MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sân golf xây trên đồng lúa: Ranh giới nào giữa phát triển du lịch và phát triển bền vững?

“Ranh giới giữa thế nào là phát triển bền vững và thế nào là phát triển du lịch rất mong manh. Người ta có thể nói cái này không phát triển được bởi vì nó vi phạm phát triển bền vững. Vậy thì phải có tiêu chí chính xác, nếu chúng tôi đáp ứng tiêu chí thì được phép thực hiện dự án và đừng có ai nói rằng chúng tôi đang vi phạm sự phát triển bền vững”, bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn FLC chia sẻ.

Phát triển du lịch đồng thời bảo vệ không gian văn hóa và tài nguyên thiên nhiên là bài toán khó với ngành du lịch Việt Nam. Các dự án tại Sơn Trà, Phan Xi Păng hay Phong Nha – Kẻ Bàng đều gây không ít tranh cãi. Một bên là chủ đầu tư muốn tận dụng tối đa lợi thế thiên nhiên, văn hóa để phát triển du lịch, một bên là các chuyên gia và người dân lên tiếng bảo vệ môi trường, tài nguyên.

Thực tế, đây không phải là vấn đề mới của Việt Nam. Đặt lợi nhuận lên trên lợi ích của cộng đồng hay phát triển du lịch ồ ạt, thiếu quy hoạch sẽ gây tác động tiêu cực về lâu dài. Những công trình ở Tam Đảo hay Sapa mọc lên chen chúc, bỏ lại phía sau những ngọn đồi bị cày xới và một nền văn hóa dần mai một.

Ông Lương Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Vietstar Airlines, cho rằng không nên có luồng tư tưởng thái quá hoặc lệch về hướng phát triển nhưng gây tác động tiêu cực đến môi trường, hoặc lệch về hướng bảo tồn tuyệt đối, cản trở phát triển. Do đó, phát triển bền vững vẫn là phát triển nhưng ở những nơi và theo những cách gây ảnh hưởng tối thiểu, ở mức độ chấp nhận được, không có nghĩa là tuyệt đối không làm gì. Những khu nghỉ dưỡng nổi tiếng như Intercontinental Đà Nẵng hay Amanoi Resort hẳn đã không tồn tại nếu bảo tồn tuyệt đối.

Thời gian qua, FLC - một trong những doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng có nhiều dự án sân golf quy mô tại Việt Nam - cũng ghi nhận một số ý kiến đa chiều liên quan đến các dự án sân golf, trong đó chủ yếu là những lo ngại về môi trường và đời sống của người dân xung quanh.



Tuy nhiên, theo bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó Tổng giám đốc FLC: “Ranh giới giữa thế nào là phát triển bền vững và thế nào là phát triển du lịch rất mong manh. Người ta có thể nói cái này không phát triển được bởi vì nó vi phạm phát triển bền vững. Vậy thì phải có tiêu chí chính xác, nếu chúng tôi đáp ứng tiêu chí thì được phép thực hiện dự án”.

Tạm gác lại những tranh cãi, có thể thấy ngành du lịch đang thiếu các quy định cụ thể về tính bền vững trong phát triển. Khi thiếu sự đồng thuận thì cả doanh nghiệp lẫn cộng đồng đều không được hưởng lợi. Doanh nghiệp đặt lợi nhuận lên đầu cũng là điều dễ hiểu, phát triển và quản lý ra sao thực tế là nhiệm vụ của Nhà nước. Các dự án xây dựng sân golf, resort đang chịu áp lực lớn từ truyền thông vì người dân đã mang sẵn định kiến do những tiền lệ xấu trước đó.

Người dân tất nhiên cũng không hoàn toàn hài lòng. Mạng xã hội dồn dập những chiến dịch Save Sơn Đoòng hay Save Sơn Trà nhưng cảm giác chung của người dân là bất lực trước những tập đoàn lớn. Tuy nhiên, người dân cũng không có những quy định, tiêu chí cụ thể để củng cố cho sự phản đối của mình.

Vì vậy, ông Lương Hoài Nam đề xuất cần rà soát, hoàn thiện các quan điểm và xây dựng, ban hành bộ tiêu chí phát triển du lịch bền vững, làm cơ sở cho việc đánh giá các dự án. Thứ hai là phải hoàn thiện thể chế để người dân và giới khoa học tham gia phản biện quy hoạch và giám sát tuân thủ trong quá trình thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch, cho biết: “Vấn đề là kiểm soát đầu tư, kiểm soát quy hoạch và đảm bảo rằng đầu tư không làm phương hại đến các giá trị văn hóa và tài nguyên môi trường. Nhưng trên thực tế giữa lý thuyết và thực tiễn rõ ràng có những khoảng cách chúng ta chưa làm được như mong muốn”.

Lan Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên