MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SCIC sẽ bán 9% vốn Vinamilk ngay năm nay, giá không thấp hơn giá thị trường

Dự kiến khoảng tháng 11 sẽ tiến hành xác định giá khởi điểm. SCIC quyết tâm kết thúc giao dịch này trong năm 2016, giảm tỷ lệ sở hữu từ 44,7% xuống còn 35,7%.

Tại buổi hợp báo về thoái vốn nhà nước được tổ chức tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chiều ngày 23/9, không lạ khi câu chuyện về việc bán vốn tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM-HOSE), doanh nghiệp được coi là "con gà đẻ trứng vàng" của SCIC đã được nhắc tới nhiều nhất.

Không chỉ là công ty kinh doanh hiệu quả, thực tế khi nhìn vào danh mục quản lý tại 10 doanh nghiệp dự kiến thoái vốn của SCIC, giá trị của Vinamilk chiếm tới 90% tgiá trị vốn hoá tính đến thời điểm hiện nay của 10 DN này (khoảng 100.000 tỷ đồng).

Tỷ lệ cũng như một số thông tin về lộ trình, thời gian thực hiện thoái vốn đã chính thức được SCIC cho biết. Theo thông tin từ Chủ tịch SCIC Nguyễn Đức Chi, Tổng công ty sẽ thực hiện thoái 9% cổ phần VNM trong đợt đầu. Trước đó, đã có thông tin cho rằng SCIC sẽ thoái 10% vốn Vinamilk trong đợt thoái vốn đầu tiên. Chia sẻ về việc tại sao lại lựa chọn mức 9%, ông Chi cho biết khối lượng này đủ lớn để hấp dẫn các nhà đầu tư và thông qua lô cổ phiếu như vậy thì sẽ thu được giá hiệu quả.

Về lộ trình thoái vốn, SCIC cho biết đang tư vấn trong quá trình làm việc với các tư vấn khác nhau. Ngay trong tháng 9 này SCIC sẽ lựa chọn nhà tư vấn hoặc liên danh để chuẩn bị triển khai kế hoạch thoái vốn tại Vinamilk. Dự kiến khoảng tháng 11 sẽ tiến hành xác định giá khởi điểm. SCIC quyết tâm kết thúc giao dịch này trong năm 2016, giảm tỷ lệ sở hữu từ 44,7% xuống còn 35,7%.

Một số các nhà tư vấn mà SCIC đang cân nhắc bao gồm Credit Suisse, HSBC, J.P. Morgan Chase, Nomura Holdings, SSI, VCSC, HSC…. Ông Chi cũng nhấn mạnh sẽ có tổ chức tư vấn quốc tế và trong nước tham gia kế hoạch này, theo như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tư vấn tổng thể kế hoạch thoái vốn, xác định giá khởi điểm; tư vấn luật;.. Việc lựa chọn nhà tư vấn nào tất nhiên sẽ tính trên cả tiêu chí chi phí, ông Chi cho hay.

Chủ tịch SCIC khẳng định “Chúng tôi quyết tâm kết thúc giao dịch này trong năm 2016. Sau khi bán 9% cổ phần Vinamilk, SCIC sẽ tiếp tục đánh giá rút kinh nghiệm, tính toán để báo cáo các cấp có thẩm quyền”.

Cách thức thoái vốn của Vinamilk hiện vẫn đang cân nhắc và sẽ bàn thêm với tư vấn. SCIC sẽ xem xét có thể bán trọn lô, chào giá cạnh tranh và giao dịch thoả thuận để đạt mức giá cao. Bán trên sàn khớp lệnh dễ xảy ra tình trạng thao túng giá. Với khối lượng bán lớn phải chọn cách làm để bỏ yếu tố thao túng này.

Trong quá trình tư vấn, sẽ đưa ra mức giá sàn chào bán và chắc chắn không thấp hơn giá thị trường. Giá chuyển nhượng càng cao càng tốt.

Đối với DNNY và giao dịch lâu có giá giao dịch tham chiếu và là căn cứ quan trọng để xác định giá khởi điểm. Tuy nhiên, ông Chi cũng cho biết giá trên thị trường chỉ để tham chiếu còn mức giá khởi điểm cụ thể sẽ do tư vấn độc lập quyết định.

Đối tượng mua cũng được ông Chi nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng, không lựa chọn NĐT chiến lược mà chào bán công khai. SCIC sẽ không giới hạn các nhà đầu tư, trong nước hay ngoài nước, cá nhân hay tổ chức. Nhà đầu tư đủ năng lực thì đều có thể tham gia.

Ông Chi cũng chia sẻ thêm hiện chưa có nhà đầu tư trao đổi mua Vinamilk. Việc bán 9% vốn mới được nói ra hôm nay thì các nhà đầu tư còn cần thời gian nghiên cứu.

Đối với 9 doanh nghiệp còn lại đang xây dựng lộ trình, báo cáo các cấp thẩm quyền, có thể làm ngay tại một số Doanh nghiệp vào nửa đầu năm 2017.

Theo Thanh Thủy

Người đồng hành

Trở lên trên