MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau 22 năm phát triển, quy mô vốn hoá TTCK Việt Nam tăng gấp 7.840 lần, hơn 6 triệu tài khoản được mở mới

Sau 22 năm phát triển, quy mô vốn hoá TTCK Việt Nam tăng gấp 7.840 lần, hơn 6 triệu tài khoản được mở mới

Từ 2 doanh nghiệp niêm yết đầu tiên, số lượng chứng khoán trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM tới cuối tháng 6/2022 là 2.186. Vốn hoá thị trường chứng khoán lên tới 7.842.166 tỷ đồng, gấp hàng nghìn lần so với con số khiêm tốn gần 1.000 tỷ đồng của năm 2000.

Ngày 20/07/2000, Trung tâm Chứng khoán Tp.HCM (tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM – HOSE) chính thức khai trương hoạt động và chính thức trở thành đơn vị tổ chức giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam.

Phiên giao dịch đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/7/2000 với 2 cổ phiếu niêm yết là REE (CTCP Cơ điện lạnh) và SAM (CTCP Cáp và Vật liệu viễn thông) với tổng giá trị cổ phiếu niêm yết 270 tỷ đồng và có sự tham gia của 6 CTCK thành viên (SSI, FSC, BVSC, ACBS, TLS, BSC). Biên độ dao động giá được áp dụng: ± 2% đối với cổ phiếu, ±1,5% đối với trái phiếu. Khớp lệnh 1 lần/1 ngày, 3 ngày 1 tuần, thời gian giao dịch từ 9 giờ đến 11 giờ, chưa thực hiện giao dịch thỏa thuận, chu kỳ thanh toán T+4.

Đến nay, sau hơn 2 thập niên, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ 2 doanh nghiệp niêm yết đầu tiên, số lượng cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM tới cuối tháng 6/2022 đạt con số là 2.186. Tổng khối lượng chứng khoán niêm yết và đăng ký giao dịch trên cả ba sàn đạt gần 187.000 tỷ chứng khoán.

Bên cạnh thị trường cổ phiếu, thị trường Việt Nam có 434 mã trái phiếu niêm yết với giá trị đạt hơn 1.592 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so với cuối năm 2021. Sàn phái sinh mở cửa năm 2017, hiện có 2 sản phẩm giao dịch. Sàn chứng quyền tăng mạnh về loại sản phẩm và giá trị giao dịch kể từ khi mở cửa hoạt động, hiện có 128 sản phẩm, tăng 25% so với năm trước.

Không chỉ tăng số lượng "hàng hóa", vốn hoá thị trường cả ba sàn tại thời điểm 30/6/2022 đạt khoảng 7.842.166 tỷ đồng, gấp hàng nghìn lần so với con số khiêm tốn gần 1.000 tỷ đồng của năm 2000. Trong đó, vốn hoá HoSE hiện đạt 4.758.219 tỷ đồng, vốn hoá sàn HNX đạt 320.061 tỷ đồng và vốn hoá sàn UPCoM đạt 1.171.589 tỷ đồng. 

Thị trường cũng ghi nhận có tới 42 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD (trên 23.000 tỷ đồng); trong đó, có 3 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỷ USD gồm Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã chứng khoán: VCB), CTCP Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) và Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC).

Sau 22 năm phát triển, quy mô vốn hoá TTCK Việt Nam tăng gấp 7.840 lần, hơn 6 triệu tài khoản được mở mới - Ảnh 1.

Đi kèm với sự phát triển liên tục và đa dạng của quy mô cũng như các sản phẩm trên thị trường chứng khoán, lượng người tham gia đầu tư cũng nhanh chóng nở rộ, đặc biệt trong giai đoạn hai năm 2020-2021 và nửa đầu năm 2022. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới hơn 1,8 triệu tài khoản trong nửa đầu năm 2022, vượt qua con số kỷ lục 1,5 triệu tài khoản trong cả năm ngoái. Lượng tài khoản mở mới trong 6 tháng đầu năm nay chiếm đến 1/3 tổng số tài khoản chứng khoán trong hơn 22 năm hoạt động.

Tổng cộng, tính đến cuối tháng 6, tổng số lượng tài khoản giao dịch trong nước đạt 6.119.911 tài khoản trong đó 6.105.973 tài khoản là của nhà đầu tư cá nhân. Con số này vào thời điểm cuối năm 2000 chỉ vỏn vẹn 2.997 tài khoản, chưa tới 0,05% số lượng hiện tại.

Sau 22 năm phát triển, quy mô vốn hoá TTCK Việt Nam tăng gấp 7.840 lần, hơn 6 triệu tài khoản được mở mới - Ảnh 2.

Tuy nhiên, không chỉ có tăng trưởng, 22 năm phát triển của TTCK Việt Nam cũng có cả những nốt trầm. Sự tăng trưởng nhanh chóng cũng đã khiến phát sinh một số vấn đề cần phải giải quyết như hiện tượng làm giá, thao túng giá cổ phiếu, hiện tượng doanh nghiệp cố tình lách các quy định của pháp luật để phát hành và giao dịch chứng khoán.

Không chỉ có các thông tin khởi tố, ảnh hưởng còn tới từ những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới, xung đột địa chính trị ảnh hưởng đến giá hàng hoá toàn cầu và Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng lãi suất nhiều lần khiến dòng tiền lo ngại rút ra khỏi thị trường chứng khoán.

Luồng thông tin tiêu cực bủa vây đẩy áp lực bán gia tăng, kết quả là điểm số của thị trường cũng nhanh chóng sụt giảm. Chốt phiên 30/6/2022, VN-Index đạt 1.197,6 điểm, giảm hơn 20% so với hồi đầu năm 2022. Nhìn lại lịch sử, ngưỡng 1.200 điểm lần đầu tiên được xác lập là vào giai đoạn 2006-2007. Sau đó, chỉ số đã phải mất hơn 10 năm mới có thể chinh phục lại ngưỡng điểm này để rồi cần thêm 4 năm nữa để đạt đỉnh mới tại mức 1.528,57 điểm vào ngày 6/1/2022. Nhưng ở thời điểm hiện tại, thị trường chứng khoán đang quay lại thời điểm của năm 2018 khi VN-Index mấp mé ở 1.200 điểm.

Mặc dù vậy, những động thái mạnh mẽ và quyết liệt của các cơ quan nhà nước trong thời gian qua kỳ vọng giúp thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch, hiệu quả, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Việc siết chặt kỷ cương trên TTCK được ví như một liều vaccine cho thị trường, có thể sẽ có những phản ứng phụ, nhưng sau đó thị trường sẽ có thêm kháng thể để chống chọi với những va đập bên ngoài cũng như thanh lọc nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư ham lướt sóng, tầm nhìn ngắn hạn.

Triển vọng vẫn tươi sáng trong dài hạn

Dẫu rằng thị trường vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, song với nền tảng vĩ mô vững chắc cộng thêm quan điểm kiên định của Chính phủ về khuyến khích phát triển và duy trì TTCK hoạt động ổn định minh bạch và bền vững, thị trường chứng khoán Việt Nam được giới chuyên gia nhận định có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn.

Trong báo cáo mới đây, VinaCapital đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, điều đang thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận đầy ấn tượng. Việc giảm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam là phù hợp với những gì đã diễn ra trên thị trường toàn cầu, mặc dù áp lực bán ngày càng gia tăng do sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ mới lần đầu tiên đối mặt với các lệnh dừng ký quỹ, cũng như sự kiểm soát đối với các công ty vay tiền để đầu tư cổ phiếu.

"Tuy nhiên, không điều gì trong số những lý do này có khả năng ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hoặc đến tổng lợi nhuận của các công ty niêm yết. Trong quý 1, mức lợi nhuận này tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và mức lợi nhuận kỳ vọng của tất cả các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM sẽ tăng gần 30% trong năm nay", VinaCapital cho hay.

Bên cạnh đó, khả năng phục hồi của tiền đồng bất chấp sự tăng giá mạnh của đồng Đô la Mỹ là một chỉ báo chính xác về sức mạnh cơ bản của nền kinh tế Việt Nam, từ đó giúp hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận cũng như sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Ngoài động lực từ sự phát triển kinh tế, việc rút ngắn chu kỳ thanh toán khi nhà đầu tư có thể được giao dịch ngay trong chiều ngày T+2 sẽ bắt đầu triển khai trong tháng 8 tới đây cũng kỳ vọng giúp giao dịch của nhà đầu tư được thực hiện nhanh hơn, trở thành điểm sáng tiếp theo đối với thị trường chứng khoán.

Đặc biệt, câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi tuy không mới nhưng luôn được xem là liều "dopping", điều tất yếu cho sự phát triển và hội nhập về dài hạn. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nếu giấc mơ nâng hạng thành hiện thực, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đón nhận tới hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ USD đổ vào, khơi thông dòng chảy thanh khoản và thúc đẩy sự phát triển của kênh dẫn vốn này.

Sau 22 năm phát triển, quy mô vốn hoá TTCK Việt Nam tăng gấp 7.840 lần, hơn 6 triệu tài khoản được mở mới - Ảnh 3.

Trong báo cáo chỉ số MSCI Frontier Market vào ngày 31/05/2022, Việt Nam vẫn đứng đầu rổ thị trường cận biên với tỷ trọng 28,45% (Nguồn: MSCI)

Bộ Tài chính trong văn bản công bố mới đây tiếp tục cho rằng vấn đề hạng thị trường chứng khoán (TTCK) là một trong những mục tiêu lớn đang được hướng tới. Trên thực tế, việc nâng hạng thị trường đã được đưa vào Đề án "Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" và dự thảo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.

Trong thời gian qua, cơ quan quản lý đã, đang nỗ lực và đặt quyết tâm cao để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của TTCK Việt Nam và đã đạt được một số thành quả nhất định. Hiện nay, dựa trên các tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng yêu cầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều tiêu chí cần có quyết tâm chung, sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn giúp thị trường sớm được nâng hạng trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, việc nâng hạng thị trường không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan quản lý bất kỳ TTCK nào trên thế giới, bởi vì việc đánh giá, phân loại và xếp hạng thị trường của các tổ chức xếp hạng như MSCI, hay FTSE đều phải tuân theo các nguyên tắc, quy trình và tiêu chí đánh giá của các tổ chức này. Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều tiêu chí cần có quyết tâm chung, sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn giúp thị trường sớm được nâng hạng trong tương lai gần nhất.

https://cafef.vn/sau-22-nam-phat-trien-quy-mo-von-hoa-ttck-viet-nam-tang-gap-7840-lan-hon-6-trieu-tai-khoan-duoc-mo-moi-20220725144921234.chn

Phương Linh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên