MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ có chế định riêng thu hồi tài sản tham nhũng

16-10-2016 - 21:06 PM | Xã hội

Cử tri đề nghị phải có biện pháp mạnh, khả thi trong thu hồi tài sản...

Đề xuất sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng sẽ hướng tới xem xét việc xây dựng một chế định riêng về thu hồi tài sản tham nhũng. Thông tin này được Thanh tra Chính phủ nêu khi trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá 13.

Hồi âm tất cả các kiến nghị vừa được tập hợp gửi đến các vị đại biểu Quốc hội khoá 14.

Kiến nghị áp hình phạt cao nhất

Liên tục nhiều kỳ họp của Quốc hội, cử tri trên cả nước đã bày tỏ bức xúc với quốc nạn tham nhũng, đồng thời đề nghị phải có biện pháp mạnh, khả thi trong thu hồi tài sản.

Tại kỳ họp 11, cử tri 16 địa phương gồm Tiền Giang, TP.HCM, Bến Tre, Long An, Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Long, Cà Mau, Ninh Bình, Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Trị, Lạng Sơn, Bình Thuận, Bình Định, Trà Vinh có chung kiến nghị về phòng chống tham nhũng.

Đó là, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mạnh và nghiêm hơn nữa để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng hiện nay, nhất là chú trọng đến việc thu hồi tài sản tham nhũng.

Cử tri cho rằng, đối với những đối tượng tham nhũng với số tiền lớn, gây nguy hại cho xã hội thì cần phải áp dụng hình phạt cao nhất để đảm bảo tính răn đe, hạn chế việc tham nhũng.

Vì thời gian qua, nhiều vụ việc tham nhũng lớn, phức tạp gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến phát triển đất nước đã được phanh phui. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tại các vụ việc này còn rất thấp.

Trả lời kiến nghị này, Thanh tra Chính phủ khẳng định trong những năm gần đây, việc thu hồi tài sản tham nhũng đã có tiến triển, tỷ lệ thu hồi năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Đây là vấn đề mà Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới cũng đang phải đối mặt khi giải quyết vấn nạn tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ cũng đã trình Chính phủ đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và tham mưu đưa nội dung này vào dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.

Và dự luật này sẽ xem xét xây dựng một chế định riêng về thu hồi tài sản tham nhũng.

Theo dự kiến, dự án Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, khai mạc ngày 20/10 tới đây.

Nhưng nội dung này đã được rút khỏi chương trình kỳ họp với giải thích, để sau khi tổng kết Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, sẽ có cơ sở đầy đủ, toàn diện cho việc sửa đổi .

Đứng tên vợ, con cũng thu hồi?

Cũng hiến kế chống tham nhũng, cử tri Đà Nẵng kiến nghị luật nên quy định theo hướng: khi phát hiện người có hành vi tham nhũng, sẽ tiến hành tịch thu toàn bộ tài sản do tham nhũng mà có, kể cả tài sản đăng ký sở hữu đứng tên vợ, con của người tham nhũng nhưng có nguồn gốc từ việc tham nhũng hoặc không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của tài sản đó.

Thanh tra Chính phủ hồi âm, tuy đã có căn cứ pháp lý để tịch thu tài sản tham nhũng cho dù tài sản đó đứng tên vợ, con của đối tượng tham nhũng hay đứng tên người khác, nhưng pháp luật hiện chưa có quy định về việc tịch thu tài sản mà người có tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của tài sản đó.

Do đó, Chính phủ ghi nhận ý kiến này và nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình sửa đổi toàn diện Luật Phòng chống tham nhũng. Trong đó mở rộng diện tài sản, thu nhập phải kê khai, hình thức công khai bản kê khai, quy định việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản, thu nhập một cách chủ động...

Co quan trả lời cử tri cũng cho biết sẽ quy định các biện pháp kiểm soát thu nhập, gồm: xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản, thu nhập trên cơ sở kết nối với cơ sở dữ liệu về thuế và kiểm soát giao dịch của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện việc giải trình về nguồn gốc thu nhập đối với những giao dịch, khoản chi tiêu có giá trị lớn hoặc có dấu hiệu bất thường.

Đồng thời tiếp tục bổ sung chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực, không chứng minh được nguồn gốc tài sản kê khai.

Theo Nguyên Vũ

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên