MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sếp Vinatex: Ưu tiên đầu tư cho vị trí sử dụng nhiều lao động có thể thay thế bằng máy móc

Nhà máy thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0 là biện pháp Vinatex đặt ra nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm lao động.

"Khốc liệt" là nhận định của ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đưa ra tại cuộc họp thông báo kết quả kinh doanh nửa năm 2018 (ngày 30/7), khi nói về cạnh tranh lao động.

Vì lẽ đó, lao động là chỉ tiêu chỉ ở mức xấp xỉ hoàn thành, trong số 7 chỉ tiêu được Tập đoàn đặt ra.

Ông Hiếu nói rằng không chỉ Vinatex, mà toàn ngành nói chung, đều đau đầu về bài toán nhân sự. Tầm 5 – 10 năm trước, theo ông Hiếu, khi doanh nghiệp đầu tư, những yếu tố được quan tâm hàng đầu là tài chính, thị trường, thì nay, mọi thứ đã thay đổi khi lao động trở thành yếu tố tiên quyết.

"Nhà máy nào cũng tuyển lao động cả", ông Hiếu nói và cho biết tỷ lệ người nghỉ chế độ hàng năm tại các đơn vị sản xuất là không tránh khỏi. Lượng người này có thể lên tới hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn, tuỳ thuộc vào quy mô nhà máy. Trong khi đó, tuyển dụng mới lại không như kỳ vọng.

Đơn cử như Nhà máy Nam Định, quy mô nhỏ, khoảng 1.400 lao động, trong năm 2017, số người nghỉ chế độ là 140 người, chiếm 10%. Cũng trong năm đó, nhà máy chỉ tuyển thêm được 20 người.

"Làm sao có thể bù đắp được sự thiếu hụt lên đến 120 con người, trong khi các chỉ tiêu khác đều phải đảm bảo", ông Hiếu cảm thán.

Như vậy, nhân sự đã trở thành bài toán buộc phải tìm lời giải của ngành. Hẹp hơn, là đối với các doanh nghiệp đang tính mở rộng đầu tư trong thời điểm hiện tại.

Một điều chắc chắn, theo đại diện Vinatex, là việc đầu tư cho nhà máy thông minh cũng như tiếp cận, ứng dụng công nghiệp 4.0, nhằm bù đắp cho sự khan hiếm nhân lực.

"Chủ trương Tập đoàn định hướng cho đầu tư mới, đầu tư mở rộng, có chiều sâu. Chúng tôi ưu tiên rất cao đối với những vị trí sử dụng nhiều lao động mà máy móc thay thế được", ông Hiếu cho biết.

Cũng theo ông Hiếu, tính đến hết tháng 6/2018, giá trị sản xuất công nghiệp của Vinatex đạt 20.515 tỷ đồng bằng 45,9% kế hoạch năm 2018, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Tổng doanh thu đạt 22.365 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT) đạt 46,3% kế hoạch năm 2018 tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu tính đủ đạt 1.306,6 triệu USD, bằng 43,8% kế hoạch năm 2018, tăng 8,8% so với cùng kỳ 2017. Lợi nhuận trước thuế (hợp cộng) đạt 674 tỷ đồng, đạt 51,2% kế hoạch năm 2018, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Về lĩnh vực đầu tư, tính đến hết 6 tháng đầu năm 2018, Tập đoàn thực hiện 25 dự án đầu tư. Ngoài ra, các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn cũng đã triển khai 25 dự án.

Còn trong 6 tháng cuối năm 2018, Tập đoàn tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phát triển chuỗi Trung tâm Thời trang Vinatex, các dự án do Tập đoàn trực tiếp đầu tư, quản lý, cũng như xây dựng các kế hoạch trước những diễn biến phức tạp của thị trường dệt may thế giới.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên