MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam sẽ bắt đầu hoạt động từ 16/7/2018

15-05-2018 - 23:26 PM | Thị trường

Ngày 16/7/2018, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam sẽ chính thức đi vào hoạt động để kết nối liên thông với các sở giao dịch hàng hóa trên thế giới.

Đây cũng là sở giao dịch hàng hóa đầu tiên được Bộ Công Thương cấp phép từ năm 2010, tuy nhiên sau gần 8 năm "sống dở chết dở", sở giao dịch này đã được hồi sinh và sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7 tới.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam sẽ bắt đầu hoạt động từ 16/7/2018 - Ảnh 1.

Nguyên nhân khiến Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam sống dở chết dở là bởi dù Nghị định 158 quy đinh chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa được ra đời từ tháng 12/2006, tuy nhiên vẫn còn nhiều quy định mang tính ràng buộc, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Theo như ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thì lý do là chúng ta không có vốn, không có cơ sở vật chất, không lưu thông được với nước ngoài nên không thể phát triển được sở giao dịch hàng hóa.

Chỉ đến khi Nghị định 51 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158, có hiệu lực từ ngày 1/6/2018 với nhiều bước đột phá mới thì Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam mới được hồi sinh.

Theo đó, sau 45 ngày Nghị định 51 có hiệu lực, dự kiến Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam sẽ bắt đầu hoạt động với vai trò kết nối liên thông với các Sở Giao dịch Hàng hóa trên thế giới.

Danh mục hàng hóa dự kiến được niêm yết trên sàn của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam sẽ gồm 40 mặt hàng chủ lực, trong đó có những mặt hàng Việt Nam có lợi thế về xuất khẩu và những mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn để phục vụ sản xuất, kinh doanh như gạo, đường, cà phê, cao su, hạt tiêu, nhôm, đồng, sắt, thép...

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho biết, đơn vị này sẽ giúp kết nối các sàn giao dịch trong nước với nhau và hướng tới kết nối với các sàn giao dịch nước ngoài. Việc này sẽ tạo rất nhiều thuận lợi về thông tin lượng hàng xuất đi, giá cả và việc đánh giá thị trường cũng sẽ thuận lợi hơn.

Bà Nguyễn Phương Dung, Phó phòng Hạ tầng thương mại, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, hoạt động mua bán hàng hóa thông qua sở giao dịch hàng hóa sẽ giúp người nông dân có được công cụ bảo hiểm giá nhằm giảm thiểu được các rủi ro của hoạt động sản xuất kinh doanh như sự rớt giá của cà phê, cao su...

Các doanh nghiệp thương mại xuất nhập khẩu cũng có thể biết được giá cả chuẩn giao dịch các mặt hàng này theo từng chủng loại, từng tháng hợp đồng để chủ động sản xuất kinh doanh, cân đối cung cầu.

"Đối với các nhà đầu tư cá nhân, sự ra đời của các đơn vị hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa sẽ đem đến một cơ hội đầu tư mới trong khi các kênh đầu tư truyền thống gặp nhiều khó khăn", bà Dung nhận định.

Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Nguyễn Phương Dung và nhiều chuyên gia kinh tế thì hoạt động mua bán hàng hóa thông qua sở giao dịch hàng hóa vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Một trong những thách thức lớn nhất là thói quen, tập quán kinh doanh của người Việt Nam, đa phần sản xuất nhỏ, sản xuất hàng hóa không theo tiêu chuẩn và thích mua bán trực tiếp thông qua thương lái chứ không thích lên sàn.

Bên cạnh đó, do mô hình còn khá mới mẻ nên sở giao dịch hàng hóa tại Việt Nam chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp, các sản phẩm hợp đồng giao dịch còn chưa phong phú, đa dạng. Cùng với đó, số lượng các nhà đầu tư, cán bộ có trình độ, hiểu biết sâu về lĩnh vực này còn rất hạn chế...

Theo Duyên Duyên

Vneconomy

Trở lên trên