MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Sặc" với bia Hà Nội - Cổ phiếu bluechip nhưng giao dịch như "hàng nóng"

Trong phiên 22/12, cổ phiếu BHN sau khi tăng trần lên 169.200 đồng ngay khi mở cửa đã đảo chiều giảm sàn xuống 125.200 đồng vào giữa buổi sáng. Về cuối phiên giao dịch, BHN bất ngờ quay trở về giá tham chiếu 147.200 đồng.

Lên sàn UPCoM từ cuối tháng 10, cổ phiếu Habeco (BHN) đã mau chóng trở thành một trong những cái tên nóng nhất thị trường. Chỉ sau chưa đầy 2 tháng giao dịch, BHN đã tăng gần 4 lần từ mức giá 39.000 đồng lên 147.200 đồng (phiên 22/12) và có thể nói BHN là một trong những cổ phiếu tăng mạnh nhất TTCK trong cùng khoảng thời gian.

Không chỉ có mức tăng trưởng ấn tượng, cổ phiếu BHN còn gây chú ý với biến động “dị thường” khiến nhà đầu tư khó có thể dự đoán. Tiêu biểu là trong phiên 22/12, cổ phiếu BHN sau khi tăng trần lên 169.200 đồng ngay khi mở cửa đã đảo chiều giảm sàn xuống 125.200 đồng vào giữa buổi sáng. Về cuối phiên giao dịch, BHN bất ngờ quay trở về giá tham chiếu 147.200 đồng.

Biến động bất thường của BHN không chỉ trong phiên 22/12 mà đã xuất hiện trong khá nhiều lần kể từ khi lên sàn. Trong đó, phiên giao dịch 7/12, BHN cũng từng giảm sàn xuống 88.100 đồng trước khi quay đầu tăng gần kịch trần lên trên 116.000 đồng, tương ứng mức biến động hơn 30% chỉ trong 1 phiên giao dịch.

Trên một diễn đàn về tài chính, chứng khoán, không ít nhà đầu tư đã cho rằng: “Cổ phiếu BHN mặc dù là Bluechips nhưng giao dịch không khác gì hàng penny”.

Tất nhiên, những biến động bất thường của BHN thời gian qua có nguyên nhân lớn từ việc cổ phiếu lưu hành tự do là khá ít, dẫn tới biến động giá khó kiểm soát. Ngoài ra, biên độ giao dịch trên UPCoM lên tới 15%, lớn hơn nhiều so với HNX (10%), HoSE (7%) và điều này có thể mang lại lợi nhuận rất lớn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư.


Trong phiên 22/12, cổ phiếu BHN giao dịch đủ tại các mức giá trần, sàn, tham chiếu

Trong phiên 22/12, cổ phiếu BHN giao dịch đủ tại các mức giá trần, sàn, tham chiếu

Cách đây không lâu, ông Tayfun Uner - Tổng giám đốc Carlsberg Việt Nam đã cho rằng mức giá BHN trên sàn chứng khoán không phản ánh chính xác giá trị của doanh nghiệp khi thị phần bia Habeco đã tụt xuống vị trí thứ 3. Ông Tayfun Uner cũng nhận định mức giá hợp lý của BHN chỉ là 48.000 đồng/cp.

Tuy nhiên, quan điểm của ông Tayfun Uner đã nhận phải nhiều phản ứng trái chiều từ thị trường bởi tại mức giá 48.000 đồng nói trên, chỉ số định giá P/E của Habeco là 16 lần – thấp hơn rất nhiều so với P/E trung bình của các doanh nghiệp bia trên thế giới (theo thống kê của Bloomberg, con số này là 52,32), thậm chí thấp hơn định giá đối với Habeco của các CTCK trong nước (P/E trên 20 lần).

Hiện tại, Carlsberg đang nắm giữ 17,23% vốn của Habeco và được quyền ưu tiên mua khi Nhà nước thoái vốn. Do đó, không ít ý kiến cho rằng đại diện Carlsberg đang muốn “dìm” Habeco để mua được giá rẻ.


Diễn biến giao dịch BHN kể từ khi lên sàn tới nay

Diễn biến giao dịch BHN kể từ khi lên sàn tới nay

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên