MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sách tiếng Việt cho trẻ lớp 1 có nhiều vấn đề sai lệch, phản cảm và sự phản biện của người trong cuộc

11-09-2018 - 14:10 PM | Sống

Dưới đây là phản biện cá nhân một phụ huynh có con học lớp 1 dựa trên cơ sở tổng hợp, thu thập các thông tin chính thống, nhằm cung cấp thêm cái nhìn đa chiều cho những ai quan tâm và không có ý "lên lớp".

Liên quan đến phương pháp dạy trẻ theo mô hình "vuông, tròn, tam giác" trong sách "Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục" (sau đây viết tắt là TV1- CNGD): Những ngày qua, hàng loạt bài báo, video clip của các báo, đài phân tích khá rõ thực chất phương pháp học đó là như thế nào. Sau các thông tin trên, có thể nói dư luận cơ bản đã "thông" ở vấn đề phương pháp dạy (thực tế phương pháp này đã được các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản áp dụng từ lâu).

Tuy nhiên, sau những ngày "yên ả" về "phương pháp dạy", cộng đồng mạng lại tiếp tục dậy sóng với các thông tin chỉ trích một số nội dung trong sách TV1- CNGD phản cảm, dùng quá nhiều từ địa phương; có những bài đọc trong sách dạy trẻ những thói hư tật xấu, "mánh khóe, khôn lỏi"; thậm chí còn cho rằng sách có các nội dung sai lệch như "in cờ Trung Quốc, bài toán chặt ngón tay, bé An dũng cảm đi qua thảm thủy tinh"… Hiện bản chất vấn đề này ra sao các cơ quan báo, đài vẫn ít đề cập đến.

Vậy thực chất nội dung cuốn sách trên có những hạn chế như dư luận đề cập không?

1. Về các thông tin, hình ảnh cho rằng sách có nội dung phản cảm, sai lệch như in cờ Trung Quốc, "con dơi" ghi sai thành "con rơi", bài toán chặt ngón tay, bé An dũng cảm đi qua thảm thủy tinh…

 Sách tiếng Việt cho trẻ lớp 1 có nhiều vấn đề sai lệch, phản cảm và sự phản biện của người trong cuộc - Ảnh 1.
 Sách tiếng Việt cho trẻ lớp 1 có nhiều vấn đề sai lệch, phản cảm và sự phản biện của người trong cuộc - Ảnh 2.

Trước khi bàn về vấn đề này hãy lưu ý: Tên gọi chính xác của sách TV1- CNGD là "Tài liệu Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục" do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành. Hiện tại ngoài bộ sách trên, các đầu sách dành cho học sinh lớp 1 có rất nhiều như sách tham khảo, sách kỹ năng, sách đọc thêm, sách luyện tập… do các nhà xuất bản khác nhau phát hành.

Qua tìm hiểu, có thể thấy tất cả các nội dung sai lệch như sách in cờ Trung Quốc, "con dơi" ghi sai thành "con rơi", bài toán chặt ngón tay, bé An dũng cảm đi qua thủy tinh… từng in trong một số sách nhưng đó hoàn toàn không phải sách TV1- CNGD.

Ví dụ: Nội dung bài toán "Em có 5 ngón tay, em chặt bớt 2 ngón, hỏi còn mấy ngón?" từng in tại cuốn sách có ghi tác giả "Hoàng Long", in logo "Nhà xuất bản Trẻ". Nội dung sách có hình cờ Trung Quốc được in tại cuốn "Bé làm quen với chữ cái (hành trang cho bé chuẩn bị vào lớp 1)" đề tên NXB Đại Học Sư Phạm phát hành.

 Sách tiếng Việt cho trẻ lớp 1 có nhiều vấn đề sai lệch, phản cảm và sự phản biện của người trong cuộc - Ảnh 3.

Bài toán khiến nhiều dân mạng bàn tán xôn xao

Nội dung in sai "con dơi" thành "con rơi" được in trong cuốn "Luyện nét", không phải do Bộ Giáo dục phát hành. Nội dung "bé An dũng cảm đi qua thảm thủy tinh" (hiện bị một số đối tượng photoshop xuyên tạc) từng in trong cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống" đề tên "NXB Giáo dục Việt Nam" ấn hành.

Các cuốn sách trên đều đã bị thu hồi, chỉnh sửa nội dung sai lệch. Tuy nhiên khẳng định lại: Các cuốn sách trên không liên quan đến sách TV1-CNGD. Sách CNGD in cờ là cờ Việt Nam, "con dơi" là "con dơi", trong sách không có nội dung "chặt ngón tay" hay "bé An đi qua thảm thủy tinh"!

2. Về thông tin cho rằng sách sử dụng quá nhiều ngôn ngữ địa phương, vùng miền hoặc không có nghĩa như "quện nhau, quằn quặn, gà qué, con ĩ, quả chấp, bé huơ..."

Quan điểm của tài liệu TV1- CNGD: Khi học sinh mới bắt đầu học tiếng Việt lớp 1 là "chân không về nghĩa". Giai đoạn này học sinh lớp 1 mới bắt đầu học âm, vần, đọc từ; các em chưa thể nhận biết nghĩa của từ do vậy cơ bản giáo viên chưa giải thích nghĩa từ ngữ cho học sinh.

Cuốn sách hướng đến 3 mục tiêu: đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không bao giờ tái mù (nếu nghe được thì nhắc lại được, viết ra được và đọc được). Các em được phát triển tư duy khoa học theo cách việc làm bằng sức lao động và sản phẩm của mình.

Do đó, toàn bộ bài học trong sách TV1 - CNGD đã quét hầu hết tất cả các tiếng có trong tiếng Việt, kể cả tiếng có vần ít gặp và khó đọc mà trước đây chương trình hiện hành không đưa vào (ví dụ quện, qué, quàu quàu, quều quào, chuếnh choáng...).

Mỗi bài học các em được học rất nhiều tiếng và từ. Ví dụ khi dạy bài ênh, êch, các em sẽ được học và tự chiếm lĩnh hết tất các tiếng có chứa hai vần đó (khác với chương trình hiện hành các em chỉ học vần, các từ khóa và từ ứng dụng). Ngoài ra, học sinh còn nắm được luật chính tả vần "êch" chỉ có dấu thanh sắc, thanh nặng đi kèm.

- Một số từ nghe lạ như "quện nhau" khiến dân mạng liên tưởng đến nội dung không lành mạnh. Tuy nhiên đọc tài liệu thì thấy từ "Quện nhau" có nghĩa "kiệt sức mà chết, hết đời", đó là từ cổ xuất hiện trong bài ca dao "Tò vò mà nuôi con nhện/ Đến khi nó lớn nó quện nhau đi/ Tò vò ngồi khóc tỉ ti/ Nhện ơi nhện hỡi nhện đi đằng nào".

Bản thân bài ca dao "Tò vò mà nuôi con nhện" ám chỉ một hiện tượng tự nhiên, đó là khi con tò vò bắt con nhện về và đẻ trứng vào người con nhện, con nhện sẽ sống dở chết dở, khi ấu trùng tò vò non nở ra, nó sẽ ăn thịt con nhện để trưởng thành. Thế nên mới nói "quện nhau đi" tức là "chết đi".

- Một số từ như "gà qué" (tiếng vùng Nghệ An để gọi con gà với ý chê trách), "con ĩ" (con heo/lợn), quả chấp (cùng họ quả chanh)… là ngôn ngữ thuần Việt, dân gian, địa phương và đều có ý nghĩa.

 Sách tiếng Việt cho trẻ lớp 1 có nhiều vấn đề sai lệch, phản cảm và sự phản biện của người trong cuộc - Ảnh 4.

Ý đồ cuốn sách đưa các từ này để khi dạy, cô giáo sẽ chỉ cho học sinh phân biệt được một số từ ngữ là ngôn ngữ nói hàng ngày nhưng khi viết các cháu nên chọn lọc từ ngữ để viết.

- Trong sách còn cố ý xuất hiện những từ viết sai chính tả ngay bên cạnh từ đúng, mục đích để học sinh phân biệt tìm ra từ đúng; từ đó học sinh không viết từ sai mà chỉ sử dụng từ viết đúng chính tả. Chẳng hạn sách in 3 từ cạnh nhau "giô ra", "dô ra", "vô ra"; các cháu sẽ được dạy từ "vô ra" là đúng chính tả.

Tóm lại, sách TV1-CNGD không in từ sai chính tả (trừ từ sai chính tả nằm cạnh từ đúng chính tả để phân biệt) và không có từ vô nghĩa. Các từ trên được đưa vào sách với ý nghĩa nhất định; các giáo viên đã được tập huấn về nội dung trên khi giảng dạy.

Đồng thời với quan điểm "chân không về nghĩa", việc đưa những từ ngữ như vậy vào sách TV1- CNGD thực chất chỉ đơn thuần giúp các em rèn luyện khả năng ghép vần và chơi với từ ngữ; không nhằm mục đích bắt trẻ em phải hiểu.

3. Về thông tin cho rằng một số bài học trong sách dạy trẻ những thói hư tật xấu, "mánh khóe, khôn lỏi"

Dư luận cho rằng, có những bài học nội dung không phù hợp với trẻ. Ví dụ bài "Quả bứa" kể câu chuyện 2 cháu Năm và Sáu đi qua vườn quả. Năm thấy quả liền la (hô) to và Sáu nhặt quả bứa. Hai cháu giành qua giành lại, cậu Cả đi qua và phân xử.

Cậu Cả bổ quả bứa và phán: "Năm, mày thấy quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Sáu, mày nhặt quả bứa, hãy nhận lấy nửa vỏ này. Dành phần ruột trả thù lao cho quan tòa phân xử, của tao. Cậu Cả vừa ăn vừa bỏ đi".

 Sách tiếng Việt cho trẻ lớp 1 có nhiều vấn đề sai lệch, phản cảm và sự phản biện của người trong cuộc - Ảnh 5.

Bài "Quả bứa" trong sách "Tiếng Việt - CNGD lớp 1, tập 2" đang gây nhiều tranh cãi

Theo cộng đồng mạng, lời lẽ trong câu chuyện rất phản cảm, gọi nhau bằng mày - tao, ý nghĩa thì chỉ dạy các cháu cách sống tiểu xảo. Ngoài ra, dư luận còn cho rằng trong sách có nhiều bài học ẩn hiện những thói hư tật xấu như tọc mạch, xu nịnh, nói dối, châm biếm, thậm chí là khôn ranh, ma mãnh.

Trong bài học "Bé xách đỡ mẹ", thấy mẹ đi ì ạch vì mang nhiều túi, thay vì xách giúp mẹ, bé đã nảy ra ý tưởng cực "khôn khéo": "Có cách, mẹ ạ! Mẹ bế bé, bé xách hộ mẹ".

Tuy nhiên, các giáo viên dạy lớp 1 cho biết: Nhiều phụ huynh không hiểu được ý nghĩa sâu xa và đặt suy nghĩ cá nhân của mình vào bài học nên mới có ý kiến như vậy. Suy nghĩ của trẻ nhỏ khi đọc các câu chuyện rất đơn thuần, nhưng ở đây người lớn đang mang suy nghĩ của mình ra để áp đặt, rõ ràng là không công bằng cho một đứa trẻ.

Mỗi câu chuyện trong sách đều có ý nghĩa, qua các câu chuyện, giáo viên (đã được tập huấn nội dung) sẽ rút ra các bài học để giáo dục học sinh và liên hệ thực tế cuộc sống giúp các cháu đọc tốt hơn và có kĩ năng sống.

Vì đã dạy cho học sinh thì không những dạy cái tốt mà còn phải dạy luôn cái chưa tốt (chẳng hạn như một số hành vi, ứng xử chưa đúng) để học sinh biết phân biệt cái nào là tốt, cái nào là xấu để áp dụng trong cuộc sống, tốt thì theo còn xấu phải biết để tránh.

 Sách tiếng Việt cho trẻ lớp 1 có nhiều vấn đề sai lệch, phản cảm và sự phản biện của người trong cuộc - Ảnh 6.

Bộ Tiếng Việt Lớp 1 – Công Nghệ Giáo Dục

Ví dụ như bài "Quả bứa".Qua câu chuyện cô giáo sẽ chỉ rõ cho học sinh biết xưng hô "mày, tao" là phản cảm, cần phải tránh (thực tế các cháu có thể đã và sẽ chứng kiến trong cuộc sống và hay qua ti vi).

Ngoài ra giáo viên còn dạy học sinh phải biết cách cư xử, nhường nhịn nhau. Nếu tranh giành nhau thì sẽ có kẻ thứ 3 lợi dụng việc này. Bài học có thể rút ra được ở đây là khi chúng ta không biết yêu thương, không biết chia sẻ với nhau sẽ mất đi sự khôn ngoan của mình. Nếu như chúng ta đoàn kết sẽ nhận được kết quả tốt đẹp.

Cách nghĩ bài học chỉ dạy học sinh sống tiểu xảo của một số phụ huynh chỉ là suy nghĩ, suy diễn áp đặt của người lớn. Nhận thức của trẻ chưa thể biết thế nào là khôn lỏi, mánh khóe, điều quan trọng là cách truyền tải thông điệp của giáo viên sau mỗi bài học.

Còn bài học bé xách đồ cho mẹ mang tính chất mô tả sự ngây thơ của một đứa trẻ. Đứa trẻ có lòng tốt muốn xách đồ cho mẹ nhưng cũng muốn mẹ bế, muốn nhận được tình cảm yêu thương của người lớn chứ không phải "khôn ranh".

Đứng ở góc độ học sinh thì đó là sự hóm hỉnh, ngây thơ của trẻ 5-6 tuổi khi biết vòi vĩnh mẹ bế mình rồi giúp lại mẹ. Còn cách nghĩ rằng câu chuyện giáo dục trẻ những điều kiện để "mặc cả", "khôn ranh" khi giúp đỡ mẹ có thể là cách nghĩ thái quá của người lớn. Nhiều phụ huynh đang áp đặt suy nghĩ của mình cho trẻ. Thực tế, suy nghĩ của trẻ em khác người lớn.

Có thể nói, điều quan trọng là cách truyền tải thông điệp của giáo viên sau mỗi bài học. Giáo viên sẽ giảng kỹ, nhấn mạnh những chỗ sai, khắc sâu những nội dung đúng để giúp học sinh ghi nhớ.

Quan trọng là phải cho các con nhìn nhận câu chuyện đó như thế nào, theo cách nào. Nếu như truyền tải câu chuyện "Bé xách đồ cho mẹ" theo hướng đây là câu chuyện bé yêu mẹ và muốn giúp đỡ mẹ thì các bé sẽ hiểu như vậy, tương tự truyện "quả bứa" khi truyền tải đi thông điệp anh em phải đoàn kết yêu thương nhau thì các bé cũng sẽ hiểu như vậy và ngược lại.

 Sách tiếng Việt cho trẻ lớp 1 có nhiều vấn đề sai lệch, phản cảm và sự phản biện của người trong cuộc - Ảnh 7.

Cách truyền đạt của giáo viên cũng rất quan trọng

Thực tế, những thắc mức của phụ huynh về một số bài học trong sách TV1 -CNGD đã được giải đáp trong tài liệu tập huấn giáo viên môn TV1 - CNGD và trong cuốn Thiết kế tiếng Việt 1 dành cho giáo viên. Do đó giáo viên sẽ biết cách để giảng dạy đúng với thông điệp thực sự mà cuốn sách hướng đến.

Bên cạnh những nội dung gây tranh cãi trên, còn lại đa phần nội dung trong sách TV1- CNGD được đánh giá rất hay, ý nghĩa, phong phú gắn với đời sống của nhân dân, truyền thống dân tộc như những câu chuyện dân gian, bài đồng dao, ca dao, về các anh hùng dân tộc của đất nước như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Quang Trung... Ngoài ra, trong sách cũng có cả những bài học về danh nhân thế giới.

Tất nhiên, trong sách vẫn có thể còn một số nội dung chưa hoàn toàn hợp lý (có thể chủ biên có cái lý của họ khi biên soạn) nhưng nếu không phù hợp cái chung, tôi đồng ý cần phải chỉnh lý và sửa đổi để thật chuẩn và phù hợp với trẻ em.

4. Nhiều bạn đọc cho rằng bố mẹ gặp khó khăn khi dạy con học vì phương pháp trong sách TV1 - CNGD mới mẻ 

Theo tôi, nếu không rành phương pháp mới, phụ huynh nên để cho người có chuyên môn dạy con mình, và ở đây chính là thầy cô giáo. Dạy chữ lớp 1 nhìn thì dễ nhưng để dạy thật bài bản, chuẩn chính tả thì không phải dễ. Thầy cô người ta có chuyên môn, bài bản, được tập huấn, cập nhật hàng năm nên người ta dạy rất chuẩn.

Nếu không am hiểu, không đủ kiến thức thì việc để thầy cô dạy trẻ là hợp lý. Đâu phải bố mẹ cái gì cũng giỏi, lĩnh vực gì cũng cần chuyên gia, học chữ cũng thế. Theo mình, bố mẹ nếu có thời gian rảnh hãy dạy cho con những thứ khác như kỹ năng sống, cách ứng xử, cách vui chơi...

*** Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, với tư cách là phụ huynh có con đang học lớp 1 theo chương trình Công nghệ Giáo dục; không phải là giáo viên hay nhà ngôn ngữ học. Nội dung bài viết tham khảo thông tin từ nhiều nguồn, nhất là từ các giáo viên dạy lớp 1 và tài liệu "Thiết kế tiếng Việt 1" dành cho giáo viên. 

Theo Hoàng Nguyễn Việt Tiến

Trí thức trẻ

Trở lên trên