MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sa mạc Atacama: Nơi được ví như "Sao Hỏa của Trái đất" biến thành bãi rác khổng lồ minh chứng cho sự dư thừa của nhân loại

03-12-2022 - 11:06 AM | Tài chính quốc tế

Vùng đất màu nâu cam, khô cằn, đồi núi gồ ghề ấy giờ đây đang bị vùi lấp dần bởi những núi quần áo, giày dép, lốp xe phế thải, ô tô cũ hỏng...

Sa mạc Atacama từ lâu đã được nhắc đến với cái tên "Sao Hỏa của Trái Đất" bởi địa hình khô cằn, gồ ghề từng được xác nhận là bản sao của sao Hỏa. Sa mạc xa xôi hoang vắng trải dài hơn 1.600km ở nửa phía bắc của đất nước Chile này là nơi khô hạn nhất trên hành tinh xanh với những khu vực vài chục năm mới có mưa một lần.

Ông Brian Glass, người phụ trách một nghiên cứu thử nghiệm của NASA ở sa mạc Atacama, đã phát biểu rằng: ''Ví dụ bạn bị ngã, tay va vào một hòn đá nhưng bạn không cần phải lo nhiễm trùng bởi ở đó mầm bệnh cũng không thể tồn tại''.

Sa mạc Atacama: Nơi được ví như Sao Hỏa của Trái đất biến thành bãi rác khổng lồ minh chứng cho sự dư thừa của nhân loại - Ảnh 1.

Sa mạc Atacama nằm giữa dãy núi Andes và Bờ biển Chile, nơi ngăn hơi ẩm di chuyển vào đất liền từ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Atacama rộng 100.000 km2 là sa mạc khô cằn của thế giới trong 8 triệu năm qua.

Khắc nghiệt đến mức không có người ở nhưng Atacama vẫn luôn mang vẻ đẹp hoang vắng độc nhất vô nhị.

Vậy mà, vùng đất màu nâu cam, khô cằn, đồi núi gồ ghề ấy giờ đây đang bị vùi lấp dần bởi những núi quần áo, giày dép, lốp xe phế thải, ô tô cũ hỏng... Chúng là những minh chứng hùng hồn cho sự dư thừa của nhân loại.

Sa mạc Atacama: Nơi được ví như Sao Hỏa của Trái đất biến thành bãi rác khổng lồ minh chứng cho sự dư thừa của nhân loại - Ảnh 2.

Rác thải từ khắp nơi trên thế giới hiện đang vùi dập hệ sinh thái mong manh ở sa mạc Atacama.

Những con số đau lòng

Mỗi năm, người ta ước tính có khoảng 39.000 tấn quần áo cũ được mang từ các quốc gia giàu có trên thế giới đến Atacama. Đó là kết quả của chứng nghiện "thời trang nhanh". Chỉ tính riêng năm 2021, đã có tới 46.000 tấn quần áo hỏng từ Mỹ, châu Âu và châu Á đổ về sa mạc Atacama.

Không chỉ có thế, những chiếc ô tô cũ hỏng, lốp xe, giày dép cũng chất đống thành từng mớ hỗn độn ngổn ngang khắp nơi.

Theo con số do Daily Mail thu thập, nước Anh vứt bỏ khoảng 13 triệu bộ quần áo mỗi tuần. Và theo tổ chức từ thiện WRAP (của Anh), 70% quần áo đã qua sử dụng của nước này đều được đưa ra nước ngoài, khiến Vương quốc Anh trở thành nước xuất khẩu quần áo đã qua sử dụng lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ.

Cứ mỗi giây, một xe rác chở đầy quần áo bỏ đi được đưa vào bãi rác ở Atacama, nơi chúng có thể tồn tại trong 200 năm và đương nhiên, chúng sẽ phá hủy môi trường.

Patricio Ferreira, thị trưởng thị trấn sa mạc Alto Hospicio, nói: "Chúng tôi không chỉ là bãi rác địa phương, mà tệ hơn, còn là bãi rác thế giới nữa".

"Vật liệu này rất dễ cháy. Các đám cháy rất độc hại", Luật sư đồng thời là nhà hoạt động Paulin Silva, 34 tuổi, người đã đệ đơn khiếu nại lên tòa án môi trường của Chile về ảnh hưởng do rác thải và quần áo cũ gây ra, nói khi đứng giữa đống rác thải chất cao như núi.

"Đối với tôi, có vẻ như chúng ta cần phải tìm ra những người chịu trách nhiệm", Paulin nói. Cô cho khẳng định, "chúng nguy hiểm, rủi ro về môi trường, gây hại cho sức khỏe của con người".

Sa mạc Atacama: Nơi được ví như Sao Hỏa của Trái đất biến thành bãi rác khổng lồ minh chứng cho sự dư thừa của nhân loại - Ảnh 3.

Theo Daily Mail, nhiều mặt hàng được sản xuất tại Bangladesh hoặc Trung Quốc, sau đó được đưa đến Western High Streets và các nhà kho, thường được bán với giá chỉ vài bảng Anh. Khi người dân sử dụng xong và ném chúng đi, chúng sẽ tiếp tục hành trình đến Iquique và các thành phố cảng khác ở những nơi bao gồm Ghana, Ấn Độ và Đông Âu.

Orsola de Castro, người đồng sáng lập của nhóm phi lợi nhuận Fashion Revolution, cho biết: "Chúng ta ném bỏ đồ đạc cũ hỏng đến bãi rác và đó là sân sau của người khác. Trước đây, chất thải dệt may sẽ được sửa chữa và tái sử dụng trước khi một vài mảnh vụn cuối cùng bị vứt đi, nhưng giờ thì chẳng ai thèm làm thế".

Sa mạc Atacama: Nơi được ví như Sao Hỏa của Trái đất biến thành bãi rác khổng lồ minh chứng cho sự dư thừa của nhân loại - Ảnh 4.

Còn ô tô cũ hỏng, từng "núi xe" như thế tràn vào Chile thông qua khu thương mại tự do. Nhiều chiếc xuất khẩu sang Peru, Bolivia hay Paraguay, trong khi những chiếc khác cuối cùng bị vứt bỏ ở các "nghĩa địa xe" rộng cả km trong sa mạc Atacama. Lốp xe phế thải cũng nằm rải rác ở đây.

Thị trưởng Patricio Ferreira phàn nàn về sự "thiếu nhận thức toàn cầu, thiếu trách nhiệm đạo đức cũng như ý thức bảo vệ môi trường" trên khắp thế giới. "Chúng tôi cảm thấy bị bỏ rơi, đất đai của chúng tôi bị hy sinh".

Carmen Serrano, giám đốc của Tổ chức phi chính phủ (NGO) Endemic Roots, tuyên bố hầu hết mọi người coi Atacama không hơn gì "những ngọn đồi trọc" nơi họ có thể "khai thác tài nguyên hoặc lấp đầy túi của mình".

Sa mạc Atacama: Nơi được ví như Sao Hỏa của Trái đất biến thành bãi rác khổng lồ minh chứng cho sự dư thừa của nhân loại - Ảnh 5.

Những hệ quả đã thấy ngay trước mắt và nỗ lực cứu vãn tình hình

Theo báo cáo của địa phương, mỗi năm người ta lại đốt quần áo cũ một lần. Nhưng cho dù quần áo bị đốt cháy hay bị chôn vùi trong cát, hậu quả tác động đến môi trường vẫn rất nghiêm trọng.

Nhiều loại vải thời trang không thể phân hủy và ngay cả các loại vải tự nhiên như bông thường được xử lý bằng thuốc nhuộm hóa học. Khói độc từ việc đốt quần áo như vậy gây ô nhiễm cả không khí và mặt đất. Vào năm 2020, một báo cáo của Nghị viện Châu Âu cho biết chất thải dệt may chịu trách nhiệm cho 10% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, cũng như giải phóng nửa triệu tấn sợi nhỏ vào đại dương mỗi năm.

Mặc dù có địa hình vô cùng khắc nghiệt, nhưng Atacama là nơi sinh sống của nhiều loài địa y, nấm và tảo, cũng như hàng chục loài hoa dại có màu sắc rực rỡ thường nở hoa từ 5 đến 7 năm một lần.

Pablo Guerrero, nhà nghiên cứu tại Viện Sinh thái và Đa dạng sinh học, đồng thời là chuyên gia về xương rồng sa mạc, cho biết: “Đó là một hệ sinh thái rất mong manh, bởi vì bất kỳ sự thay đổi hoặc giảm sút nào trong lượng mưa và sương mù đều gây ra hậu quả ngay lập tức đối với loài này.

Có những loài xương rồng bị coi là tuyệt chủng do ô nhiễm, biến đổi khí hậu và sự định cư của con người. Thật không may, đó là điều mà chúng ta đang chứng kiến trên quy mô lớn".

Sa mạc Atacama: Nơi được ví như Sao Hỏa của Trái đất biến thành bãi rác khổng lồ minh chứng cho sự dư thừa của nhân loại - Ảnh 6.

Chile gần đây đã ký tổng cộng 32 sắc lệnh hạn chế khan hiếm nước ở 7 khu vực nhằm đối phó với tình trạng hạn hán đang diễn ra ảnh hưởng đến quốc gia này.

Các nghị định cung cấp cho các cơ quan chức năng nhiều biện pháp khác nhau để giảm tác động của hạn hán và trao quyền cho Tổng cục Nước Chile (DGA) thiết lập các giới hạn về khai thác nước đối với những người được cấp phép.

Ngành công nghiệp khai thác mỏ của Chile đang cố gắng chuyển sang sử dụng nước khử muối vì phần lớn sản lượng đồng của nước này được khai thác ở các vùng khô hạn Antofagasta, cũng như các vùng O'Higgins, Atacama, Valparaiso và Tarapaca.

Nguồn: Daily Mail, Express

Theo Minh Nhật

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên