MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ nhẹ gánh hơn nhờ tài khóa?!

15-03-2017 - 16:43 PM | Tài chính - ngân hàng

Phối hợp chính sách tiền tệ và tài khóa ngày càng nhuần nhuyễn giúp giảm bớt chi phí cơ hội cho nền kinh tế.

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương
109 bài viết

Giảm gánh nặng cho chính sách tiền tệ

Theo kế hoạch của Kho bạc Nhà nước (KBNN) trong năm 2017, tổng khối lượng cơ quan này dự kiến phát hành TPCP ra thị trường để huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển chỉ là 183,3 nghìn tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức 281.750 tỷ đồng đã đạt trong cả năm 2016.

Động thái giảm mạnh khối lượng phát hành TPCP có thể gây bất ngờ đối với các thành viên tham gia thị trường. Nhưng nếu phân tích cụ thể các yếu tố kinh tế thì sự điều chỉnh này là cần thiết.

Có hai lý do KBNN giảm khối lượng phát hành TPCP được TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội đưa ra. Đó là theo kế hoạch đầu tư công trong trung hạn 2017 – 2020, nguồn chi ngân sách được rải đều trong 4 năm nên áp lực về tiền cùng một thời điểm giảm đi, không bị dồn như những năm 2013 – 2014 buộc chúng ta phải ồ ạt phát hành TPCP để đáp ứng nhu cầu về vốn.

NHNN tiếp tục điều tiết khá cân bằng dòng vốn ra vào hệ thống

Trong năm 2017, cơ quan điều hành vĩ mô dự báo tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động và sức ép lên VND từ nhiều hướng cũng là những nhân tố mà theo TS. Nguyễn Đức Kiên nhận định sẽ tác động đến quyết định giảm khối lượng phát hành TPCP. Cụ thể, nếu TPP không được thông qua thì tất cả nguồn vốn đầu tư và ngoại tệ dự kiến vào Việt Nam có thể không vào nhiều như trước đây nữa.

Mặt khác, Chính phủ hướng tới không khuyến khích các TCTD đứng ra huy động thay cho các NĐT. Nhất là chúng ta mong muốn phát triển mạnh hơn thị trường trái phiếu, chứng khoán… giúp cho DN có nguồn vốn dài hơi hơn đồng thời chia sẻ gánh nặng trách nhiệm cho thị trường tiền tệ. Vì hiện nay việc bán TPCP qua KBNN cũng là áp lực lên tiền tệ khi khách hàng chủ yếu là các TCTD. Do đó, “việc Chính phủ chủ động hạ mức huy động TPCP ở mức khoảng 183 nghìn tỷ đồng để mở rộng kênh huy động sang các hướng khác… là động thái chính sách hợp lý”, TS. Kiên đưa ra quan điểm.

Tuy chưa biết kịch bản phát hành TPCP có lặp lại như năm 2016 nhưng KBNN cho biết, trong quá trình tổ chức thực hiện, căn cứ vào tình hình thị trường, cơ quan này có thể điều chỉnh tổng khối lượng phát hành và mức phát hành của các kỳ hạn trái phiếu, nhưng trước mắt việc đưa ra kế hoạch trên phần nào giảm bớt áp lực cho phía chính sách tiền tệ. Nhất là trong năm 2017, hệ thống NH tiếp tục phải thực hiện nhiều chính sách tín dụng ưu tiên khác của Chính phủ, điển hình nhất là gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao…

“Chắc chắn việc giảm khối lượng phát hành TPCP sẽ giúp giảm áp lực lên thanh khoản của các NH. Khi vốn dành cho TPCP giảm xuống, nguồn vốn rót vào kênh đầu tư trên sẽ giảm xuống. Và các nhà đầu tư lớn (NH – PV) sẽ có nhiều vốn dành cho tăng trưởng tín dụng ở khu vực khác nhiều hơn, giảm bớt sự lệch lạc trong cơ cấu đầu tư”, một chuyên gia đưa ra nhận xét.

Phối hợp nhuần nhuyễn để giảm chi phí cơ hội

Xác định năm 2017, điều hành chính sách tiền tệ gặp nhiều khó khăn hơn, nhưng NHNN vẫn đang chủ động bơm hút tiền khá nhịp nhàng qua OMO giúp thanh khoản NH dồi dào để đầu tư mua TPCP như năm 2016. Từ đầu năm đến nay, NHNN tiếp tục điều tiết khá cân bằng dòng vốn ra vào hệ thống. Hoạt động điều tiết trên cũng đặt trong việc giữ ổn định lãi suất tương đối trên thị trường liên ngân hàng, trong quan hệ với tỷ giá và nhất là tiếp tục chủ động hỗ trợ huy động TPCP thành công với mức lãi suất hợp lý nhất.

Sự chủ động này thể hiện rõ nét khi thời điểm KBNN đẩy mạnh phát hành TPCP huy động vốn, NHNN lại hạn chế hút bớt tiền trong lưu thông? hoặc phát hành tín phiếu và ngược lại. Như trong tuần từ 27/2 – 3/3, KBNN chào thầu 6.900 tỷ đồng ở các loại kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 15 năm và 30 năm. Trong đó, kỳ hạn 15 năm và 30 năm tiếp tục thu hút nhà đầu tư với tỷ lệ trúng thầu tuyệt đối lãi suất giữ ổn định lần lượt là 7% và 7,96%/năm. Các kỳ hạn khác tuy không huy động được hết nhưng lãi suất trúng thầu tiếp tục duy trì ở mức thấp dao động hơn 5%/năm…

Đánh giá cách thức điều hành của chính sách tiền tệ vẫn đang tiếp tục hỗ trợ tích cực chính sách tài khóa phát hành TPCP thuận lợi, nhưng theo TS. Võ Trí Thành, sự phối hợp này cần phải nhuần nhuyễn hơn nữa để tránh lặp lại kịch bản như trong năm 2016, chỉ thành công về số lượng còn việc giải ngân qua KBNN chậm chạp làm tăng chi phí cơ hội. “Áp lực trên không hề nhỏ trong bối cảnh điều hành lãi suất của NHNN đang chịu nhiều sức ép từ lạm phát, tỷ giá…

Nên bất kỳ sự chểnh mảng nào cũng đều không tốt cho nhà điều hành”, TS. Thành khuyến nghị và đưa ra đề xuất: NHNN và Bộ Tài chính phải họp bàn trong thời gian sớm nhất để tính toán cụ thể thời điểm, liều lượng phát hành, tốc độ giải ngân… để tăng tính hiệu quả trong giải ngân vốn của KBNN, giảm chi phí cơ hội, đảm bảo mục tiêu chung ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng hợp lý và sự chủ động cao hơn của chính sách tiền tệ.

Ví như, lãi suất nên giảm đến đâu, cung tiền tăng bao nhiêu, chi đầu tư phát triển ở mức nào… “Tính định lượng trong điều hành chính sách còn thể hiện ở việc xác định thời điểm và thời gian thực thi chính sách. Một chính sách được ban hành quá muộn có thể làm nảy sinh những vấn đề khác. Nhưng nếu được ban hành quá sớm thì lại tạo ra những biến động không cần thiết cho nền kinh tế”.

TS. Nguyễn Đức Kiên lưu ý thêm, bài học kinh nghiệm “chi tiêu” trong mấy năm qua, Chính phủ tiếp tục chủ động hơn trong chi ngân sách thông qua việc nguồn tiền bơm ra phải cân đối phù hợp với năng lực hấp thụ của nền kinh tế. Tức là hấp thụ đến đâu thì làm đến đấy tránh trình trạng như cao tốc Hải Phòng đầu tư lớn nhưng khả năng hoàn vốn có vấn đề.

Theo Nguyễn Vũ

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên