MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau vụ Eximbank, các NHTM bắt đầu vào cuộc tăng tính năng an toàn cho người gửi tiền

01-03-2018 - 16:24 PM | Tài chính - ngân hàng

Vụ mất tiền tiết kiệm hơn 245 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Eximbank vừa qua vẫn chưa đi đến hồi kết khiến cho nhiều người băn khoăn e ngại. Rút kinh nghiệm từ vụ này và các vụ mất tài sản trước đó, các ngân hàng thương mại bắt đầu nhập cuộc để gia tăng tính năng để bảo vệ an toàn cho người gửi tiền.

Đầu tiên là Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) giới thiệu cách theo dõi chi tiết các khoản tiết kiệm của khách hàng thông qua website của ngân hàng này.

Theo đó, để kiểm tra tình trạng sổ của mình, người dùng chỉ cần truy cập website ngân hàng, nhấp vào biểu tượng "chú heo tiết kiệm" ở bên phải màn hình trang chủ rồi sau đó nhập một số thông tin cá nhân được bảo mật khác, khách hàng sẽ tra cứu được mọi thông tin của sổ bao gồm: tên chủ thẻ, số tiền gốc ban đầu, tiền gốc hiện tại, ngày gửi, ngày đáo hạn, kỳ hạn, lãi suất…Người dùng có thể kiểm tra ngay tình trạng sổ tiết kiệm theo cách này mà không cần phải thực hiện bất kỳ thủ tục đăng ký nào. Song ngân hàng cũng lưu ý cách kiểm tra này chỉ áp dụng với những khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại quầy chứ không phải tiết kiệm điện tử.

Đồng thời ngân hàng còn cho phép những người sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tra cứu được tất cả các các thẻ tiết kiệm của khách hàng đang mở tại Maritime Bank đều được hiển thị, bao gồm cả gửi tiết kiệm tại quầy và tiết kiệm online.

Như vậy, ngoài việc sử dụng internet banking để chủ động tra cứu được tình trạng số tiền tiết kiệm như từ trước đến nay trên hệ thống, thì với tính năng mới này khách hàng cũng đơn giản kiểm tra được sổ tiết kiệm một cách đơn giản, nhanh chóng.

Còn tại Sacombank, ngân hàng cũng vừa thông báo tới khách hàng việc theo dõi và quản lý tài khoản tiết kiệm.

Cách đầu tiên là tra cứu bằng cách nhập số tài khoản thẻ tiết kiệm trên trang web của ngân hàng. Song để sử dụng cách tra cứu này, khách hàng chỉ cần đăng ký thủ tục một lần duy nhất tại bất kỳ điểm giao dịch nào của Sacombank hoặc đăng ký trực tuyến trên chính trang web này.

Cách thứ hai, đối với khách hàng đang sử dụng dịch vụ Ngân hàng điện tử Sacombank có thể vào mục Tài khoản\Tài khoản có kỳ hạn trên Ngân hàng điện tử. Hệ thống sẽ hiển thị đầy đủ các thông tin như số tài khoản, tên sản phẩm, số tiền gửi, kỳ hạn, ngày đáo hạn, lãi suất… của tất cả các thẻ tiết kiệm khách hàng mở tại Sacombank.

Nam A Bank cũng gia tăng an toàn cho người gửi tiền bằng các thông báo mới về kiểm tra tài khoản. Theo ngân hàng này, khách hàng có thể kiểm tra tài khoản mọi lúc mọi nơi qua kênh Ngân hàng hiện đại như: SMS Banking, Mobile Banking, Internet Banking, trong đó riêng với SMS Banking, chỉ cần soạn tin nhắn theo cú pháp NAB SD [số tài khoản] gửi 8149; Hoặc với Mobile Banking và Internet Banking có thể tra cứu số dư, lịch sử giao dịch tài khoản thanh toán, Tài khoản tiết kiệm, Tài khoản thẻ...

Trước đó, tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề "Làm sao để đảm bảo an toàn tiền gửi ở ngân hàng" do CafeF phối hợp báo Trí thức trẻ tổ chức hôm 27/2, các chuyên gia đã khuyến nghị một số cách thức để người dân yên tâm hơn khi gửi tiền ngân hàng.

Về phía khách hàng, các chuyên gia lưu ý khi đến gửi tiền phải kiểm tra kỹ số tiền trên tài khoản, kỳ hạn bao nhiêu, các thông tin về cá nhân đã đúng hay chưa, nếu có gì chưa đúng phải báo ngay cho ngân hàng. Sau khi gửi tiết kiệm xong, khách hàng cần đăng ký dịch vụ SMS với ngân hàng để có bất cứ giao dịch nào phát sinh liên quan đến tài khoản cũng được thông báo đến số điện thoại. Nếu chẳng may có rủi ro, khách hàng cần báo cho ngân hàng để xử lý vụ việc một cách kịp thời nhất.

Chuyên gia cũng khuyến cáo ngân hàng nên thay đổi chữ ký từ chữ ký tay truyền thống sang dạng chữ ký điện tử. Theo ông Lê Nguyên Khang, trưởng phòng an toàn thông tin VCCorp, thì nước ngoài họ đã làm chữ ký điện tử từ rất lâu và vô cùng hiệu quả. Khách hàng đến giao dịch không cần quan trọng là ai, chữ ký thế nào, miễn sao chữ ký điện tử chính xác là được. Và ông Khang cũng cho rằng người dân nên chuyển sang cách thức gửi tiết kiệm online vì thực tế gửi online giao dịch an toàn hơn rất nhiều so với gửi tiết kiệm truyền thống.

Luật sư Chu Mạnh Cường, trưởng VP Luật sư Danh Chính, đoàn luật sư TP. Hà Nội thì đề xuất các ngân hàng nên có các bảng niêm yết về quy trình gửi tiền tiết kiệm một cách rõ ràng để người dân có thể đọc và hiểu kỹ trước khi ngồi vào quầy giao dịch.

Trở lại các động thái mới của các ngân hàng trong ngày đầu tháng 3, theo đánh giá của giới quan sát, giải pháp kịp thời của các ngân hàng đã góp phần quan trọng trong việc xóa tan những lo lắng của nhiều khách hàng trong thời.

Ngọc Toàn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên