MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau 2 tháng tích lũy, điều gì khiến cổ phiếu HBC đột ngột "bùng nổ" trong phiên 29/08?

Theo thông tin chúng tôi có được, trong hơn 7 tháng đầu năm 2017, HBC đã trúng thầu 27 hợp đồng với tổng giá trị 12.950 tỷ đồng – đạt 65% kế hoạch năm. Con số này chưa tính giá trị hợp đồng tại dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Đối với các nhà đầu tư chứng khoán đón đầu được con sóng cổ phiếu bất động sản – xây dựng trong năm 2017, không ai có thể phủ nhận HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là một trong những cổ phiếu ấn tượng nhất và thu hút được sự quan tâm lớn nhất của thị trường. HBC là điển hình của mẫu doanh nghiệp tái cơ cấu thành công, tăng trưởng vượt bậc dựa trên nền tảng kinh nghiệm hoạt động và sự thuận lợi của thị trường bất động sản.

Sau quá trình tăng giá mạnh mẽ và vươn đến mức giá đỉnh 59.200 đồng tại ngày 02/07 (giá điều chỉnh) thì HBC rơi vào tình trạng tích lũy trong suốt 2 tháng qua khi công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm và giá cổ phiếu được đánh giá đã phản ánh hết. Thanh khoản không nổi bật, giá cổ phiếu rơi xuống mức thấp nhất tại 53.000 đồng, một mặt khiến những nhà đầu tư kém kiên nhẫn rời cuộc chơi, mặt khác lại tạo cơ hội cho những nhà đầu tư có niềm tin mua gom và chờ đợi.

Thế nhưng phiên giao dịch ngày 29/08 đã bất ngờ chứng kiến sự bứt phá của cổ phiếu này khi tăng mạnh trong phiên, đóng cửa tại mức giá 57.100 đồng – tăng 4,2% và đặc biệt khối lượng tăng mạnh lên gần 4,6 triệu đơn vị. Điều gì đã tạo nên cú bứt phá này?

Giá cát, thép... tăng cao không ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận?

Theo thông tin chúng tôi có được, trong hơn 7 tháng đầu năm 2017, HBC đã trúng thầu 27 hợp đồng với tổng giá trị 12.950 tỷ đồng – đạt 65% kế hoạch năm. Con số này chưa tính giá trị hợp đồng tại dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất. Nếu tính cả số hợp đồng còn lại từ năm 2016 thì tổng giá trị hợp đồng HBC hiện còn 28.950 tỷ đồng – đảm bảo cho kế hoạch doanh thu 16.000 tỷ đồng năm 2017.

Với tình hình trúng thầu liên tục, doanh thu không phải là vấn đề đối với HBC. Nỗi quan ngại của nhà đầu tư trong những tháng gần đây khi nhắc về doanh nghiệp xây dựng này là việc giá vật tư xây dựng (cát, đá và sắt thép…) tăng cao đột biến, có thể làm giảm biên lợi nhuận của HBC.

Tuy nhiên, thông tin từ Phòng hợp đồng và Phòng vật tư cho biết, các dự án khi trúng thầu và ký hợp đồng xây dựng đều phải thực hiện ngay việc ký hợp đồng đặt cọc mua toàn bộ khối lượng vật tư trọng yếu (thép, xi măng, cát, đá…) cho dự án đó. Đây là chính sách để quản trị rủi ro và đảm bảo biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, mảng xây dựng đem lại gần 13.900 tỷ đồng doanh thu cho HBC trong năm 2017, bất động sản đem lại hơn 1.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này dự kiến lợi nhuận sau thuế khoảng 1.008 tỷ đồng, tương đương EPS hơn 7.800 đồng. HBC cũng đặt mục tiêu vốn hóa thị trường trong năm nay lên hơn 10.000 tỷ đồng.

Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCK Rồng Việt nhận xét, 2/3 doanh thu của Hòa Bình đến từ mảng nhà ở và thương mại, tăng trưởng doanh thu năm 2017 của HBC sẽ chủ yếu đến từ các dự án chung cư và phức hợp thương mại lớn mà doanh nghiệp này ký được trong năm 2016 và 2017. Năng lực thiết kế và thi công trọn gói của doanh nghiệp đang được cải thiện và sẽ là nhân tố chủ chốt giúp HBC thắng được các gói thầu lớn, phức tạp và tăng biên lợi nhuận gộp tại mảng này và nhất là nâng vị thế của doanh nghiệp đối với các chủ đầu tư.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng kỳ vọng mảng xây dựng nhà xưởng của HBC cũng sôi động trở lại khi doanh nghiệp vừa mới công bố gói thầu thiết kế & thi công cho dự án thép Dung Quất của Hoà Phát. Xây dựng nhà xưởng và hạ tầng đã từng đóng góp tương đối lớn vào doanh thu của HBC trong giai đoạn 2012-2013, vì vậy chúng tôi kỳ vọng các dự án công nghiệp và hạ tầng sẽ giúp HBC đa dạng hoá doanh thu trong thời gian tới.” – Các chuyên gia đánh giá.

Động lực từ việc thu hồi nợ phải thu khó đòi?

Đối với HBC, nhà đầu tư vẫn luôn e ngại về vấn đề nợ, khoản phải thu cao và dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2017, khoản phải thu ngắn hạn lên tới 8.104 tỷ đồng – chiếm 62,4% tổng tài sản của HBC, trong đó phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng là 4.527 tỷ đồng – tăng 47% so với đầu năm.

Khoản phải thu tăng đi kèm với con số doanh thu 6 tháng đầu năm cũng tăng trưởng 66% so với cùng kỳ năm trước, đạt 6.773 tỷ đồng.

Đáng chú ý, do những “tàn tích” từ thời kỳ khó khăn trước đây – khi HBC chấp nhận vay nợ để thi công cho chủ đầu tư, doanh nghiệp đang phải trích lập dự phòng gần 333 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khó đòi. Cũng theo thông tin từ HBC, việc thu hồi nợ tại một số dự án đang diễn ra khá tích cực và có khả năng được hoàn nhập dự phòng một số khoản phải thu trong quý 3/2017.

Về phần nợ, tỷ lệ nợ vay của HBC lên tới 84% và nợ ngắn hạn tại thời điểm cuối quý 2 là 10.234 tỷ đồng. Trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 3.674 tỷ đồng, các khoản người mua trả tiền trước và phải trả người bán là những khoản mục lớn tiếp theo. Tuy nhiên, bên cạnh việc vay nợ thì doanh nghiệp cũng có gần 1.500 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng.

Nếu sử dụng đòn bẩy tài chính và quản trị rủi ro tốt thì đây là một chiến lược hiệu quả để làm tăng tỷ suất sinh lời ROE và nhà đầu tư kỳ vọng vào điều này đối với Hòa Bình. Doanh nghiệp cũng thông tin sẽ tiếp tục cái thiện tình hình tài chính, cân bằng nguồn vốn thông qua việc tận dụng các khoản vay ngân hàng tín chấp với lãi suất thấp từ 5,2% - 6,5%. Việc tái cấu trúc nguồn vốn sẽ được thực hiện bằng phát hành cổ phiếu riêng lẻ/phát hành trái phiếu tại thời điểm thích hợp. Hồi đầu năm, HBC đã có kế hoạch phát hành 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nhưng tạm hoãn.

Hòa Bình đang nỗ lực tái cấu trúc và gặp "thiên thời" để tăng trưởng, khẳng định vị thế - đó là điều có thể nhìn thấy được trong 2 năm nay. Nhưng cổ phiếu có thể đi tiếp được hay không? Câu hỏi đó chỉ thời gian mới trả lời được.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên