MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sacombank có gì “hot”?: Phần 2: Những tài sản chưa được ghi nhận

18-04-2017 - 08:14 AM | Tài chính - ngân hàng

Chưa có một khảo sát rộng rãi nào tại Việt Nam để xác định mức độ nhận diện thương hiệu của các ngân hàng. Tuy nhiên, thương hiệu Sacombank chắc chắn là một thương hiệu rất mạnh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đặc biệt là tại thị trường phía Nam.

23 năm để có mạng lưới như của Sacombank

Sacombank hiện có 109 chi nhánh và 432 phòng giao dịch, 11 quỹ tiết kiệm phân bổ tại 48/64 tỉnh/TP. Ngoài ra, ngân hàng này còn sở hữu 7 công ty con, trong đó có 2 ngân hàng con đang hoạt động tại Lào và Campuchia (chiếm 100% vốn). Về số lượng điểm giao dịch, Sacombank đang xếp thứ 4 toàn hệ thống, đứng sau Agribank, Vietinbank và BIDV. Về độ phủ tại các tỉnh/TP, Sacombank đang xếp thứ 6, nếu chỉ tính các ngân hàng khối tư nhân thì chỉ xếp sau LienVietPost Bank.

Mặc dù ngành ngân hàng đang đầu tư mạnh vào các kênh phân phối hiện đại như ATM thế hệ mới, Internet Banking, Mobile Banking, … nhưng đóng góp của kênh phân phối truyền thống sẽ vẫn chiếm ưu thế trong nhiều năm tới. Việc mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch hiện nay không chỉ gặp các khó khăn thông thường như phải tìm mặt bằng đẹp, tốn thời gian xây dựng và quen thuộc với khách hàng,… mà còn phải tuân thủ các quy định hạn chế trongThông tư 21/2013/TT-NHNN: Đáp ứng điều kiện tài chính và phi tài chính khi đăng ký thành lập chi nhánh; Số lượng chi nhánh và phòng giao dịch tối đa tại các tỉnh/TP; Số lượng chi nhánh tối đa theo giá trị thực của vốn điều lệ; Số lượng chi nhánh tối đa được thành lập trong một năm.

Với một ngân hàng mới thành lập, để có được mạng lưới như của Sacombank hiện tại phải có mức vốn điều lệ tối thiểu là 11.950 tỷ và mất ít nhất 23 năm (giả sử đáp ứng điều kiện hoạt động có lãi liên tục). Quy mô mạng lưới lớn và độ phủ rộng khắp chính là điểm cộng đáng giá cho Sacombank.

Nhận diện thương hiệu rất mạnh

Chưa có một khảo sát rộng rãi nào tại Việt Nam để xác định mức độ nhận diện thương hiệu của các ngân hàng. Tuy nhiên, thương hiệu Sacombank chắc chắn là một thương hiệu rất mạnh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đặc biệt là tại thị trường phía Nam. Hiện nay có 3 ngân hàng có tên gắn với hai chữ “Sài Gòn” có trụ sở tại TP.HCM là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Ngoài ra còn có Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) có trụ sở tại Hà Nội. Tuy nhiên, rất nhiều người nhầm lẫn, khó phân biệt được các ngân hàng này. Khi đề cập đến “Ngân hàng Sài Gòn”, nhiều người thường nghĩ ngay đó là Sacombank.

Sức mạnh thương hiệu của Sacombank còn thể hiện trên môi trường internet. Theo thống kê của buzzmetrics.com, trong 6 tháng cuối năm 2016, Sacombank là ngân hàng thương mại trong nước đứng thứ 4 về thị phần thảo luận public trên báo điện tử và mạng xã hội với hơn 9% thị phần.

Sacombank được nhắc đến rất nhiều trong các thảo luận mua bán, giao dịch hàng ngày của người tiêu dùng, điều này giúp cho ngân hàng có được số lượng thảo luận tự nhiên khá lớn. Nhìn chung, ngân hàng nhận được khá nhiều phản hồi tích cực trên social media trong thời gian 6 tháng cuối năm 2016 về thái độ thân thiện, chuyên nghiệp, nhanh chóng của đội ngũ nhân viên, cung ứng được nhiều dịch vụ tốt, chất lượng dịch vụ ổn định với mức phí hợp lý, các dịch vụ online cũng được đánh giá cao. Buzzmetrics.com cũng cho biết Sacombank nhận được tương đối ít phản hồi tiêu cực trên social media.

Nền tảng nhân sự, khách hàng và quy trình vận hành

Đến cuối năm 2016, riêng Sacombank có 16.028 nhân viên, cộng luôn các công ty con thì lên đến 17.401 nhân viên. Hầu hết người trong ngành trước nay đều đánh giá về nguồn nhân lực của Sacombank khá tích cực: năng động, vững về nghiệp vụ, được đào tạo bài bản và được tuyển chọn kỹ lưỡng (kiến thức, kỹ năng và kể cả ngoại hình). Mặc dù ngân hàng gặp nhiều khó khăn sau khi nhận sáp nhập Southernbank, theo khảo sát cuối năm 2016 của JobStreet.com, Sacombank vẫn nằm trong top 3 tổ chức hấp dẫn lao động nhất trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng. Điều đó cho thấy sức cạnh tranh trong thị trường lao động của Sacombank vẫn đang ổn, và nhân sự vẫn đang là thế mạnh của ngân hàng này.

Số lượng khách hàng hiện hữu của Sacombank cũng là một tài sản rất giá trị. Ngân hàng này phát triển cả mảng doanh nghiệp và bán lẻ nhưng chú trọng chiến lược bán lẻ hơn. Bán lẻ là một hoạt động vất vả, nhiều giao dịch nhỏ, tuy nhiên biên lợi nhuận nhóm này cao hơn. Sacombank là một đối thủ đáng gờm trong mảng bán lẻ với dịch vụ tài chính trọn gói. Ngân hàng này cũng rất mạnh trong việc cung cấp dịch vụ chi lương và cho vay tiểu thương, cho vay theo nhóm (đối tác liên kết). Chính các “sản phẩm gốc” như dịch vụ chi lương và cho vay, cùng với các gói sản phẩm đã khiến tỷ lệ gắn bó của khách hàng đối với Sacombank khá cao. Sản phẩm thẻ cũng là một điểm mạnh của Sacombank với số lượng khách hàng mở thẻ riêng trong năm 2016 đạt trên 620 nghìn khách hàng. Số lượng khách hàng sử dụng ebanking liên tục tăng lên, đến cuối năm 2016 đạt 346 nghìn khách hàng. Trong những năm gần đây, Sacombank tập trung mở rộng và chiếm lĩnh thị phần tại các địa bàn trọng điểm (thành phố lớn) và khu vực nông thôn, hứa hẹn sẽ tăng thêm lượng khách hàng và thu nhập.

Ngoài ra, nguyên tắc làm việc tại Sacombank được truyền thông là làm việc theo quy trình. Nguyên tắc này được xây dựng từ thời ông Đặng Văn Thành còn tại vị. Các quy trình, quy định của Sacombank được đánh giá là khá chặt chẽ, mặc dù đôi lúc sẽ gây ra sự thiếu linh hoạt nhưng sẽ đảm bảo quản lý tốt một tổ chức lớn và phức tạp như ngân hàng.

Giá trị thị trường của các bất động sản

Theo quy định của chế độ kế toán Việt Nam, chênh lệch dương giữa giá trị thị trường và giá trị sổ sách của các tài sản như trụ sở, bất động sản khác không được ghi trong báo cáo tài chính. Quy định này khiến các trụ sở thuộc sở hữu của ngân hàng hầu hết đang bị đánh giá thấp hơn giá trị thực.

Nguyên giá tài sản cố định của Sacombank đến cuối năm 2016 ở mức 11.055 tỷ đồng, khá cao so với nhiều ngân hàng khác. Ngân hàng đã khấu hao được 3.104 tỷ, tương đương 28% nguyên giá. Nhiều khoản trong tài sản cố định của Sacombank chính là các trụ sở chi nhánh, phòng giao dịch đã được đầu tư từ rất nhiều năm trước. Đến nay, nếu đánh giá lại theo giá thị trường thì các bất động sản này sẽ tạo ra một khoản “lãi” cực lớn. Chính Novanland khi đề xuất tái cơ cấu Sacombank cũng phần nào nhìn vào các bất động sản này, kèm với các bất động sản liên quan đến cho vay khách hàng.

Thực tế có thể không xấu như kết quả kiểm toán

Đến thời điểm hiện tại, Sacombank chưa công bố BCTC kiểm toán năm 2015, lãnh đạo ngân hàng giải thích là do phải chờ NHNN phê duyệt Đề án tái cấu trúc ngân hàng sau sáp nhập. Tuy nhiên, theo quy trình xử lý mà NHNN đưa ra, công tác đánh giá thực trạng ngân hàng có lẽ đã được đơn vị kiểm toán độc lập hoàn tất.

Với các trường hợp như Sacombank, để đảm bảo nguyên tắc thận trọng, đơn vị kiểm toán thường có xu hướng đánh giá theo cách “xấu nhất có thể”. Ví dụ như các chênh lệch dương giữa giá trị thị trường và giá trị sổ sách của tài sản sẽ không được ghi nhận, trong khi chênh lệch âm sẽ được trích lập dự phòng đầy đủ. Đối với việc dự phòng rủi ro tín dụng, vì liên quan nhiều đến giá trị tài sản đảm bảo nên cũng sẽ được đánh giá khá khắt khe. Ví dụ, các tài sản đảm bảo đang có sơ suất về giấy tờ sở hữu hoặc các tài sản bất động sản chưa hoàn thiện (đang xây dựng, chưa ra sổ) thường sẽ bị đánh giá giá trị rất thấp, thậm chí bằng 0. Điều này làm cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng sẽ tăng vọt vì bị sụt giảm lá chắn tài sản đảm bảo, trong khi thực tế nhiều tài sản vẫn ổn và đang trong tầm kiểm soát của ngân hàng.

Bỏ qua sự hấp dẫn bởi những “lợi ích ngầm” từ việc kiểm soát một ngân hàng, các điểm sáng về tài chính và phi tài chính của Sacombank như phân tích trên đây cũng phần nào giải thích về sức hút ban đầu của ngân hàng này đối với các nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, đó chỉ là những phân tích bề nổi, các đánh giá chân thực hơn về Sacombank sẽ còn phải chờ sau khi kết thúc rà soát đặc biệt (due diligence). Còn vấn đề của Sacombank cùng các cơ quan chức năng là phải chọn được nhà đầu tư đủ tầm và cả đủ tiền, sau đó là trả lời câu hỏi “Bán giá nào?”.

Phong Hiếu

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên