hơn. Trong nhiều động thái gần đây, Việt Nam đang cho thấy sự nghiêm túc trong việc tư nhân hóa các doanh nghiệp sở hữu Nhà nước.

Tháng trước, Chính phủ đã công bố kế hoạch bán 54% vốn tại Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB), trị giá khoảng 5 tỷ USD. Kế hoạch từ bỏ quyền kiểm soát tại doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam là một bước đi táo bạo và đổi mới.

Những quy tắc bán vốn Nhà nước sẽ được thay đổi vào năm tới, trong đó có việc giới thiệu phương thức 'dựng sổ' trong chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) và giảm bớt những quy tắc hạn chế cho các đối tác chiến lược.

Việt Nam đang phải đẩy mạnh quá trình tư nhân hóa trong bối cảnh bức tranh tài chính xấu đi bao gồm việc thâm hụt ngân sách và nợ công đang gia tăng, ở thời điểm cần dành nhiều tiền để phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia.

Quá trình bán cổ phần và niêm yết doanh nghiệp đang bùng nổ. Vincom Retail đã niêm yết cổ phần trị giá 741 triệu USD vào tháng trước và là thương vụ IPO lớn nhất Việt Nam, thu hút sự quan tâm của nhiều quỹ đầu tư lớn từ Singapore và Mỹ như Franklin Templeton, Singapore GIC.

Trong năm tới, Chính phủ lên kế hoạch đấu giá bán cổ phần 181 doanh nghiệp Nhà nước cho nhà đầu tư và hơn 64 doanh nghiệp khác sẽ chào bán qua IPO. Đến năm 2020, cơ quan quản lý đã đặt mục tiêu bán vốn sở hữu tại ít nhất 553 doanh nghiệp thông qua chào bán trực tiếp hoặc IPO.

Danh sách này không bao gồm những doanh nghiệp dự kiến sẽ bán vốn trong năm 2017 nhưng chưa thực hiện trong năm nay. Theo số liệu mới nhất, trong 8 tháng đầu năm, Nhà nước đã thoái vốn tại 26/135 doanh nghiệp có kế hoạch thoái vốn. 44 thương vụ IPO khác có thể sẽ lỡ hẹn và chỉ có 38 thương vụ IPO được dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay, một quan chức cho biết.

“Có rất nhiều quỹ đầu tư, quản lý quỹ, nhà đầu tư và các tổ chức khác muốn rót vốn vào những thị trường mới nổi, thị trường cận biên như Việt Nam” Jeffrey Perlman, phụ trách khu vực Đông Nam Á của Warburg Pincus – đơn vị từng đầu tư vào Vincom Retail, chia sẻ.

Ông Perlman cũng nói thêm, nếu nhà chức trách có thể cung cấp một phương án bán vốn mạch lạc và minh bạch, các tổ chức nước ngoài sẽ muốn tham gia vào thị trường.

Nền kinh tế khỏe mạnh và thị trường chứng khoán sôi động của Việt Nam đang dần nâng cao sức hấp dẫn. Theo thống kê, VN-Index đã tăng 42% kể từ đầu năm, mức cao nhất trong 1 thập kỷ và trở thành thị trường tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

Tháng trước, đợt chào bán cổ phần của CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM. VInamilk) đã diễn ra rất thành công. Một năm trước, kế hoạch bán 9% vốn của Vinamilk đã bị cắt giảm mạnh vào phút chót do quy tắc mỗi nhà đầu tư đơn lẻ chỉ được mua tối đa 2,7% vốn.

Tháng 11 năm nay, đợt chào bán cổ phần đã thu hút được sự quan tâm của 19 nhà đầu tư và tổ chức trúng giá là một công ty thành viên của tập đoàn Jardine Matheson từ Hong Kong. Tổ chức này sau đó đã nâng sở hữu tại Vinamilk lên 10% vốn điều lệ.

Theo Phan Tùng

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên