MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ là một nhiệm kỳ không dễ dàng cho Bộ trưởng Bộ Y tế!

15-04-2016 - 09:16 AM | Xã hội

Tiến sĩ, bác sĩ Võ Xuân Sơn đã chia sẻ những cảm nghĩ của mình về những gì Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đóng góp cho ngành y nước nhà trong nhiệm kỳ vừa qua và khó khăn trong nhiệm kỳ tới.

Xin chào bác sĩ, bác sĩ là người rất quan tâm tới ngành y Việt Nam nói chung và riêng cá nhân Bộ trưởng Bộ Y tế nói riêng. Ông đánh giá như thế nào về thời gian làm Bộ trưởng Bộ Y tế của Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, cái được và cái chưa được?

TS BS Võ Xuân Sơn: Để đánh giá công việc của Bộ trưởng, cần phải có nhiều thông tin hơn nữa và tầm nhìn chiến lược của một nhà quản lí vĩ mô. Tôi không dám đưa ra những đánh giá, mà chỉ nói lên những cảm nghĩ của mình về những gì Bộ trưởng Bộ Y tế đã đóng góp cho ngành y nước nhà trong nhiệm kì vừa qua.

Có thể nói sau cú “sốc” xóa bỏ một phần bao cấp hồi cuối những năm 80, ngành y Việt Nam có những bước chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, những bước chuyển biến mạnh mẽ ấy lại không thực sự đồng đều, do rào cản của rất nhiều thứ, trong đó có cơ chế.

Hệ thống y tế của chúng ta được sinh ra từ thời chiến tranh, trong cơ chế bao cấp, có thể nói hiện nay đã trở nên rất lạc hậu. Cái áo cơ chế khoác lên ngành y đã trở nên quá chật chội, gò bó, sinh ra nhiều bất cập, tiêu cực, đẩy nhân viên y tế vào bần cùng, đẩy nhiều bệnh nhân và thân nhân của họ vào cảnh thực sự đau khổ khi mắc bệnh.

Biết vậy nhưng không phải ai cũng dám tiên phong trong việc xây dựng lại nó, vì điều đấy đụng chạm đến một vấn đề vô cùng nhạy cảm: nhân đạo. Chính vì hai chữ “nhân đạo” ấy mà không mấy người dám nhìn thẳng vào thực trạng ngành y, không dám đưa ra những bước đi đột phá.

Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kì vừa qua đã thực sự mạnh dạn đột phá ngay vào khâu đó. Bà đã kiên định trong việc tăng giá viện phí và BHYT toàn dân, những bước đi đầu tiên để đưa ngành y về đúng với vị trí của nó, đồng thời, vẫn giải quyết được những vấn đề xã hội của một nền y tế có chi phí đúng mức với một bộ phận nhân dân có thu nhập thấp.

Ngoài ra, ở cương vị của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có những bước đi ban đầu xóa bỏ tuyến, một trong các lí do ngăn cản sự phát triển của y tế Việt nam. Việc thí điểm bác sĩ gia đình, việc giao quyền tự chủ cho các bệnh viện, việc thông tuyến BHYT đang là những bước đi nhằm đưa y tế Việt nam hội nhập với thế giới.

Nhân vô thập toàn. Điểm yếu nhất của Bộ trưởng Bộ Y tế là việc thể hiện mình trước công chúng. Đôi khi bà đã không khéo léo và quá thẳng thắn, bộc lộ tính cách của một nhà khoa học hơn là một chính khách, trong một số trường hợp, gây ra những phản ứng không đáng có trong dư luận.

Cho đến gần cuối nhiệm kì vừa qua, bà đã có chú ý hơn đến vấn đề này. Ngoài ra, những vấn đề có liên quan đến nhiều Bộ, ngành thì vẫn chưa thể tốt được.

Ông có những trăn trở nào về những “khoảng trống” chưa làm được trong nhiệm kỳ của Bộ trưởng Bộ Y tế?

Thứ nhất là sự phân bổ các nguồn đầu tư cho y tế. Có thể nói, Việt nam đã chi một khoản tiền lớn cho y tế so với một số nước quanh ta, cụ thể là Thái lan và Phillipin. Tuy nhiên, những gì chúng ta đạt được vẫn còn khá khiêm tốn. Để làm được những điều này, cần có sự đồng bộ trong các chính sách công ở những khu vực đích, đồng thời, cần cải tiến mạnh mẽ cách chi trả của BHYT. Đây lại là vấn đề phối hợp giữa các Bộ, ngành khác nhau.

Tiếp theo là việc cải tổ thực sự cách thức hoạt động của y tế công, xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong các bệnh viện công. Xã hội hóa trong các bệnh viện công là một hình thức có tính chắp vá, giải quyết tạm thời các nhu cầu xã hội.

Đã có một hệ thống y tế tư nhân ra đời để phục vụ nhu cầu dịch vụ cao cấp của xã hội, thì các chính sách nên tìm cách khuyến khích sự phát triển của hệ thống này. Sự lẫn lộn chức năng, nhiệm vụ, của y tế công hiện nay tạo một sự không công bằng trong xã hội, không công bằng giữa những người bệnh với nhau, không công bằng trong cạnh tranh giữa y tế công và y tế tư nhân, không công bằng trong việc phân bổ các nguồn lực y tế, đặc biệt là nguồn nhân lực.

Một điểm nữa là công tác truyền thông y tế. Trong nhiệm kì vừa qua của Bộ trưởng Bộ Y tế, có thể nói công tác Truyền thông y tế đã có những bước tiến lớn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Khủng hoảng truyền thông qua những vụ dịch là một minh chứng. Ngành y cần chủ động hơn trong việc đưa thông tin đến người dân, xóa bỏ lãnh vực nhạy cảm trong thông tin, từ đó, ngăn cản mọi suy diễn và công kích từ những đối tượng có mục tiêu không trong sáng trong truyền thông y tế.

Vấn đề dư luận đang nóng nhất hiện nay đó là thực phẩm bẩn và bệnh không lây nhiễm đang gia tăng ở Việt Nam, theo ông, Bộ trưởng cần làm gì để tuyên chiến với nó ở góc độ nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân?

Nói bệnh không lây nhiễm gia tăng thì phải cụ thể là bệnh gì, số liệu ra sao. Về mặt cảm tính thì có vẻ như một số loại bệnh trở nên thường được nói đến hơn, ví dụ như ung thư. Đối với những căn bệnh này, cần có một điều tra nghiên cứu thật nghiêm túc, xem có thật là tần suất bệnh gia tăng hay không, và nếu có thì nguyên nhân do đâu. Về mặt dư luận, theo tôi không nên nóng vội kết luận khi chưa có những thống kê chính xác. Việc thống kê này thuộc trách nhiệm của y tế, cụ thể là các Hội chuyên ngành.

Về vấn đề thực phẩm bẩn và thực phẩm độc hại, việc đầu tiên cần làm là giáo dục ý thức cho các cán bộ quản lí nhà nước về vấn đề này, cụ thể là các quan chức của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Như ông Cục trưởng cục bảo vệ thực vật đã phát biểu, táo lê để 9 tháng không hỏng là chuyện bình thường, khoai tây Trung quốc nhiễm độc gấp 16 lần cho phép vẫn an toàn. Nếu những cán bộ này chưa được dạy dỗ đầy đủ về kiến thức và trách nhiệm của họ thì y tế không thể làm gì hơn.

Ngoài “quan trí” thì dân trí cũng cần được cải thiện, đặc biệt là việc cải thiện đạo đức xã hội. Đây lại là một vấn đề rất lớn. Nếu như các quan chức vẫn cứ ngang nhiên nhũng nhiễu, ăn cắp của công, thì không thể dễ dàng ngăn cản người dân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, bảo quản… thực phẩm.

Trên thực tế, y tế chỉ có khả năng kiểm nghiệm những mẫu thực phẩm được các cơ quan khác lấy và giao cho, kiểm soát qui trình thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm ở các nhà hàng và các cơ sở chế biến thức ăn có đăng kí.

Còn việc kiểm soát họ có đăng kí hay không, có thực hiện đúng qui trình được cấp phép hay không lại thuộc lĩnh vực của các chuyên ngành khác. Việc quản lí tốt nhất vẫn là từ gốc. Tại sao khi chúng ta xuất thực phẩm đi các nước, thực phẩm không đảm bảo chất lượng luôn bị trả về? Đó là do họ quản lí từ gốc nhập vào.

Còn chúng ta, giao cho y tế quản lí phần ngọn, thì nếu có dùng toàn bộ ngân sách cho y tế để làm việc này cũng không xuể. Y tế không thể kiểm soát buôn lậu, không thể kiểm soát các quán ăn lề đường mọc lên như nấm mà không đăng kí kinh doanh…

Việc đấu tranh với thực phẩm độc hại là việc của toàn dân, mà đầu tiên là những nhà quản lí việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối, chế biến, bảo quản, vận chuyển… y tế chỉ là một khâu nhỏ, hoàn toàn không có tính quyết định trong vấn đề này.

Theo ông, thách thức lớn nhất trong nhiệm kỳ tới của Bộ trưởng Bộ Y tế là gì?

Thách thức lớn nhất trong nhiệm kì này đối với Bộ trưởng Bộ Y tế là khả năng kiên định của Bà với những điều Bà đã làm trong nhiệm kì vừa qua. Việc này có thể sẽ không dễ dàng khi quyền lực của Bà bị giới hạn thêm khi Bà không được bầu vào BCH Trung ương, và y tế đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.

Những việc làm mà Bộ trưởng Bộ Y tế đang thực hiện nhằm thay đổi bộ mặt y tế nước nhà phải có một thời gian đủ lâu mới thể hiện. Trong khi đó, ngược lại với các lĩnh vực khác trong đời sống chính trị, xã hội ở nước ta, sự kiên nhẫn của dân ta với y tế lại không có.

Xin cảm ơn ông!

Theo Phương Thuý (thực hiện)

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên