MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SBT chi trả cổ tức bằng tiền mặt 8% niên độ 17-18

26-06-2019 - 13:30 PM | Doanh nghiệp

Ngày 24/6/2019, Công ty CP Thành Thành Công Biên Hòa (TTC Biên Hòa, SBT) đã ban hành Nghị quyết Hội đồng Quản trị thông qua phương án chi trả cổ tức bằng tiền 4% còn lại cho niên độ 17-18.

SBT tiến hành thực hiện chi trả 4% cổ tức tiền mặt còn lại, hoàn thành nghĩa vụ cổ tức với Cổ đông

Theo đó, tỷ lệ cổ tức đã tạm ứng là 4%, đã hoàn thành vào ngày 25/1/2019; tỷ lệ cổ tức chi trả còn lại là 4% nghĩa là mỗi cổ phần sở hữu nhận được 400 đồng tiền mặt. Công ty sẽ sử dụng hơn 210 tỷ đồng từ nguồn Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để chi trả cho cổ đông hiện hữu có tên trong danh sách tại ngày chốt danh sách Cổ đông hưởng quyền. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 10/7/2019, ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 9/7/2019 cũng là ngày giá cổ phiếu SBT điều chỉnh kỹ thuật và thời gian thực hiện chi trả dự kiến là ngày 9/8/2019. Như vậy, SBT hoàn thành trả cổ tức tiền mặt 8% cho cổ đông niên độ 17-18 như cam kết với tổng số tiền thực hiện chi trả lên tới gần 410 tỷ đồng.

Niên độ 18-19, SBT tập trung hoạt động R&D và cải tiến sản xuất, tiết giảm chi phí

Công ty hiện đang sở hữu một danh mục sản phẩm đa dạng gồm 16 sản phẩm Đường lưu hành trên thị trường từ sản phẩm cao cấp nhất là Đường Organic dành cho xuất khẩu; RE thượng hạng, RS cao cấp phục vụ khách hàng Doanh nghiệp B2B; đến các sản phẩm chuyên biệt cho từng phân khúc khách hàng Tiêu dùng B2C như Đường phèn, Đường vàng, Đường chức năng, Đường ăn kiêng, Đường lỏng, Đường que, Đường thỏi… Mặc dù danh mục sản phẩm của SBT đa dạng hơn nhiều so với những Doanh nghiệp cùng Ngành tại Việt Nam nhưng Công ty vẫn tập trung vào hoạt động R&D để hướng tới gia tăng thị phần trước khi ATIGA hiệu lực với giá bán hợp lý và cạnh tranh.

Tháng 7/2019, Công ty dự kiến tung ra thị trường 4 sản phẩm mới, trong đó sẽ có 3 sản phẩm Đường có giá trị gia tăng cao; và 1 sản phẩm Cạnh Đường-Sau Đường để khai thác hiệu quả chuỗi giá trị cây mía. Tháng 8 và 9/2019, Công ty cũng dự kiến đưa ra thị trường thêm 2 sản phẩm Cạnh Đường-Sau Đường, nhằm đa dạng cơ cấu Doanh thu, hạn chế rủi ro khi nguồn thu tập trung quá lớn vào 1 loại hình sản phẩm Đường cũng như chịu ảnh hưởng lớn từ giá Đường thế giới, mà thiếu đi sự đóng góp của các sản phẩm trong chuỗi giá trị với biên lợi nhuận tốt hơn.

Bên cạnh đó, Công ty cũng đầu tư nghiêm túc vào hoạt động sản xuất khi liên tục đổi mới, cải tiến quy trình sản xuất nông nghiệp với việc thực hiện canh tác cơ giới hóa liên hợp, áp dụng khoa học kỹ thuật trong phòng chống và trừ sâu bệnh, vừa giúp tăng năng suất, tăng hiệu quả sản xuất mía cũng như giảm chi phí canh tác. Cụ thể, trong vụ gieo trồng 18-19, thu hoạch 19-20, chi phí canh tác giảm 20-40%, giảm từ 40-45 triệu/ha về 30-35 triệu/ha đối với Mía tơ; giảm từ 23-25 triệu/ha về 14-16 triệu/ha đối với Mía gốc. Việc áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch cũng giúp giảm 30-50% chi phí thu hoạch tùy khu vực và quy mô diện tích, tương đương giảm từ 3-5 triệu/ha. SBT vẫn đồng hành cùng Người nông dân với nhiều chính sách hỗ trợ về giống, phân bón, chăm sóc, thu hoạch để người trồng mía đảm bảo đạt được hiệu quả lợi nhuận tốt.

