MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sacombank: Kiểm toán lưu ý khoản lãi dự thu

09-07-2019 - 21:55 PM | Tài chính - ngân hàng

Các khoản lãi dự thu đã ghi nhận trên báo cáo tài chính sẽ được khoanh lại và phân bổ dần vào chi phí hoạt động kinh doanh của ngân hàng theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Theo báo cáo tài chính năm 2018 đã được kiểm toán của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín ( Sacombank – mã STB), đề án tái cơ cấu sau sáp nhập của Sacombank với thời gian thực hiện đến năm 2025 và các kiến nghị của ngân hàng tại đề án này về một số cơ chế và giải pháp để xử lý tài chính đối với các khoản lãi dự thu trái phiếu đặc biệt VAMC, các khoản nợ xấu, các tài sản tồn đọng và các khoản đầu tư góp vốn mua cổ phần trong thời gian thực hiện đề án tái cơ cấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn ngày 22/5/2017.

Theo đó, các khoản lãi dự thu đã ghi nhận của các khoản nợ xấu và tài sản tồn đọng trên báo cáo tài chính sẽ được khoanh lại và phân bổ dần vào chi phí hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Cụ thể, tính đến 31/12/2018, Sacombank còn khoản lãi dự thu 18.906 tỷ đồng. Trong đó, lãi dự thu cho vay khách hàng là 17.719 tỷ đồng; lãi dự thu trái phiếu 224 tỷ đồng tiếp nhận từ Ngân hàng Phương Nam; lãi dự thu liên quan đến các hợp đồng mua bán lại chứng khoán từ Ngân hàng Phương Nam là 912 tỷ đồng; lãi dự thu từ uỷ thác đầu tư vào một công ty của Ngân hàng Phương Nam là 51 tỷ đồng.

Đối với khoản mục dự phòng rủi ro tín dụng, bao gồm số dư của các khoản nợ có khả năng mất vốn thuộc đề án tái cơ cấu tại ngày 31/12/2018 là các khoản nợ trị giá 3.382 tỷ đồng, ngân hàng được phép trích lập dự phòng theo năng lực tài chính theo đề án tái cơ cấu.

Về trái phiếu VAMC mà Sacombank đang nắm giữ tính đến 31/12/2018 có mệnh giá là 40.233 tỷ đồng, ngân hàng được phép trích lập theo năng lực tài chính theo đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt.

Trong đó, các khoản phải thu tồn đọng từ Ngân hàng Phương Nam đến cuối năm 2018, Sacombank chưa bán được cho VAMC và phải trích lập dự phòng. Cụ thể, khoản phải thu từ các hợp đồng mua và cam kết bán lại chứng khoán, được đảm bảo bằng cổ phiếu, trị giá 1.106 tỷ đồng; khoản phải thu CTCP Vàng bạc Đá quý Phương Nam, tài sản đảm bảo là 51 triệu cổ phiếu của một tổ chức tín dụng có mệnh giá 510 tỷ đồng; khoản phải thu 76 tỷ đồng từ hoạt động uỷ thác đầu tư của Ngân hàng Phương Nam vào một công ty phát sinh trước khi sáp nhập vào Sacombank.

Ngoài ra, Sacombank còn các khoản phải thu bên ngoài khác, như: khoản phải thu 8.280 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng tài sản đảm bảo tại Khu công nghiệp Đức Hoà III (Long An) đã được bán đấu giá thành công tháng 12/2017 trị giá 9.200 tỷ đồng, ngân hàng đã nhận đặt cọc 920 tỷ đồng. Phần còn lại trả chậm trong 7 năm, ân hạn 2 năm đầu, phí trả chậm 7,5%/năm.

Sẽ đưa lợi nhuận về mức trước sáp nhập

Theo Sacombank, ngân hàng đang nỗ lực tái cơ cấu nhằm đưa lợi nhuận về mức trước sáp nhập bằng việc nâng cao hệ thống quản trị rủi ro theo Basel II.

Sau gần hai năm triển khai phương án tái cơ cấu sau sáp nhập, đến nay, theo báo cáo tài chính riêng, Sacombank đã hoàn thành vượt tiến độ các mục tiêu trọng yếu của đề án: Huy động và cho vay bình quân mỗi năm lần lượt tăng 10,6% và 13,7%.

Khôi phục lại mức lợi nhuận của thời kỳ trước sáp nhập, năm 2017 đạt 1.484 tỷ đồng; năm 2018 đạt 2.067 tỷ đồng, đạt 357% kế hoạch, cải thiện chỉ số sinh lời ROE tăng từ 0,35% (năm 2016) lên 7,03% (năm 2018).

Cải thiện vốn tự có, tăng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) từ 9,61% (năm 2016) lên 10,71% (năm 2018).

Giảm tỷ trọng tài sản có không sinh lời từ 29,3% (năm 2016) xuống 18,3% (năm 2018), tương đương giảm 11% tỷ trọng.

Thu hồi nợ xấu (bao gồm nợ cơ cấu, nợ bán VAMC và các khoản phải thu): Trong năm 2018, Sacombank đã thu được 9.513 tỷ đồng (thuộc đề án 7.511 tỷ đồng). Lũy kế từ khi triển khai đề án, Sacombank đã thu được 26.068 tỷ đồng (thuộc đề án 19.978 tỷ đồng).

Thu hồi lãi dự thu và tài sản nhận cấn trừ: Trong năm 2018, Sacombank đã thu được 2.191 tỷ đồng. Lũy kế từ khi triển khai đề án, Sacombank đã thu được 5.268 tỷ đồng.

Trích lập, phân bổ các tồn đọng tại đề án: Trong năm 2018, Sacombank đã trích lập và phân bổ 1.405 tỷ đồng, bằng 151% kế hoạch. Lũy kế từ khi triển khai Đề án, Sacombank đã trích lập và phân bổ được 1.970 tỷ đồng, bằng 174% kế hoạch tiến độ.

Kế hoạch kinh doanh năm 2019, Sacombank dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 2.650 tỷ đồng, tăng 18%; phấn đấu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Theo Lan Anh

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên