MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rời bỏ công ty cũ nhưng đừng quên đồng nghiệp chính là “tài sản quý giá” mà chúng ta có được: Một lời tạm biệt thôi cũng đủ để níu giữ các mối quan hệ

08-04-2019 - 15:22 PM | Sống

Đừng vì một phút bồng bột mà đánh mất đi những mối quan hệ quý giá mà bạn cần nhiều năm để gây dựng. Biết đâu bất ngờ, trong tương lai, những đồng nghiệp cũ lại trở thành đối tác hoặc mở ra cho bạn cơ hội công việc cũng như kinh doanh mới.

Henry Ford, người sáng lập Công ty Ford Motor: “Đến với nhau là một sự khởi đầu. Giữ được nhau là sự tiến triển. Làm việc cùng nhau là sự thành công”. Do đó, dù bạn có chuyển sang một công việc tốt hơn hay bị sa thải thì việc để lại một lời chia tay cho đồng nghiệp là điều vô cùng cần thiết. Bạn không thể biết được một lúc nào đó, bạn sẽ cần đến họ trong chặng đường tiếp theo của cuộc đời.

Đây là ấn tượng cuối cùng bạn sẽ để lại cho đồng nghiệp của mình, vì vậy hãy biến nó thành một ấn tượng tốt. "Những người bạn làm việc cùng là những kết nối với bạn trong tương lai. Đừng lãng quên họ", Patricia Rossi, tác giả của cuốn sách "Nghi thức xã giao hàng ngày" nói.

Rời bỏ công ty cũ nhưng đừng quên đồng nghiệp chính là “tài sản quý giá” mà chúng ta có được: Một lời tạm biệt thôi cũng đủ để níu giữ các mối quan hệ - Ảnh 1.

Trước khi rời công ty cũ hãy nói lời chia tay với đồng nghiệp

Thể hiện sự chân thành nhưng ngắn gọn

"Yếu tố quan trọng của lời chia tay nằm ở sự chân thành và nội dung ngắn gọn", Rossi nói. Bạn muốn tôn vinh nơi bạn đã làm việc. Rắc một vài hồi ức tích cực về các dự án thành công mọi người cùng gây dựng hoặc những kỷ niệm văn phòng vui vẻ. Nhưng đây không phải là nơi để bạn kể lể về lộ trình chi tiết toàn bộ sự nghiệp của bạn tại công ty.

Mary Abbajay, chủ tịch của công ty tư vấn quản lý kinh doanh Careerstone Group cho biết: "Không ai muốn hoặc có thời gian để đọc lời độc thoại của bạn về thời gian tuyệt vời của bạn như thế nào đâu".

Duy trì liên lạc với đồng nghiệp

Nếu bạn có thể, hãy đưa ra một số gợi ý nhỏ về động thái tiếp theo của bạn để tránh bất kỳ tin đồn hoặc suy đoán nào xảy ra.

Bạn không cần phải cung cấp chi tiết cụ thể như tên giám đốc mới của bạn. Bạn có thể nói chung hơn bằng cách: "Tôi đã có cơ hội cho một công việc tư vấn dài hạn, tôi đã chấp nhận thách thức bản thân mình và tôi thực sự rất phấn khích về điều đó", Rossi gợi ý. Hãy chắc chắn bao gồm thông tin liên lạc của bạn ở cuối lời tạm biệt.

"Đồng nghiệp của bạn là tài sản lớn nhất đối với sự nghiệp của bạn", Abbajay nói. "Điều cực kỳ quan trọng để duy trì các mối quan hệ. Bạn không bao giờ biết khi nào bạn sẽ cần họ hoặc họ sẽ cần bạn".

Tỉ mỉ trong việc viết lời tạm biệt

Nếu bạn đang gửi "lời tạm biệt" cho một nhóm lớn, sử dụng tùy chọn BCC khi gửi email - bản sao mù cho phép người gửi tin nhắn che giấu người được nhập vào trường Bcc: từ những người nhận khác. Điều này sẽ giúp tránh mọi tình huống "trả lời tất cả" một cách tình cờ và bảo vệ quyền riêng tư của người nhận mail.

Thời điểm gửi lời tạm biệt hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Gửi một ngày trước ngày làm việc cuối cùng của bạn có thể khiến bạn khó hoàn thành công việc. Việc mọi người dừng lại để chúc bạn may mắn sẽ tạo ra một số tương tác khó xử, nếu bạn tiếp tục gặp gỡ những người đã nói lời tạm biệt trước đó.

Nhiều người chọn gửi lời tạm biệt ngay trước khi họ rời công ty, nhưng điều đó có nghĩa là bạn có thể bỏ lỡ bất kỳ câu trả lời nào nếu bạn không còn quyền truy cập vào email công ty của mình nữa. Bạn có thể gửi từ email cá nhân của mình, nhưng có nguy cơ nó có thể nằm trong mục thư rác của mọi người. Thêm tên của bạn trong dòng chủ đề có thể tránh việc bị lờ đi, Abbajay khuyến nghị.

"Email gửi đến đồng nghiệp của mình cũng phải khiến họ thấy được sự chuyên nghiệp của bạn".

Bày tỏ lòng biết ơn

Bạn nên gửi cho những người đã giúp đỡ rất nhiều trong sự nghiệp của bạn một "lời tạm biệt đặc biệt". Hãy đặt hết tâm huyết của mình vào đó để cho họ thấy được sự chân thành ở bạn.

Kate Zabriskie, chủ tịch của Business Training Works cho biết: "Những lời mà bạn viết phải có ý nghĩa và chân thành - cụ thể hơn, bạn có thể bày tỏ thêm những cảm xúc và suy nghĩ của mình vào đó".

Đừng quên luôn quan tâm đến đồng nghiệp cũ

Hãy nhớ rằng duy trì các mối quan hệ là một con đường hai chiều. Khi bạn đã ổn định với công việc mới, hãy liên hệ với các đồng nghiệp của bạn để cập nhật tình hình của họ và cũng như cho họ biết cuộc sống của bạn thay đổi như thế nào.

Rời bỏ công ty cũ nhưng đừng quên đồng nghiệp chính là “tài sản quý giá” mà chúng ta có được: Một lời tạm biệt thôi cũng đủ để níu giữ các mối quan hệ - Ảnh 2.

Hầu hết công ty nào cũng có rất nhiều thông tin khác nhau về nhân viên của họ, vì vậy đó chính là cơ hội tốt để bạn có thể liên lạc với đồng nghiệp của mình.

Duy trì thái độ tích cực

Cho dù bạn bị sa thải bạn vẫn nên gửi một lời tạm biệt. Nhưng Zabriskie đề nghị không đề cập đến những thứ buồn bã ở trong đó. Một email ngắn gọn với dòng chữ: "Tôi rất thích làm việc với tất cả mọi người và tôi mong muốn chúng ta có thể giữ liên lạc khi tôi chuyển sang làm việc ở nơi khác", là đủ để bạn có thể giữ vững được mối quan hệ với đồng nghiệp cũ của mình.

Hãy dẹp ngay những suy nghĩ như bóc mẽ sếp của mình hay biện luận cho lý do tại sao bạn lại bị sa thải. Điều này sẽ không làm cho hình ảnh của bạn trước lúc đi trở nên đẹp hơn trong mắt đồng nghiệp đâu.

"Điều quan trọng là bạn nên kết thúc bằng cách để lại ấn tượng với nhân phẩm và sự chuyên nghiệp của mình. Rất nhiều người đưa ra sự lựa chọn tồi tệ và họ đã tuột mất cơ hội của chính mình", Zabriskie nói.

Hải Anh

CNN

Trở lên trên