MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau biến cố, các ngân hàng đã đi qua "bóng tối" như thế nào?

15-12-2016 - 07:21 AM | Tài chính - ngân hàng

Bước ra khỏi những khủng hoảng, các nhà băng đã dần lấy lại sự phục hồi thậm chí là lột xác để thay đổi vận mệnh. Đến nay, họ đang từng bước xử lý những tồn đọng, chữa lành những vết thương của mình.

ACB, 3 ngân hàng 0 đồng VNCB, OceanBank, GPbank và ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt Đông Á là những ngân hàng từng mang đầy “vết thương” sau những chuỗi ngày biến cố: lãnh đạo ngân hàng lần lượt bị bắt, áp lực từ tâm lý của thị trường, chiến lược kinh doanh bỗng chốc mất phương hướng... Tuy nhiên, từ trong bão giông, họ đã tự mình vực dậy và đang chữa lành những vết tích cũ.

ACB

Sóng gió ngày 21/8/2012 đã làm rúng động cả thị trường với tin bầu Kiên - Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Sáng lập ACB bị bắt giam và 3 ngày sau, ông Lý Xuân Hải – nguyên Tổng giám đốc ACB cũng bị bắt. Mức độ nghiêm trọng của sự việc chưa dừng lại ở đó khi hơn một tháng sau, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị - Trần Xuân Giá và 3 nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB lần lượt từ nhiệm và bị khởi tố.

Từ một trong những ngân hàng thương mại cổ phần mạnh nhất Việt Nam vào thời điểm đó, ACB đã loạng choạng. Tuy nhiên, sự trở lại của gia đình ông Trần Mộng Hùng và toàn bộ cán bộ nhân viên đã xây đắp lại ACB sang một trang mới. Cho đến nay, từ một ACB bị đảo lộn đã lấy lại đà phục hồi.

9 tháng đầu năm 2016, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 1.244 tỷ đồng, tăng 14%. Sau thuế, ngân hàng còn 996 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,32% xuống còn 1,12% và tiếp tục được tập trung xử lý tích cực bằng nhiều biện pháp. Tỷ lệ nợ nhóm 2-5 cũng giảm 0,3% từ 3,1% xuống còn 2,8%.

Giám đốc Tài chính ACB cho biết cơ cấu tài sản hợp nhất của ngân hàng ACB tiếp tục được tái cấu trúc mạnh mẽ và là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngân hàng. Tỷ lệ an toàn vốn, khả năng thanh khoản, chất lượng tài sản của ACB hiện đang ở mức rất tốt. Các vấn đề còn tồn đọng đang được xử lý một cách chặt chẽ, có hệ thống.

Song lãnh đạo ACB cũng chỉ ra ngân hàng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong những tháng cuối năm ảnh hưởng lên NIM của ngân hàng, như: chi phí huy động có thể tăng nhanh, mạnh hơn lãi suất cho vay do sự cạnh tranh từ các ngân hàng khác, bên cạnh đó tốc độ tăng trưởng dư nợ cao như đầu năm sẽ bị hạn chế bởi trần tăng trưởng tín dụng của NHNN.

Vấn đề lớn nhất của ACB hiện nay là xử lý nợ xấu liên quan đến “nhóm 6 công ty” của bầu Kiên, GP Bank và Ngân hàng Xây Dựng.

Đối với nhóm nợ G6 liên quan đến bầu Kiên, ACB đã đặt ra mục tiêu thu hồi khoản phải thu hoặc ghi nhận dự phòng trong vòng 3 năm tới, kéo dài từ 2016-2018 và đặt mục tiêu 1.000 tỷ đồng (45 triệu USD). Trong vòng 3 tháng đầu tiên, đã có ít nhất 100 tỷ đồng (4 triệu USD) được thu hồi và 200 tỷ đồng (9 triệu USD) chi phí dự phòng được ghi nhận trong báo cáo tài chính. Do đó, trong quý 1/2016, ngân hàng đã hoàn thành 30% kế hoạch của năm nay.

Khoản tiền gửi liên ngân hàng tại GP Bank vẫn không đổi vào thời điểm cuối quý 1/2016 là 772 tỷ đồng (35 triệu USD). Tuy nhiên, trong tháng 4, ACB đã hoán đổi hơn 500 tỷ đồng (22 triệu USD) với các tài sản khác của GP Bank. Theo trao đổi, lãnh đạo của ngân hàng cho biết các tài sản này là trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất trung bình 9,2%.

Khoản phải thu từ CBBank là 400 tỷ đồng (18 triệu USD), ngân hàng này hiện đang chịu sự giám sát của NHNN, NHNN đã đồng ý hoàn trả cho ACB trong vòng 5 năm theo phương án thanh toán định kỳ với lãi suất 2%/năm, do đó, khoảng 88 tỷ đồng (4 triệu USD) sẽ được thanh toán trong năm đầu tiên. ACB cũng có kế hoạch tái phân loại khoản nợ này thành nợ Nhóm 1 khi CBBank bắt đầu thanh toán, đồng nghĩa với khoản dự phòng 176 tỷ đồng (8 triệu USD) sẽ được hoàn nhập, và ACB cũng sẽ bắt đầu ghi nhận lãi dự thu. Trong trường hợp này, báo cáo KQKD sẽ được ghi tăng khoảng 184 tỷ đồng (8 triệu USD), là các khoản doanh thu liên quan đến CBBank. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, CBBank chưa thanh toán cho ACB.

OceanBank

Sau khi hàng loạt lãnh đạo của ngân hàng bị bắt, OceanBank đã được đổi tên thành Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương do Nhà nước sở hữu có vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng. Mạng lưới hoạt động bao gồm 21 chi nhánh và 101 phòng giao dịch.

Chủ tịch HĐTV OceanBank ông Đỗ Thanh Sơn, tại buổi tổng kết hoạt động năm 2015 của nhà băng này, cho biết trong năm qua ngân hàng tập trung tối đa vào công tác xử lý, thu hồi nợ; đồng thời tiến hành sắp xếp lại mô hình tổ chức một cách khoa học; ổn định thanh khoản và đảm bảo khả năng chi trả cho khách hàng; hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, quy trình quy chế, văn hóa quản trị kinh doanh lành mạnh, công khai và minh bạch. Kết quả, OceanBank đã hoạt động có lãi trở lại, ổn định tâm lý, đảm bảo công việc cũng như thu nhập phù hợp với tình hình thực tế của OceanBank cho hơn 2.500 CBNV.

Việc OceanBank có lãi cũng được đề cập tại Hội nghị tổng kết năm 2015 của VietinBank khi Chủ tịch ngân hàng VietinBank cho biết công tác thu hồi nợ xấu tại OceanBank đã có sự cải thiện, đã xử lý thu hồi được 5.000 tỷ đồng nợ xấu và đến cuối năm 2015 ngân hàng đã bắt đầu có lãi.

Tại buổi hội nghị sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm nay, ông Sơn cho biết, chỉ riêng 6 tháng đầu năm huy động tiền gửi tiết kiệm cá nhân có mức tăng trưởng gần 30% so với số liệu ngày 31/12/2015. Đối với cho vay khách hàng cá nhân, OceanBank đã ban hành nhiều sản phẩm ưu đãi lãi suất giành cho khách hàng, dư nợ cho vay tăng 24%; Công tác thu hồi nợ đạt 28% kế hoạch năm 2016.

GPBank

GPBank được chuyển đổi mô hình kể từ ngày 7/7/2015. Sau khi chuyển đổi vẫn mang tên GPBank nhưng nhận diện thương hiệu đã thay đổi.

Từ 1 ngân hàng âm vốn, GPBank nay có vốn điều lệ 3.018 tỷ đồng. VietinBank đã hỗ trợ bằng cách cử người sang với ông phó tổng giám đốc Phạm Huy Thông sang làm Tổng giám đốc, còn bà Trần Thị Lệ Nga trong Ban kiểm soát sang làm chủ tịch Hội đồng thành viên. Từ đầu tháng 10/2016, bà Nga về hưu, ngân hàng vẫn chưa công bố ai làm chủ tịch.

Theo lời giới thiệu của nhà băng này, GPBank nay có 1 hội sở chính và không ngừng mở rộng với gần 80 chi nhánh/phòng giao dịch/quỹ tiết kiệm trên toàn quốc cùng đội ngũ hơn 1.400 cán bộ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp. Có tới hơn 97% cán bộ nhân viên của GPBank đã có trình độ đại học, trên đại học và thành thạo nghiệp vụ chuyên môn.

Theo số liệu mới nhất từ GPBank mà chúng tôi tìm hiểu được, đến cuối tháng 6/2016, số dư huy động vốn của GPBank tăng 8,7% so với ngày 06/07/2015. Đặc biệt từ tháng 4/2016, dư nợ trên toàn hệ thống đã tăng trưởng trở lại so với đầu năm.

Ngoài ra, ngân hàng xác định công tác xử lý nợ xấu là một trong những ưu tiên hàng đầu, GPBank đang tích cực, triển khai rà soát, phân loại và đánh giá lại các khoản nợ xấu, khoản phải thu; thành lập Ban thu hồi nợ, sát sao xử lý nợ xấu và chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu.

CBBank

Sau khi được mua lại và chuyển đổi mô hình hoạt động sang ngân hàng TNHH một thành viên kể từ ngày 5/3/2015, ngân hàng VNCB được đổi thành CBBank với nhận diện thương hiệu cũng hoàn toàn mới.

Vietcombank là ngân hàng được NHNN giao hỗ trợ cho CBBank với ông Nguyễn Văn Tuân là chủ tịch hội đồng thành viên. Đến nay, CBBank đã có mạng lưới 112 điểm giao dịch trên toàn quốc với nhân sự 1.500 người và vốn điều lệ 3.000 tỷ.

Theo giới thiệu của ngân hàng này thì CBBank từ một ngân hàng 0 đồng, mất thanh khoản vào tháng 3/2015, nhưng đến tháng 6/2016 ngân hàng đã đạt số dư huy động vốn đạt 29.552 tỷ đồng với doanh số huy động vốn tăng ròng trong 6 tháng đạt 2.497 tỷ đồng. Hoạt động xử lý nợ xấu được chú trọng với 500 tỷ đồng bán cho VAMC năm ngoái và tiếp tục bán nợ thêm trong năm nay. CBBank cũng đã tiến hành xử lý nợ xấu tồn đọng cũ từ thời TrustBank với khởi đầu là việc khởi kiện Phương Trang để đòi 3.000 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, chỉ sau 120 ngày kể từ khi được mua lại giá 0 đồng, tháng 7/2015 đánh dấu sự trở lại đồng loạt các hoạt động kinh doanh của CBBank. Cho đến nay, ngân hàng đã được mở đầy đủ phạm vi hoạt động nghiệp vụ với tất cả các mảng hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đối với một ngân hàng thương mại như huy động vốn, sử dụng vốn, cấp tín dụng, trung gian tài chính, cho vay khách hàng cá nhân, bảo lãnh, phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ và đổi mới mạng lưới hoạt động...

Đông Á

Cách đây ít ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Trần Phương Bình, cựu Tổng giám đốc của Ngân hàng Đông Á cùng với một số cựu lãnh đạo cao cấp khác.

Ngân hàng Đông Á đã nằm trong diện giám sát đặc biệt của NHNN kể từ tháng 8/2015. Hơn 1 năm trước, một số lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Đông Á đã bị đình chỉ chức vụ và kể từ đó ngân hàng hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN.

Sau hơn 1 năm kiểm soát đặt biệt, hoạt động của ngân hàng Đông Á đã đi vào ổn định và có những tiến triển đáng ghi nhận. Tỷ lệ dự trữ thanh khoản hiện tại là 20% (so với quy định của Ngân hàng nhà nước là 10%); Tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày tiếp theo đối với VND là 82% (so với quy định của Ngân hàng nhà nước là 50%); Tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày tiếp theo đối với các loại ngoại tệ qui USD là 106% (so với quy định là 10%).

11 tháng đầu năm 2016 nguồn vốn huy động của ngân hàng liên tục tăng trưởng với mức tăng bình quân mỗi tháng là 1,5% (tương đương +1.000 tỷ đồng/tháng). Cuối tháng 11/2016, nguồn vốn huy động tăng trưởng hơn 5% so cuối năm 2015. Dư nợ tín dụng có sự tăng trưởng trở lại từ tháng 8/2016 đến nay. Số lượng khách hàng DongA Bank đang phục vụ là hơn 7 triệu.

Về công tác thu hồi xử lý nợ xấu, tính từ thời điểm 13/8/2015 (thời điểm kiểm soát đặc biệt) đến 30/11/2016, Ngân hàng Đông Á đã xử lý và thu hồi được 3.655 tỷ đồng.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên