MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sở hữu nhiều startup kỳ lân nhất thế giới, Bắc Kinh đang dồn toàn lực phát triển "Thung lũng Silicon" thứ hai, hứa hẹn tương lai công nghệ bùng nổ tại Trung Quốc

21-11-2019 - 23:29 PM | Tài chính quốc tế

Trong khi "Thung lũng Silicon" đầu tiên của Bắc Kinh là quận Zhongguancun ở vùng ngoại ô và gần nhiều trường đại học danh tiếng thì Triều Dương lại ở nơi lý tưởng để các startup thử nghiệm những dịch vụ tập trung vào người tiêu dùng.

Bắc Kinh luôn tự hào với việc sở hữu một "Thung lũng Silicon của Trung Quốc". Ở thời điểm hiện tại, thành phố này đang nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính phủ để biến quận Triều Dương thành một điểm nóng khởi nghiệp.

Triều Dương, trung tâm của các doanh nghiệp và đại sứ quán nước ngoài trong thành phố, là nơi có tám trong số 20 kỳ lân hàng đầu của Bắc Kinh. Theo cổng thông tin dữ liệu 36Kr, tính đến cuối tháng 9 năm nay, mỗi công ty tư nhân này đều có giá trị hơn 1 tỷ USD.

Trong số đó có ứng dụng giao hàng MissFresh. Một nhân viên 30 tuổi làm việc tại Bắc Kinh cho biết cô dùng ứng dụng này mọi ngày bởi rau củ và trái cây tươi sẽ được giao đến tận nơi trong 40 phút kể từ khi đặt hàng.

Thành lập năm 2014 và được tập đoàn internet Tencent đầu tư, MissFresh đã mở rộng hoạt động tới 10 thành phố lớn của Trung Quốc. Thế mạnh của công ty này là phân tích dữ liệu mua hàng và vận hành kho bãi hiệu quả. 36Kr cho biết MissFresh đang được định giá 3 tỷ USD và đứng thứ 14 trong số các kỳ lân có trụ sở tại Bắc Kinh.

Thủ đô của Trung Quốc là nơi tập trung những công ty khởi nghiệp lớn nhất thế giới với 82 đơn vị, so với 55 startup của San Francisco, nơi giữ vị trí thứ hai. Có thể nói, Bắc Kinh là thành phố tạo điều kiện tiếp cận với tiến bộ mới nhất trong nỗ lực đổi mới công nghệ của chính phủ.

Một số startup nổi bật khác ở Triều Dương là Meicai, nền tảng liên kết nông dân với nhà hàng và nền tảng giáo dục VIPKID cung cấp các lớp học tiếng Anh trực tuyến cho trẻ nhỏ với 70.000 giáo viên đã đăng ký ở Bắc Mỹ và sử dụng tài liệu của Mỹ.

Về phần mình, Zhongguancun là quận có chín trong số 20 kỳ lân lớn nhất của thành phố. Từng là nơi chuyên bán máy tính và thiết bị ngoại vi, Zhongguancun được mệnh danh là Thung lũng Silicon của Trung Quốc vào những năm 1990. Khu vực này phát triển thành một điểm nóng công nghệ khi sinh viên tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng ở lân cận và du học sinh bắt đầu thành lập công ty từ năm 2014.

Zhongguancun cung cấp môi trường hoàn hảo cho các doanh nhân với các trung tâm ươm mầm doanh nghiệp liên kết với các trường đại học và công ty đầu tư mạo hiểm. Công ty nổi tiếng nhất tại đây bao gồm ByteDance, chủ sở hữu ứng dụng TikTok đình đám và công ty cung cấp ứng dụng nhận diện khuôn mặt SenseTime Megvii.

Xa hơn về phía bắc là quận Hải Điến, nơi có trụ sở của gã khổng lồ tìm kiếm Baidu, mạng xã hội Weibo và ứng dụng gọi xe Didi Chuxing. Trong 8 năm kể từ khi thành lập, Kuaishou, một đối thủ của Tiktok đã phát triển thành công ty có 10.000 nhân viên với độ tuổi trung bình là 27. Tại trụ sở khang trang của Kuaishou, nhân viên có thể thưởng thức đồ ăn miễn phí từ sáng đến tối và tập thể dục tại hệ thống phòng tập riêng, những đặc quyền tương tự các công ty công nghệ lớn của Mỹ.

Mặc dù vậy, không ít startup ở Bắc Kinh đang gặp phải thách thức là chi phí tăng vọt do giá thuê văn phòng đang gia tăng, khiến nhiều công ty cân nhắc chuyển đến tỉnh khác đang có chính sách thu hút các công ty khởi nghiệp.

Ngoài ra, việc IPO đối với những công ty này không phải lúc nào cũng thuận lợi. Điển hình là trường hợp của WeWork, công ty đã phải hoãn IPO vô thời hạn và rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng sau khi nộp hồ sơ. Tuy nhiên, đối với những startup có lợi nhuận hoặc được chính phủ hậu thuẫn như Megvii, khả năng IPO thành công của họ là khá cao.


Theo Gia Vũ

Trí Thức Trẻ/Nikkei

Trở lên trên