MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau 8 năm, tổ chức tài chính vi mô đầu tiên đã đạt được những kết quả gì?

25-09-2018 - 11:38 AM | Tài chính - ngân hàng

Khách hàng chủ yếu của tài chính vi mô là nhóm dân số có thu nhập thấp, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ. NHNN hiện nay đã xây dựng và triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vi mô giúp đối tượng là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo tiếp cận dòng vốn tín dụng.

Tại Hội thảo tài chính vi mô hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo tại Việt Nam được tổ chức sáng nay (25/9), Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết, hoạt động tài chính vi mô từ lâu đã được biết đến là một bộ phận cấu thành quan trọng của hệ thống tài chính và là một trong những công cụ xóa đói giảm nghèo hữu hiệu. Khách hàng chủ yếu của tài chính vi mô là nhóm dân số có thu nhập thấp, nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ.

Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phụ nữ đã được ban hành nhằm phát huy mọi tiềm năng, nâng cao vai trò, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong tất cả mọi lĩnh vực, đặc biệt là công tác xóa đói, giảm nghèo. NHNN cũng đã xây dựng và triển khai các giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng vi mô giúp đối tượng là phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo tiếp cận dòng vốn tín dụng.

Thực tiễn cho thấy, với điều kiện vay vốn đơn giản, không cần tài sản thế chấp, cấp và nhận vốn ngay tại nơi người dân sinh sống, tài chính vi mô được xem là một công cụ "đòn bẩy" nhằm tăng cường sự tự tin của phụ nữ, thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập và thoát nghèo, từ đó khẳng định vai trò và vị thế của họ trong gia đình và xã hội.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ nhấn mạnh vai trò quan trọng của tài chính vi mô đối với phụ nữ hiện nay, bà cho biết, khác với các ngân hàng, vốn vay từ tài chính vi mô sẽ đến với những người nghèo nhất mà không cần tài sản bảo đảm, thế chấp nào.

Tuy nhiên, các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính vi mô cho rằng hiện nay nguồn vốn cho vay vẫn còn hạn chế, khung pháp lý cho hoạt động tài chính vi mô vẫn chưa thực sự hoàn thiện. Hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam còn hoạt động khá manh mún, sản phẩm, dịch vụ chưa đa dạng, các chỉ số bền vững hoạt động và tài chính chưa cao,...

Trong bối cảnh đó, hiện nay, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (NHNN) cho biết NHNN đã và đang có những định hướng phát triển hoạt động tài chính vi mô và tài chính toàn diện. Ông Phạm Xuân Hòe giải thích, tài chính toàn diện được hiểu là việc các cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ tài chính hữu ích với giá cả phải chăng, đáp ứng được các nhu cầu của họ bao gồm: chuyển tiền, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững.

Trên thế giới hiện nay, đã có 55 nước cam kết về tài chính toán diện, 30 nước đã ban hành chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện. Tại Việt Nam, tài chính toàn diện đã và đang được khởi động, có sự hỗ trợ xây dựng từ World Bank. Trong đó, bước đầu, Chính phủ tại Quyết định 1726 ngày 5/9/2016 ban hành đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế. Đề án đặt ra 8 chỉ tiêu thách thức ngành ngân hàng cần đạt được đến năm 2020, trong đó 7/15 chỉ tiêu của tài chính toàn diện.

Cụ thể, đến năm 2020, 70% dân số trưởng thành có tài khoản tại các ngân hàng. Hai là có ít nhất 20 chi nhánh, phòng giao dịch trên 1000.000 dân số trưởng thành. Ba là có khoảng 30 nghìn máy ATM, tương đương mỗi 100.000 dân số trưởng thành thì có 40 máy ATM. Bốn là có hơn 300.000 nghìn máy POS trên toàn quốc, tức mỗi 100.000 dân số trưởng thành thì có 400 chiếc máy POS. Năm là 15% số chi nhánh và phòng giao dịch của NHTM được mở tại địa bàn nông thôn. Sáu, khoảng 35-40% người trưởng thành ở nông thôn có tiết kiệm TCTD. Bảy, khoảng 50-60% DNNVV đang hoạt động được tiếp cận tín dụng. Tám, tăng gấp 2 lần tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng.

Ông Hòe chia sẻ, hiện nay đã có những ngân hàng sử dụng công nghệ số để cung ứng dịch vụ tài chính cho vùng sâu vùng xa. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ ứng dụng công nghệ 4.0 để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người nghèo.

Bà Phạm Minh Trâm, đại diện tổ chức tài chính vi mô tình thương TYM là tổ chức tài chính vi mô đầu tiên được NHNN cấp phép vào năm 2010 cho biết, đến nay, TYM đã có mặt trên 13 tỉnh thành, cung cấp sản phẩm cho 148.000 phụ nữ nghèo và phụ nữ có thu nhập thấp, 2.000 dân tộc thiểu số, 1.000 thành viên nhiễm hoặc chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và khuyết tật. Tổ chức tài chính vi mô TYM hiện nay có dư nợ vốn ở mức 1.313 tỷ đồng, dư tiết kiệm 1.085 tỷ đồng. Bà Trâm cho biết, TYM luôn duy trì tỷ lệ hoàn trả lên tới 99,99%.

Sau nhiều năm hoạt động, tổ chức đã giúp trên 120.000 phụ nữ thoát nghèo, 7.000 thành viên trở thành nữ doanh nghiệp, 90 thành viên nhận giải thưởng doanh nhân vi mô xuất sắc, 3.000 phụ nữ được bầu vào HĐNC các cấp,…

Bà Trâm cho rằng, để tổ chức tài chính vi mô hoạt động hiệu quả thì việc hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo và phát triển bền vững không thể chỉ dựa vào vốn vay mà bên cạnh vốn vay còn có nhiều hoạt động nữa như tiết kiệm, quan tâm nâng cao năng lực cho các thành viên. Bên cạnh đó, cần thiết kế sản phẩm theo đúng nhu cầu và thuận tiện cho thành viên. Mỗi một doanh nghiệp đều cần phải cân bằng hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, thực hiện tốt các nguyên tắc bảo vệ khách hàng.

Hải Vân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên