MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng: Người dân vẫn ở trong chung cư chờ sập

04-06-2016 - 11:57 AM | Bất động sản

Ngày 4.3.2016, tại buổi làm việc với lãnh đạo quận 1, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã chỉ đạo quận 1 cần đề xuất các giải pháp đột phá, thực hiện quyết liệt giải quyết các chung cư cũ. Không thể để người dân nơm nớp sống trong chung cư có thể sập bất cứ lúc nào. Sau 3 tháng, từ khi Bí thư Thăng chỉ đạo, hiện nay người dân vẫn sống trong những chung cư cũ… chờ sập.

Dân chưa yên tâm để di dời

Trên địa bàn quận 1 có khoảng 89 chung cư được xây dựng từ trước năm 1975, hiện đã xuống cấp và hư hỏng, trong đó có những chung cư được xếp vào diện không an toàn cần sớm di dời, tháo dỡ. Điển hình là chung cư Cô Giang nằm trên địa bàn phường Cô Giang, quận 1. Chung cư Cô Giang được xây dựng vào khoảng năm 1968, gồm 4 lô (A, B, C, D), với khoảng 750 hộ dân sinh sống. Từ khoảng năm 2006, TPHCM có chủ trương đầu tư khu căn hộ và trung tâm thương mại tại chung cư Cô Giang. Đến năm 2011, UBND TPHCM đã chỉ đạo di dời các hộ dân và tháo dỡ khẩn cấp chung cư này, song đến nay vẫn còn khoảng 150 hộ sinh sống.

Tại buổi làm việc ngày 4.3 với lãnh đạo quận 1, cho rằng, nhu cầu giải quyết chung cư cũ mất an toàn rất cấp bách, mà theo cơ chế hiện nay thì rất lâu, vì vậy Bí thư Đinh La Thăng đã gợi mở cho quận 1 đề xuất lãnh đạo thành phố cho thí điểm cơ chế ủy quyền cho quận tự giải quyết, đập bỏ trước mắt chung cư nào xuống cấp nghiêm trọng và quận tự đàm phán với nhà đầu tư, người dân. Nếu thí điểm làm tốt sẽ triển khai làm tất cả những chung cư cũ khác. Tiếp đó, ngày 18.3.2016, Bí thư Đinh La Thăng cũng đã xuống thị sát tại chung cư Cô Giang.

Theo tìm hiểu của PV, sau những chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành ủy, thông tin trên báo chí, UBND Q.1 cho biết đã thống nhất kế hoạch di dời khẩn cấp các hộ tại lô D trước ngày 15.4.2016 vì lô này đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, ngày 1.6.2016, PV có mặt ghi nhận, các hộ dân vẫn sinh sống trong những căn hộ cũ nát của chung cư Cô Giang. Lối đi lại giữa các lô A, B, C, D đều hoang tàn, ẩm thấp, nhếch nhác. Các mảng tường, trần bị bong tróc trơ cả sắt thép ra ngoài. Nhiều vị trí tường bị nứt toác. Theo phản ánh của người dân, khoảng giữa tháng 4.2016, lãnh đạo quận có xuống gặp gỡ các hộ dân. Tuy vậy, hiện nay người dân vẫn chưa thể yên tâm di dời, bởi các phương án di dời, tái định cư, tạm cư hỗ trợ, bồi thường chưa rõ ràng.

Tại chung cư này, người dân dán nội dung trích dẫn Nghị quyết 34 của Chính phủ ban hành năm 2007 về một số giải pháp để thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp: “Trường hợp chủ sở hữu căn hộ không có nhu cầu tái định cư tại chỗ sau khi dự án hoàn thành thì được phép bán căn hộ của mình cho chủ đầu tư theo giá thoả thuận trước khi thực hiện việc phá dỡ chung cư cũ”.

Bà L (lô D), cho rằng, lâu nay việc thỏa thuận giữa chủ đầu tư và một số hộ dân chưa thống nhất nên vẫn còn nhiều hộ chưa an tâm di dời. “Rồi còn một số vấn đề khác như nếu các hộ dân có nhu cầu tái định cư tại chỗ sau khi dự án xây mới hoàn thành thì việc tạm cư ở đâu? Hay khi dân tự đi thuê nhà tạm cư thì tạm cư trong bao lâu?...” - đó là những vấn đề mà chị L cũng băn khoăn lo lắng.

Được biết, quận đưa ra mức giá bồi thường đối với những căn hộ có diện tích dưới 30m2 (không muốn tái định cư tại chỗ) khoảng 750 triệu đồng. “Với mức giá bồi thường như vậy, làm sao chúng tôi có thể mua được một căn hộ mới ngay tại địa bàn quận 1. Chúng tôi chỉ mong muốn có một nơi ở ổn định ngay tại vị trí cũ sau khi được xây mới hoặc một mức giá bồi thường đảm bảo cho chúng tôi có thể mua được căn hộ ngay tại địa bàn quận 1, để ổn định cuộc sống” - bà S (lô A) chia sẻ nguyện vọng của mình.

Nếu không di dời sẽ cưỡng chế

Theo thống kê từ Sở Xây dựng TPHCM, hiện cả thành phố có khoảng 474 chung cư, cư xá xây dựng trước năm 1975. Phần lớn những chung cư này đang bị xuống cấp. Trong đó, có chung cư 727 Trần Hưng Đạo (quận 5) cao 13 tầng, được xây dựng từ năm 1960. Nhiều năm qua, chung cư này đã xuống cấp đến mức báo động như: Tường nứt, hệ thống dầm và trụ đỡ bị mục, bong tróc, cốt thép bị gỉ sét. Có lần các mảng bêtông bong tróc rơi xuống làm người dân bị thương. Thành phố đã có chủ trương cải tạo xây mới chung cư này và di dời người dân đi nơi khác an toàn từ năm 2009. Đến nay vẫn còn 10 hộ chưa chịu di dời vì chưa thống nhất mức hỗ trợ, bồi thường.

Ngày 20.5.2016, tại buổi làm việc với lãnh đạo quận 5, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đặt câu hỏi: “Chưa thấy chung cư cũ sập nên chưa sợ đúng không?”. Bí thư Đinh La Thăng cũng nêu ra chung cư 727 Trần Hưng Đạo xuống cấp trầm trọng nên bất luận thế nào phải để người dân được sống trong ngôi nhà an toàn, chứ không thể sống ở nơi có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Sau buổi làm việc này, cuối tháng 5.2016, UBND TPHCM đã có văn bản giao quận 5 khẩn trương rà soát phương án hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, đảm bảo hợp tình, hợp lý và khả thi để làm cơ sở vận động, thuyết phục 10 hộ dân còn lại tại chung cư 727 Trần Hưng Đạo, sớm di dời để tháo dỡ khẩn cấp chung cư này. Trường hợp đã vận động thuyết phục nhưng 10 hộ dân này vẫn không chịu di dời thì tiến hành thực hiện cưỡng chế theo quy định để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân.

Ngày 3.6, anh N.T.T (một trong 10 hộ chưa di dời), cho hay: “Ngày 2.6, UBND phường đã mời chúng tôi lên vận động di dời nhằm đảm bảo an toàn. Chúng tôi cũng trình bày rằng, sẵn sàng ra đi khi một số quyền lợi được đảm bảo”. Theo một số hộ dân đang còn ở đây, họ mong muốn chính quyền địa phương đảm bảo cho họ có một căn hộ tái định cư tại địa bàn quận 5, với diện tích tối thiểu 30m2; hoặc hỗ trợ, đền bù bằng tiền để họ có thể mua một căn hộ khác trên địa bàn nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, vướng mắc này vẫn chưa được giải quyết thống nhất giữa chính quyền và người dân.

Trong khi đó, ông Phạm Quốc Huy - Chủ tịch UBND Q.5, cho biết, hiện quận đang triển khai vận động các hộ dân di dời. Trong trường hợp đã vận động rồi dân vẫn không di dời, quận sẽ tiến hành cưỡng chế.

Lâu nay, vấn đề vướng mắc lớn nhất trong việc di dời các hộ dân ra khỏi các chung cư cũ mục, chờ sập trên địa bàn thành phố là chưa tìm được sự thống nhất giữa người dân với chính quyền, chủ đầu tư trong việc hỗ trợ, bồi thường. Qua tiếp xúc của PV với những hộ dân vẫn còn đang ở lại tại các chung cư Cô Giang (Q.1) hay 727 Trần Hưng Đạo (Q.5), người dân đều có chung nguyện vọng được gặp Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng một lần cuối cùng để giãi bày những khúc mắc lâu nay. Bởi lẽ, người dân cho rằng, tất cả những sự việc lãnh đạo thành phố biết được chủ yếu thông qua báo cáo từ cấp quận, mà chưa gặp trực tiếp dân.

Ngày 30.5.2016, PV đã đến trực tiếp UBND Q.1, để tìm hiểu những vấn đề xung quanh việc giải quyết các chung cư cũ trên địa bàn quận như thế nào, kể từ sau khi làm việc với Bí thư Thành ủy vào ngày 4.3.2016. PV cũng đã chuyển những nội dung cần hỏi đến bộ phận Văn phòng UBND quận 1, song đến ngày 3.6.2016, PV vẫn chỉ được hứa hẹn chờ lãnh đạo quận sắp xếp trả lời.

Theo Nhóm PV

Lao động

Trở lên trên