MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rộn ràng đơn hàng xuất khẩu đầu xuân

Bất chấp tình hình khó khăn những ngày đầu Tết Nguyên đán nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đã ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu.

Vừa hết những ngày nghỉ tết, công nhân cơ sở mây tre lá Minh Thùy (H. Củ Chi, TPHCM) đã tất bật làm hàng để kịp giao cho đối tác Đài Loan trong tháng 2. Bà Võ Thị Thủy – chủ cơ sở khoe: “Mới đầu năm, chúng tôi đã trúng đơn hàng lớn trị giá hàng chục tỷ đồng của đối tác nước ngoài nên phấn khởi lắm. Trước đây, chúng tôi cũng xuất sang nước ngoài nhưng thông qua đơn vị trung gian, nay làm hàng xuất đi trực tiếp luôn. Hiện, đối tác đã tạm ứng trước 70% giá trị đơn hàng. Nếu làm ăn thuận lợi, thời gian tới chúng tôi sẽ có nhiều đơn hàng xuất khẩu dài hạn hơn”.

Tấp nập đơn hàng

Cũng có nhiều đơn hàng ngay trong những ngày đầu năm, Công ty cổ phần May Sài Gòn cho biết, kế hoạch năm 2017 là tăng tổng doanh thu lên 2.000 tỷ đồng. Đây cũng là cơ sở để nâng mức tổng doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng vào năm 2018. Ngay từ đầu năm 2017, công ty đã đẩy mạnh tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường và bước đầu gặt hái kết quả. Chỉ tính riêng tháng 1, công ty đã xuất khẩu đơn hàng trị giá gần 6 tỷ USD. Tháng 2 này, May Sài Gòn sẽ xuất khẩu số hàng trị giá khoảng 4 tỷ USD. Ông Lê Quang Hùng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn nhấn mạnh: “Dù hiện tại là thời điểm thấp điểm xuất khẩu của hàng dệt may (cao điểm thường rơi vào sáu tháng cuối năm), nhưng năm nay, những tín hiệu tích cực từ đơn hàng xuất khẩu đầu năm, cho thấy diễn biến thị trường có những thuận lợi nhất định. Hiện châu Âu và Mỹ vẫn là thị trường chính của DN dệt may Việt Nam”.

DN trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm từ nhựa, inox cũng có những bước khởi sắc. Như Công ty CP Thương mại và Sản xuất Toàn An Khánh đã có đơn hàng xuất khẩu sang Nhật Bản đến hết năm 2018 với giá trị hơn 12 triệu USD cho sản phẩm inox; Công ty Thái Sơn Nam cũng vừa ký được đơn hàng bao bì nhựa xuất khẩu vào thị trường EU trị giá 17 triệu USD, cao hơn năm 2016. Bên cạnh đó, Thái Sơn Nam còn đang trong giai đoạn đàm phán nhiều hợp đồng khác, kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá trong 6 tháng cao điểm cuối năm. Riêng thị trường Nhật Bản, tổng giá trị đơn hàng xuất năm 2017 đạt khoảng 5 triệu USD, tăng gần 40% so với năm 2016.

Mới đây nhất, Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính cho biết, đầu năm 2017, ngành gạo đón tin mừng khi Philippines đã mua hơn 53.000 tấn gạo từ Thái Lan và Việt Nam nhằm gia tăng khối lượng dự trữ. Trong vài tuần tới, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) sẽ cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu cho giới thương lái để nhập thêm gạo từ Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Ấn Độ. Đồng thời, bản thỏa thuận thương mại gạo giữa Việt Nam và Philippines năm 2010 đã chính thức được gia hạn tới năm 2018. Theo đó, Việt Nam sẽ cung cấp tới 1,5 triệu tấn gạo/năm cho Philippines.

Đẩy mạnh thị trường xuất khẩu

Mặc dù có nhiều đơn hàng nhưng theo nhiều DN, giá trị xuất khẩu mang lại chưa được như kỳ vọng. Nguyên nhân do có sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ của Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia... Trong khi đó, rất nhiều chi phí đầu vào tăng hơn so với năm 2016 đang làm cho lợi nhuận của không ít DN giảm đáng kể. Theo các chuyên gia kinh tế, đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các DN trong nước và những nước tương đồng với ta về các mặt hàng xuất khẩu ở những thị trường đầy tiềm năng như Hoa Kỳ, Nhật Bản... Trong khi đó những rào cản về kỹ thuật, thương mại, xuất xứ nguyên phụ liệu... cũng đang làm đau đầu không ít DN, đặc biệt những DN nhỏ, chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó.

Để giải bài toán bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2017 và các năm tiếp theo, các chuyên gia cho rằng, DN cần xác định lại định hướng tăng trưởng của các ngành hàng. Thay vì chạy theo số lượng, sản lượng thì phải hướng tới chất lượng và giá trị gia tăng để hàng xuất khẩu đạt mức giá cao khi tham gia thị trường thế giới. Đơn cử như với mặt hàng gạo, ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đề xuất giảm lượng gạo xuất khẩu thời gian tới xuống từ 2 - 3 triệu tấn/năm, thay vì 7 - 8 triệu tấn như hiện nay. “Thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc cũng đang đưa ra nhiều chính sách kiểm soát chất lượng theo đường chính ngạch và hạn chế đường tiểu ngạch. Trong khi đó, nhu cầu thị trường thế giới là gạo chất lượng cao, giá cạnh tranh; lượng gạo hàng hóa còn thừa so với xuất khẩu trong 4 năm qua, từ 2013-2016 đang ở mức 1,5 - 2,2 triệu tấn. Do đó, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng với giá thành cạnh tranh. Cân đối sản lượng lúa gạo hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu” - ông Huỳnh Thế Năng nói.

Đối với thủy sản, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, xuất khẩu thủy sản năm 2017, nhất là với những mặt hàng chủ lực như cá tra, tôm… thay vì tập trung vào sản lượng, cần tập trung vào phân khúc chất lượng cao, cung cấp vào nhà hàng để có giá bán tốt.

Chuyên gia kinh tế Đoàn Đình Hoàng cho rằng, ngoài những thị trường truyền thống như Mỹ, EU, những khu vực mới như thị trường Á - Âu cũng đang là tâm điểm thu hút sự quan tâm của nhiều DN nội. Hàng Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này có khả năng cạnh tranh cao do được hưởng mức thuế ưu đãi với hơn 90% dòng thuế về 0%. Bên cạnh đó, cần tận dụng tốt những thế mạnh của hàng Việt và chủ động khai thác những thị trường mới mà Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do.

Năm 2017, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn sẽ áp dụng thủ tục trực tuyến đối với container hàng xuất đi tại cảng Cát Lái, nhằm chống ùn tắc giao thông trên các tuyến đường dẫn vào cảng và cắt giảm thời gian, chi phí cho DN XNK.

Theo Uyên Phương

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên