MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sáng lập viên của Lazada cho biết những lợi ích lớn và ngay lập tức về việc chuyển sàn niêm yết

27-12-2017 - 08:00 AM | Doanh nghiệp

Theo ông Christopher Beselin, nếu May Việt Tiến chuyển sàn niêm yết thì chỉ tính riêng việc công bố quyết định chuyển sàn đã có thể tạo ra ít nhất 33 triệu đô la giá trị cho đến khi việc niêm yết được thực hiện. Sau khi niêm yết, khoảng 70-200 triệu đô la giá trị nữa sẽ được tạo ra.

Sau khi rời khỏi Lazada, ông Christopher Beselin đã cùng đối tác thành lập quỹ đầu tư Endurance Capital tại Việt Nam. Định hướng đầu tư của Endurance Capital là đầu tư dài hạn vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam. Thông thường, Endurance Capital chọn những doanh nghiệp đang bị thị trường định giá thấp và chưa hiểu đúng giá trị.

Trong một trao đổi gần đây với báo chí, ông Christopher Beselin cho biết quỹ không đầu tư dàn trải mà khá cô đặc, chỉ khoảng dưới 10 khoản đầu tư tại một thời điểm. Chủ trương này giúp quỹ có thời gian hiểu sâu sắc hơn về hoạt động và chuyển biến của từng doanh nghiệp.

Thưa ông, ông đã từng đề cập đến việc Công ty May Việt Tiến có thể tạo ra giá trị từ 100-260 triệu đô la cho cổ đông nhanh chóng chỉ bằng cách chuyển sàn niêm yết sang HOSE. Cơ sở nào để ông đưa ra nhận định táo bạo đó?

Tôi khẳng định lại một lần nữa là theo quan điểm của chúng tôi, May Việt Tiến hoàn toàn có thể tạo giá trị gia tăng nhanh chóng cho cổ đông nếu chuyển sàn niêm yết. Theo các yêu cầu và quy định niêm yết tại Việt Nam thì các công ty niêm yết trên HOSE nhìn chung có tính minh bạch và mức độ chia sẻ thông tin tốt hơn các sàn khác, ví dụ như UpCom.

Thực tế, chúng tôi đã thấy nhiều ví dụ tương tự ở ngay tại Việt Nam. Các công ty đại chúng có thể gia tăng giá trị rất lớn thông qua việc cải thiện công tác quan hệ nhà đầu tư và chia sẻ thông tin với thị trường – đặc biệt là các công ty niêm yết tại các sàn chứng khoản nhỏ hơn như Hà Nội hay UpCom.

Trong năm nay khi CTCP CMC (mã CK: CVT) đã chuyển sàn niêm yết sang HOSE. Quyết định chuyển sàn được công bố vào ngày 15 tháng 04 năm 2017 và ngày giao dịch đầu tiên trên HOSE là ngày 05 tháng 10 năm 2017. Trong khoảng thời gian này, giá cổ phiếu CVT tăng 35%, tốt hơn nhiều so với VNINDEX và các công ty cùng ngành.

Mỗi cổ phiếu có đặc thù khác nhau, vì sao ông cho rằng cổ phiếu VGG của May Việt Tiến có thể gia tăng được giá trị chỉ bởi chuyển sàn niêm yết?

Theo tôi, May Việt Tiến đang bị định giá quá thấp so với các công ty cùng ngành đang niêm yết tại sàn chứng khoán lớn hơn, minh bạch hơn và thanh khoản tốt hơn là HOSE: P/E của May Việt Tiến hiện thấp hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp khác trong ngành như TCM, Garmex Sài Gòn (GMC), Sợi Thế Kỷ (STK) hay Everpia (EVE)…

May Việt Tiến là Công ty may mặc lớn và có thương hiệu mạnh nhất Việt Nam và nhìn vào bảng thống kê của chúng tôi, bạn sẽ thấy rõ công ty đang bị định giá thấp như thế nào so với doanh nghiệp trong ngành.

Như vậy, nếu May Việt Tiến chuyển sàn niêm yết tương tự như CVT kể trên thì chỉ tính riêng việc công bố quyết định chuyển sàn niêm yết có thể tạo ra ít nhất 33 triệu đô la giá trị cho đến khi việc niêm yết được thực hiện. Sau khi niêm yết, khoảng 70-200 triệu đô la giá trị nữa sẽ được tạo ra.

Đây là số tiền rất lớn mà hội đồng quản trị của VGG có thể mang lại cho cổ đông theo cách này.

Từ việc so sánh một chỉ số định giá đơn giản thôi, chúng tôi có thể kết luận là nếu Việt Tiến chuyển sàn niêm yết từ UpCom sang HOSE và sau đó là việc cải thiện hệ thống báo cáo và tính minh bạch thông tin, cổ đông của Việt Tiến có thể kỳ vọng giá trị cổ phiếu được định giá tăng thêm 100-260%. Giả sử rằng hiện tại Việt Tiến có giá trị vốn hóa khoảng 100 triệu đô la, việc thay đổi niêm yết có thể tạo ra giá trị cho cổ đông khoảng 100-260 triệu đô la. Vì chính phủ Việt Nam thông qua Vinatex hiện vẫn là cổ đông lớn nhất của công ty nên phần lớn giá trị gia tăng 100-260 triệu đô la này sẽ đem lại lợi ích cho chính phủ và người dân Việt Nam. Việc chuyển sàn niêm yết này vốn không tốn quá nhiều chi phí và thời gian. Sau đó, những giá trị gia tăng khác cho cổ đông có thể được mang lại thông qua việc đẩy mạnh quan hệ nhà đầu tư giữa Việt Tiến và cổ đông.

Để tạo được giá trị gia tăng thêm như ông đã phân tích thì công ty cần làm những bước nào để thực hiện của việc chuyển sàn niêm yết?

Thực tế thì quá trình này rất đơn giản. Công ty chỉ cần nộp hồ sơ chuyển sàn niêm yết sang HOSE. Một việc đơn giản và tốn rất ít công sức để tạo giá trị cho cổ đông thêm 100-260 triệu đô la. Với quy mô hiện tại của Việt Tiến (giá trị vốn hóa khoảng 2.500 tỷ đồng) thì việc niêm yết trên HOSE là rất phù hợp thay vì giao dịch cổ phiếu ở UpCom.

Việc tạo ra giá trị cho VGG thông qua việc chuyển sàn niêm yết rất thuyết phục đối với cổ đông của Công ty và sẽ là hơi khó hiểu vì sao Công ty lại không thực hiện việc này sớm nhất có thể. VGG có hội đồng quản trị và ban điều hành có năng lực tốt, do đó chúng tôi vẫn tin rằng việc thay đổi sàn niêm yết này sẽ được thực hiện sớm. Hiện tại cũng có nhiều việc ban điều hành của VGG có thể thực hiện để tạo nhiều giá trị cho cổ đông. Tuy nhiên, không có việc nào có thể tạo ra giá trị lớn cho cổ đông như thế này trong thời gian ngắn.

Sau khi chuyển sàn niêm yết, doanh nghiệp phải mất bao lâu để đạt được các giá trị tăng thêm mà ông đã nói?

Thật ra một phần của giá trị này sẽ đến ngay cả trước thời điểm chuyển sàn. Ngay khi công ty công bố quyết định chuyển sàn niêm yết sang HOSE, thị trường và cổ đông sẽ bắt đầu đánh giá cao sự minh bạch, hệ thống báo cáo và thanh khoản trong tương lai mà việc chuyển sàn sẽ mang lại cho công ty.

Về Endurance Capital

Các cổ đông sáng lập của Endurance Capital bao gồm các chuyên gia đầu tư Thụy Điển và Việt Nam đã từng giữ các vị trí quản lý tại các công ty Việt Nam. Sáng lập viên của Endurance Capital, Christopher Beselin, là cựu Giám đốc và Sáng lập viên của Lazada Việt Nam và cũng là người đưa công ty đầu tiên của Việt Nam lên sàn giao dịch Nasdaq, Công ty fram^.

Các cổ đông của Endurance Capital còn có kinh nghiệm làm việc tại các công ty như Cevian Capital, The Boston Consulting Group và Vinamilk. Hơn nữa, các cổ đông này còn là thành viên Hội đồng quản trị của các công ty đại chúng tại Việt Nam như Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect (mã VND) và Công ty Cổ phần Nafoods Group (mã NAF).

A.D

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên