MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sân bay than trời vì tăng trưởng nóng!

Hàng chục ngàn tỉ đồng đã chi để phát triển hạ tầng sân bay nhưng các sân bay vẫn than quá tải vì lượng hành khách tăng nóng

4 tháng đầu năm 2016, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam đạt 25%, đứng thứ tư khu vực Đông Nam Á. Trong thời gian này, các sân bay cả nước đã đạt sản lượng 25,3 triệu lượt hành khách trong khi công suất thiết kế chỉ hơn 70 triệu lượt hành khách/năm.

Lệch pha

Sự tăng trưởng nóng của thị trường hàng không đang làm nảy sinh nhiều khó khăn cho hoạt động của các bên liên quan, từ cơ quan quản lý đến các hãng hàng không, doanh nghiệp quản lý hạ tầng.

Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA), ông Dương Trí Thành, cho hay việc thiếu hụt trang thiết bị hạ tầng giao thông đang cản trở sự phát triển của các hãng hàng không. Chẳng hạn, các sân bay Tân Sơn Nhất, Cam Ranh đang bị vượt quá giới hạn khai thác về nhà ga hành khách và tình trạng điều phối slot (giờ cất/hạ cánh) luôn ở mức giới hạn tối đa. Sân bay Cam Ranh còn thiếu nhân lực, đặc biệt là công an cửa khẩu, nhân viên kiểm dịch nên khi có nhiều chuyến bay xuống cùng lúc, hành khách phải chờ rất lâu.

Sân bay Tân Sơn Nhất phải hoạt động gấp đôi công suất Ảnh: TẤN THẠNH

Ông Lương Thế Phúc, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air (VJ), cho biết hầu hết các sân bay đều thiếu trang thiết bị cơ bản như xe thang, xe chở khách, xe băng chuyền, xe đầu kéo... Nhiều sân bay không thể bảo đảm khai thác cùng lúc 2-3 chuyến bay, chỉ bố trí được mỗi chuyến bay 1 xe thang cho hành khách lên/xuống. Rất nhiều sân bay đến nay vẫn không có xe nâng cho người khuyết tật. Có sân bay như Chu Lai còn chưa lắp hệ thống điều hòa trong nhà ga nên rất nóng; sân bay Vinh chưa có xe khí lạnh cấp cho máy bay...

Trong khi Cục Hàng không yêu cầu các hãng tăng cường bay đêm để tránh ùn tắc cục bộ ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất thì nhiều sân bay khác lại không có hệ thống đèn dẫn đường, phải đóng cửa từ lúc 21 giờ, rất khó để sắp xếp lịch bay. Ví dụ: các sân bay Tuy Hòa, Chu Lai chỉ khai thác từ 6 giờ đến 18 giờ; các sân bay Đồng Hới, Phù Cát, Thọ Xuân, Cần Thơ cũng chỉ được khai thác đến 21 giờ. Ngay cả sân bay quốc tế Nội Bài cũng chỉ phục vụ từ 4 giờ.

VJ đã kiến nghị Cục Hàng không cho khai thác sân bay quốc tế Cần Thơ, Thọ Xuân 24/24 giờ và cấp phép sử dụng hệ thống đèn đêm tại sân bay Chu Lai để hoạt động đến 24 giờ, giúp các hãng xếp lịch bay thuận lợi, giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất.

“Phân biệt đối xử”

Cùng với những hạn chế về cơ sở vật chất, các hãng hàng không còn phải đối mặt tình trạng giá, phí dịch vụ tại các sân bay ngày càng tăng, làm đội chi phí đầu vào.

VNA tính toán năm 2016 sẽ bị đội thêm 202,5 tỉ đồng vì sự điều chỉnh giá dịch vụ ở các sân bay. Trong đó, có những khoản chi phí phát sinh lớn như bắt đầu thu phí dịch vụ kiểm tra an ninh đối với xe suất ăn/xăng dầu trước khi vào khu vực hạn chế (phát sinh 56,5 tỉ đồng). Việc nâng cấp sân bay lên nhóm A như sân bay Vinh cũng làm hãng đội thêm 5 tỉ đồng…

Đại diện VJ cho biết hiện nay, giá phục vụ mặt đất đối với các chuyến bay quốc tế thuê chuyến ở sân bay lẻ lại cao hơn ở Nội Bài, Tân Sơn Nhất là không hợp lý. Hơn nữa, hãng lại bị “phân biệt đối xử” khi phải trả mức giá tra nạp nhiên liệu ngầm ở nhà ga T2 Nội Bài là 37 USD/tấn, trong khi hãng hàng không khác chỉ phải trả 28 USD/tấn.

Các kiến nghị nhiều nhất vẫn là đối với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đại diện Ban Khai thác Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết sân bay này đang phải hoạt động gấp đôi công suất hiện có. Thay vì tập trung toàn bộ hoạt động khai thác ở sân bay căn cứ, các hãng hàng không cần phân bổ hợp lý các điểm đỗ, sử dụng các sân bay phụ để thay thế. Tuy nhiên, VJ cho biết hãng đã chọn Cát Bi là sân bay căn cứ từ ngày 20-5 nhưng lại thiếu nước sạch, xe hút vệ sinh và xe chở khách trong sân đỗ.

“Cần có các cơ chế cho phép hàng không tư nhân được tham gia cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay nhiều hơn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của thị trường hàng không” - đại diện VJ kiến nghị.

Sợ gây lãng phí

Trước kiến nghị của các hãng hàng không, ông Vũ Phạm Nguyên An, Phó Giám đốc ACV, cho rằng việc tăng thời gian vận hành một số sân bay vào ban đêm là không cần thiết do tần suất sử dụng thấp, chỉ có 5 chuyến bay/ngày. Nếu tăng thời gian mở cửa với mục đích làm sân bay dự bị cho các hãng hàng không thì sẽ làm tăng chi phí vận hành, gây lãng phí.

“Những năm qua, doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng phát triển hạ tầng sân bay nhưng vẫn chưa thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu phát triển mạnh mẽ của hàng không nội địa” - đại diện ACV thừa nhận.

Theo Tô Hà

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên