MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sinh viên Việt Nam đang đổ vào Nhật Bản và những tính toán xa xôi của Tokyo

25-05-2017 - 12:35 PM | Tài chính quốc tế

Trong trận chiến giành ảnh hưởng và cơ hội ở Đông Nam Á với Trung Quốc, Nhật Bản đang tiến vào một mặt trận mới là giáo dục khi Tokyo tích cực tuyển sinh viên từ khu vực với kỳ vọng tăng cường quan hệ kinh tế song phương.

Hiện tại, Nhật Bản đang tăng cường tuyển sinh từ các nước Đông Nam Á. Theo Tokyo, đây là cách tốt để tăng cường các mối quan hệ kinh tế với những quốc gia có sinh viên tới Nhật theo học. Đông Nam Á là điểm đầu tư quan trọng của Nhật Bản đồng thời cũng là nguồn cung cấp nhân tài chủ chốt cho xứ sở hoa anh đào.

Trong các nước Đông Nam Á, Việt Nam đặc biệt hưởng ứng chính sách giáo dục của Nhật. Theo số liệu từ Tổ chức các dịch vụ sinh viên Nhật Bản, lượng du học sinh Việt Nam tới Nhật đã tăng gấp 12 lần trong 6 năm (tính đến tháng 5/2016) lên khoảng 54.000 người. Du học sinh từ Việt Nam chiếm 1/4 tổng số du học sinh ở Nhật Bản và chỉ đứng sau Trung Quốc, nhóm chiếm tỷ lệ 41% nhưng con số ngày càng giảm trong mấy năm trở lại đây.

Tokyo và Bắc Kinh đều đang nỗ lực tìm kiếm vai trò lớn hơn ở Đông Nam Á, khu vực có mức tăng trưởng kinh tế cao và tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều, đồng thời có nhu cầu lớn về cơ sở hạ tầng. Đầu tư của Nhật Bản trong khu vực cũng tăng lên trong nhiều năm gần đây vì những căng thẳng địa chính trị và nền kinh tế tăng trưởng chậm làm giảm sức hấp dẫn của Trung Quốc.


So sánh số du học sinh Việt Nam và Trung Quốc ở Nhật Bản qua từng năm.

So sánh số du học sinh Việt Nam và Trung Quốc ở Nhật Bản qua từng năm.

Bà Trần Thị Quỳnh My là một trong những người được hưởng lợi từ chính sách ưu tiên tuyển sinh từ khu vực ASEAN của Nhật Bản. Những học bổng hỗ trợ của Nhật đã giúp bà My, một cán bộ Ngân hàng Nhà nước, có thể cho hai con đi du học tại quốc gia này.

“Tôi chọn Nhật Bản vì chi phí du học thấp hơn các nước khác trong khi hệ thống giáo dục được đánh giá là tốt và có tính kỷ luật cao. Sau khi học tại Nhật, các con tôi sẽ có cơ hội tìm được công việc tốt khi trở lại Việt Nam, nhất là khi ngày càng có nhiều công ty Nhật Bản đầu tư ở đất nước chúng tôi”, bà My nhấn mạnh.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng hơn 6% trong năm 2016 và là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Các công ty Nhật Bản đang ngày càng quan tâm tới ASEAN, khu vực mà thu nhập người dân và chi tiêu tiêu dùng liên tiếp tăng trưởng trong nhiều năm, Shinobu Kikuchi, nghiên cứu viên cấp cao của Viện nghiên cứu Mizuho tại Tokyo, Nhật Bản, nhận định.

Theo số liệu của chính phủ Việt Nam, Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và Trung Quốc. Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương Việt – Nhật đạt 30 triệu USD, tăng gần như gấp đôi so với năm 2010. Hai nước cũng muốn đẩy kim ngạch thương mại song phương lên 60 tỷ USD trong năm 2020. Nhật Bản cũng là nhà đầu tư lớn thứ 2 ở Việt Nam, với tổng cộng 42,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp tính đến tháng 3/2017.


Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản trong những năm gần đây.

Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản trong những năm gần đây.

Trong quá khứ, các công ty Nhật Bản tới Việt Nam để tìm kiếm nguồn lao động giá rẻ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thị trường nội địa Việt Nam phát triển thu hút được nhiều những công ty Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực phi sản xuất, chẳng hạn như bán lẻ. Nhật Bản đang cần những nhân viên có trình độ cao, được đào tạo tốt để làm việc, có thể vượt qua những rào cản về ngôn ngữ hay khoảng cách văn hóa.

Việc ngày càng nhiều công ty Nhật Bản có mặt tại Việt Nam khiến sinh viên và các bận phụ huynh nghĩ tới du học Nhật Bản nhằm tìm được một công việc tốt nơi quê nhà. "Có rất nhiều kỳ vọng, các gia đình cho con đi du học và coi đó như là 1 phương tiện đầu tư với kỳ vọng về mức lợi suất lớn", ông Itsuro Tsutsumi, giám đốc phòng trao đổi sinh viên Jasso nói.

Tuy nhiên, sự kỳ vọng này có thể bị lợi dụng. Hồi tháng 4, đại sứ quán Nhật cảnh báo đã xuất hiện những nhóm tổ chức cho du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản nhưng thực chất là lừa đảo thay vì đáp ứng được cơ hội việc làm và môi trường đào tạo như họ đã cam kết. Rơi vào trường hợp này, nhiều gia đình sẽ phải gánh khoản nợ lớn và mất nhiều năm để trả trong khi cơ hội tìm được một công việc tốt cho con em cũng ngày càng xa vời.

Linh Anh

Bloomberg

Trở lên trên