Ngành Đường thế giới chắc chắn hồi phục, cơ hội cho các doanh nghiệp Đường Việt Nam niên độ 19-20

Tại Hội nghị Mía Đường Đông Nam Á lần 4 được tổ chức tại Việt Nam Tháng 6/2019 với sự tham dự của các chuyên gia đến từ các nước ASEAN; mặc dù còn tồn tại thách thức, song các chuyên gia đều cho rằng Ngành Mía Đường đã có tín hiệu hồi phục và sẽ chuyển biến tích cực trong niên độ 19-20.

Theo báo cáo của LMC Sugar & Sweeteners Market Report Tháng 6/2019, thị trường Đường thế giới dự báo sẽ chuyển từ thặng dư 2,6 triệu tấn niên độ 18-19 sang thâm hụt 3,1 triệu tấn niên độ 19-20; riêng Khu vực châu Á sẽ thâm hụt đến 9,5 triệu tấn. Giá Đường do đó được dự báo sẽ có chiều hướng tăng tích cực và kỳ vọng sẽ đạt mốc 14,5c/lb vào đầu năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu là do sự ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, cũng như xu hướng chuyển dịch sang sản xuất Ethanol từ Mía đã khiến cho sản lượng sản xuất của các quốc gia Mía Đường chính trên thế giới bị cắt giảm, đồng thời tồn kho cao từ những mùa vụ trước cũng khiến cho các nhà máy này chủ động cắt giảm sản lượng sản xuất.

Thái Lan, quốc gia cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam khi ATIGA hiệu lực thuộc Top 5 nhà sản xuất, nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, dự báo niên vụ 19-20, sản lượng Đường đạt khoảng 13 triệu tấn, giảm 1 triệu so với 18-19 do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, El Nino. Về giá mía, chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính sách hỗ trợ giá từ Chính phủ tiếp tục kéo dài cho niên vụ 19-20. Thái Lan cũng đang xem xét tính thuế tiêu thụ đặc biệt với các sản phẩm nước ngọt, còn Malaysia thì đã áp thuế các mặt hàng nước ngọt có ga và nước trái cây từ ngày 1/7/2019, cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến cung Đường của 2 quốc gia này.

Nguồn cung ảnh hưởng một phần đến từ dự báo sản lượng của Ấn Độ giảm xuống 29,5 triệu tấn niên độ 19-20 từ 32 triệu tấn niên độ trước. Ấn Độ cũng là quốc gia châu Á thuộc Top 5 nhà sản xuất, nhà tiêu thụ và nhà xuất khẩu của thế giới.

Xu hướng tăng giá Đường thế giới

SBT chi trả cổ tức bằng tiền mặt 8% niên độ 17-18 - Ảnh 1.

Nguồn: Thomson Reuters, LMC Sugar & Sweeteners Market Report T6/19.

Bên cạnh đó là sự hỗ trợ từ việc nhiều nước tăng nhập khẩu Đường trong đó có thể kể đến Malaysia và Indonesia - quốc gia từng là nhà xuất khẩu Đường thứ 2 thế giới nhưng đến nay, lại là nhập khẩu Đường thứ 2, sau Trung Quốc. Giai đoạn 2000-2008, Indonesia sản xuất 1,5-2,8 triệu tấn Đường; tuy nhiên năm 2018 giảm xuống còn 2,2 triệu tấn và năm 2019 chỉ còn 2,1 triệu tấn. Trong khi sản lượng Đường tiêu thụ hàng năm của Indonesia ở mức 6 triệu tấn, khoảng thiếu hụt cần phải bù đắp bằng nhập khẩu vào khoảng 3,9 triệu tấn so với Trung Quốc là 6 triệu tấn.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên