MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Shark Thủy bắt tay với “Uber” giáo dục Hàn Quốc, chính thức đầu tư ra nước ngoài

21-05-2019 - 14:38 PM | Doanh nghiệp

Làn sóng đầu tư của các Doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam ngày càng tăng. Nhưng một Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ngược lại vào Hàn Quốc thì rất hiếm. Trong sáng nay, tập đoàn Egroup của Shark Nguyễn Ngọc Thủy đã ký kết hợp tác, chính thức đầu tư vào startup Minischool của Hàn Quốc.

Sáng 21/5/2019, tại Seoul (Hàn Quốc), Tập đoàn Egroup và Startup Minischool đã tổ chức lễ ký kết hợp tác đầu tư. Theo đó, Tập đoàn Egroup chính thức đầu tư vào startup Minischool, trở thành cổ đông của Minischool. Cùng với đó, Egroup cũng sẽ là đối tác độc quyền của Minischool tại một số nước Đông Nam Á và Châu Âu.

Minischool là một startup tiếng Anh ra đời năm 2016. Ngay từ khi ra đời, startup này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Kakao Venture, Altos (các Quỹ dầu tư nổi tiếng tại Hàn Quốc) do ý tưởng khác biệt và công nghệ vượt trội trong dạy và học tiếng Anh.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Nguyễn Ngọc Thuỷ (Shark Thuỷ), Chủ tịch Egroup chia sẻ: "Minischool là nền tảng giáo dục online không giới hạn cho bộ môn nào. Nó như một trường học ảo, có thể coi như "Uber" giáo dục.

Theo ký kết, từ năm 2019 Egroup sẽ kết hợp với Minischool để đưa chương trình tiếng Anh kết hợp hai nền tảng cả online và offline vào ứng dụng ở Việt Nam.

Trên nền tảng này, các trường học, chuyên gia, giáo viên giỏi hoàn toàn có thể lên đây để kết nối, giảng dạy học sinh. Nó có thể tạo ra một mạng kết nối giáo dục toàn cầu.

Tôi chọn đầu tư vào Minischool không chỉ vì công nghệ, bởi công nghệ thì nhiều người làm được. Minischool đã thấu hiểu khách hàng, làm trải nghiệm người dùng rất tốt. Founder của Minischool là tech leader của Kakao. Họ rất giỏi về công nghệ nhưng việc "bán hàng" thì rất cần đến Egroup. Egroup sẽ cùng Minischool phát triển thị trường".

Đây là lần đầu tiên Tập đoàn Egroup đầu tư vào một công ty nước ngoài, đánh dấu bước tiến mới trong sự phát triển của tập đoàn này.

Chương trình của Minischool có ưu điểm nổi bật là kết hợp được cả online và offline, với giáo viên bản xứ với hệ thống nhân vật mô phỏng theo tính cách con người. Từ đó, người học có thể học chủ động thông qua các trò chơi tương tác, tạo sự hấp dẫn thông qua các nhân vật hoạt hình mô phỏng, tăng sự tập trung, cá nhân hoá chương trình học dựa trên phân tích dữ liệu và sở thích của từng học viên.

Phát biểu tại lễ ký kết, người sáng lập Minischool, ông Uk Neo Jung cho biết: "Trong truyền thống, giáo dục đơn chiều thì giáo viên đưa ra thông điệp, ít có tương tác. Các học viên thường thiếu tập trung nên hiệu quả không cao.

Minischool áp dụng công nghệ để giải quyết vấn đề ấy bằng cách mô phỏng các nhân vật hoạt hình mà các bé yêu thích. Các bé cùng chơi với nhân vật hoạt hình để nhận thông điệp.

Các con có thể nghe, nói, hoạt động, và thể hiện cảm xúc. Riêng một số bé có năng lực tập trung thấp, chúng tôi trang bị cho các bé phương thức tương tác tự do...

Chúng tôi hi vọng sau buổi ký kết này, chúng tôi sẽ phát triển ở thị trường Việt Nam. Sau đó, chúng tôi cũng dự kiến sẽ tiến vào thị trường châu Âu".

Shark Thủy bắt tay với “Uber” giáo dục Hàn Quốc, chính thức đầu tư ra nước ngoài - Ảnh 2.

Ông Uk Neo Jung, người sáng lập Minischool đánh giá cao sự hợp tác với Tập đoàn Egroup

Phát biểu tại sự kiện ký kết, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ: "Chúng ta thực sự cần đổi mới về giáo dục. Lâu nay có nói chuyện học Hàn Quốc nhưng thấy khó quá. Tham gia những lễ ký kết hợp tác của Egroup với các đối tác Hàn Quốc (Chungdahm, Visang, CMS, Minischool...) thì thấy việc hợp tác như thế này mới thực sự hiệu quả. Với Minischool, cũng như nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc, các bạn thực sự không màu mè, mà là startup đáng tin cậy".

Shark Thủy bắt tay với “Uber” giáo dục Hàn Quốc, chính thức đầu tư ra nước ngoài - Ảnh 3.

PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá việc hợp tác của Egroup với các đối tác Hàn Quốc đang thực sự đem lại hiệu quả

Trước đó, ngày 15/5 tại Seoul, Hàn Quốc, Tập đoàn Egroup cũng đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Visang (Hàn Quốc) để đưa sản phẩm Englisheye về Việt Nam. Đây là chương trình học tiếng Anh đang được ứng dụng tại 700 trường học và trung tâm tiếng Anh tại Hàn Quốc.

Hải An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên